Dự án kênh đào Phù Nam đã nảy sinh thêm mâu thuẫn mới trên nền những mâu thuẫn cũ

Ngày 1/5, BBC Tiếng Việt cho hay “Kênh đào Phù Nam Techo: Tác giả Campuchia chỉ trích Việt Nam “tưởng tượng” về chiến tranh với Trung Quốc”.

Theo đó, Dự án Kênh đào Phù Nam Techo tiếp tục là chủ đề gây căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia, với việc 2 bên chỉ trích qua lại lẫn nhau ngày càng gay gắt. Một bài viết trên báo Campuchia thậm chí còn chỉ trích các nhà nghiên cứu Việt Nam là: đã “tưởng tượng” ra cuộc chiến với Trung Quốc.

BBC dẫn phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, tại Phnom Penh hôm 28/4 vừa qua, rằng, việc xây dựng kênh đào này “không phải xin phép nước nào”, trừ việc gửi các thông tin cần thiết tới Ủy hội sông Mekong.

BBC cho biết, trước đó, hôm 26/4, Chủ tịch Thượng viên Campuchia Hun Sen đã mạnh mẽ gửi thông điệp: “Không thương lượng gì thêm về việc đào kênh Phù Nam Techo”.

Những thông điệp từ các lãnh đạo Campuchia được đưa ra, sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/4 lên tiếng “đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong, cộng đồng quốc tế, về việc chia sẻ thông tin về công trình này”.

Theo BBC, đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về dự án kênh đào Phù Nam Techo, cho thấy mức độ quan ngại từ Hà Nội đang tăng cao.

BBC nhắc lại, vào tháng 3/2024, Tạp chí Phương Đông của Việt Nam đã đăng bài Dự án kênh đào Funan Techo: lợi ích và hệ lụy, của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh. Trong đó nêu khả năng Phù Nam Techo được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự.

BBC bình luận, có thể thấy, những phản ứng gay gắt từ ông Hun Sen và con trai Hun Manet, nhằm đáp trả lại những động thái từ Việt Nam.

BBC dẫn một bài báo đăng trên tờ Khmer Times – một tờ báo thân Chính phủ Campuchia, hôm 18/4, với nhan đề Cuộc chiến tưởng tượng giữa Trung Quốc và Việt Nam với cái giá phải trả của Campuchia, của tác giả Leap Chanthavy.

Bài báo này đã chỉ trích dữ dội bài báo của Tạp chí Phương Đông, cùng 2 tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh. Ông Leap Chanthavy viết rằng, Đảng Nhân dân Campuchia và Đảng Cộng sản Việt Nam có một tình hữu nghị dài lâu và bền chặt; đồng thời cho rằng, “không thể” có việc Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở Campuchia, hoặc dùng kênh Phù Nam Techo để chuyển quân ở Campuchia.

Ông Chanthavy nhắc lại, Campuchia “chưa bao giờ” muốn, hay chấp nhận nước ngoài đặt căn cứ quân sự, hay huy động quân ở nước mình.

Bên cạnh đó, BBC cũng cho hay, Việt Nam và Campuchia đã trải qua mối quan hệ đầy biến động trong nhiều thế kỷ.

BBC dẫn quan điểm của các nhà nghiên cứu, cho thấy, mầm mống căng thẳng giữa Campuchia và Việt Nam đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 7, khi Chân Lạp và Đại Việt tranh giành ảnh hưởng ở khu vực.

Sự trỗi dậy của triều Nguyễn và việc mở rộng bờ cõi về phía Nam vào thế kỷ 19, đã sáp nhập lãnh thổ mà người Campuchia vẫn coi là “Kampuchea Krom” (Thủy Chân Lạp). Cuối cùng là sự kiện tàn khốc diễn ra trong giai đoạn 1978 – 1989, kết thúc bằng việc Việt Nam can thiệp và lật đổ Khmer Đỏ.

Tác giả Leap Chanthavy cũng đã nêu ra việc, “Việt Nam chiếm đóng Campuchia” là nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc tấn công biên giới phía bắc của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, BBC nhận xét, dự án kênh đào Phù Nam Techo đầy tham vọng lại làm nảy sinh mâu thuẫn mới, trên nền những mâu thuẫn cũ còn trầm tích và chưa được hóa giải.

Phía Campuchia nhiều lần sử dụng các kênh truyền thông chính thống thân Chính phủ, để đăng phát biểu của cựu Thủ tướng Hunsen và Thủ tướng Hun Manet, khẳng định, dự án này không ảnh hưởng gì tới các nước vùng sông Mekong, đồng thời không có “ý đồ chính trị” nào.

Tuy vậy, BBC cũng cho biết, những thông tin chưa rõ ràng về dự án, tiếp tục khiến các nhà khoa học Việt Nam và thế giới lo ngại, về nguy cơ tiềm ẩn mà kênh đào này gây ra đối với môi trường và hệ sinh thái dòng Mekong, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tới khoảng 21 triệu dân sinh sống.

Các nhà quan sát cũng không bỏ qua các nguy cơ về kinh tế, an ninh, quốc phòng và sự tham gia của Trung Quốc vào dự án này.

 

Thu Phương – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023