Thể chế chính trị quái dị của Việt Nam

Ngày 30/4, trang Facebook cá nhân của học giả Trương Nhân Tuấn từ Pháp, có bài bình luận về thể chế chính trị Việt Nam, với tựa đề “Tại sao phải “Tứ trụ” mà không là “nhứt trụ” ?”

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Chỉ duy nhứt Việt Nam mới có cái mô hình chính trị quái dị, không giống ai, gọi là “Tứ trụ”. Một nước luôn chỉ có một ông vua. Bởi vì “chủ quyền quốc gia” là duy nhứt, là tối thượng, là “bất khả phân chia”. Khi chủ quyền bị phân chia làm bốn, hay do bốn người giữ, thì chủ quyền không còn là chủ quyền nữa. Đất nước vì vậy luôn bất ổn.

Theo tôi, ông Trọng hay ông Tô, ông nào cũng được. Việt Nam chỉ cần “một ông” lãnh đạo là đủ.

Ý kiến của tôi nào giờ là vậy. Nào giờ, tôi luôn hô hào “pháp trị hóa nhà nước”. “Quốc gia pháp trị” là vậy. “Pháp trị – the Rule of Law” cũng vậy. Chỉ có “một” trụ mà thôi.

Tôi thấy học giả, chuyên gia tầm quốc tế, hay chuyên gia Việt Nam, luôn lầm lẫn rằng, cái gọi là “nhà nước pháp quyền” của Việt Nam hiện tại, với mô hình xây dựng quốc gia của Pháp (của EU và phần lớn các quốc gia khác trên thế giới), đồng nghĩa với [quốc gia pháp trị], một mô hình “quốc gia xây dựng trên nền tảng luật lệ”.

Ở các quốc gia “bình thường”, ta thấy có 2 mô hình phân chia quyền lực. Thứ nhứt “chế độ đại nghị” và hai là “tổng thống chế”. Cả 2 thể chế chỉ có “một” nhân vật đứng đầu, được nhân dân trao nắm quyền lực tối thượng của quốc gia, tức “chủ quyền”. Chế độ đại nghị, chủ quyền quốc gia thuộc về quốc hội, nhưng người đứng đầu nhánh hành pháp nắm quyền lực. “Một” người khác đứng đầu “quốc gia”, gọi là “chủ tịch nước”, người này chỉ có tư cách đại diện quốc gia mà không nắm quyền lực. Mô hình “tổng thống chế”, tổng thống vừa đại diện quốc gia, vừa nắm luôn quyền lực tối thượng.

Còn Việt Nam, với cái gọi là “nhà nước pháp quyền”. Theo tôi, đến nay chưa mấy ai hiểu rõ ý nghĩa “pháp quyền” là gì ?

Pháp quyền, hôm trước tôi có bài viết nói là từ này, đến từ học giả Đài loan. Ông gọi “tư sản pháp quyền” là “quyền luật định, hay quyền hiến định, của giới tư sản”.

Tức, “pháp quyền là quyền đã được chuẩn nhận do hiến pháp”. Điều 4 Hiến pháp Việt Nam đã xác định, “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”.

“Quốc gia pháp trị”, là quốc gia được xây dựng trên nền tảng luật lệ.

Khác nhau giữa “quốc gia pháp trị” với “nhà nước pháp quyền” rất là lớn.

Trong chế độ “pháp quyền”, quyền lực quốc gia thuộc về đảng và thẩm quyền phân chia quyền lực cũng thuộc về đảng.

Nhiều người lẫn lộn “nội qui” của đảng với “pháp qui”. Tức lẫn lộn giữa “điều lệ nội bộ của một đảng” với những qui định của luật pháp quốc gia. Nhiều người không phân biệt, và không hiểu được “nhà nước pháp quyền”, vì vậy lẫn lộn với mô hình “quốc gia pháp quyền”. Thật là tai hại.

Vì vậy, họ mới có những phê bình sai, kiểu Việt Nam mất ổn định chính trị. “Tứ trụ còn 2 trụ”, rồi còn một trụ mới là điều “thuận”. Củng cố chế độ “Tứ trụ” mới là tầm bậy.

*******

Trên thực tế, ngoài “Tứ trụ”, thể chế chính trị Việt Nam còn nhiều điều quái dị không giống ai khác nữa. Ví dụ như, Hiến pháp quy định “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhất”, tuy nhiên, cả cơ quan Quốc hội hay vị Chủ tịch Quốc hội đều là bù nhìn của Đảng. Hay Chủ tịch nước – một vị trí mang tính lễ nghi, tương tự chế độ đại nghị của phương Tây, nhưng lại cũng do Quốc hội bầu trên hình thức, mà thực tế thì cũng chỉ là một con rối của Đảng. Trong “Tứ trụ”, thì có đến 2 con rối, và Thủ tướng thì cũng không thoát khỏi cái vòng kim cô “đường lối của Đảng”. Rồi cả hệ thống tư pháp cũng đều chịu sự chi phối của Đảng.

Tất cả những điều quái dị này đã dẫn đến thực trạng bết bát hiện nay của đất nước Việt Nam.

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023