Huệ Vương đã “đứt gánh” và sự thay đổi lớn nhân sự cấp cao?

Sự nghiệp chính trị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ còn tính bằng giờ. Nghĩa là, Huệ Vương chắc chắn phải ra đi.

Nhiều nguồn tin khả tín đã khẳng định, “Siêu tốc! ông Huệ đã bị cách hết rồi, không còn đến cả “nguyên” nữa”. Ông Huệ sẽ được cho hạ cánh an toàn, sau khi viết tâm thư gửi Tổng Trọng.

Nguồn tin nội bộ từ Hà Nội tiết lộ cho thoibao.de: “Sau nhiều ngày thẩm tra, Phạm Thái Hà – Trợ lý của ông Huệ  – nhất mực nhận hết tội lỗi, không khai ra ai”.

Tuy nhiên, theo nhà báo Đại tá Trần Nhung – cựu Trưởng phòng biên tập Thời sự quốc tế, Báo Quân đội Nhân dân, khẳng định, “người hàng xóm [nhà ông Huệ] cho tôi biết, đệ tử của anh [Huệ] được doanh nghiệp hối lộ phần khá lớn trong tổng số hơn 2.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp này hối lộ cho các quan chức. Đây thật là món tiền kinh khủng. Anh nói anh không biết việc này, nhưng tiếc thay cái tay doanh nghiệp kia lại khai ra vanh vách.”

Đáng chú ý, một tờ báo quốc tế, ngày 17/4 tiết lộ cho rằng, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, là em họ của ông Vương Đình Huệ.

Như vậy, có thể nói, dù ông Huệ cho rằng, ông không liên quan đến khoản nhận hối lộ của Trợ lý Phạm Thái Hà, lên đến 2,2 ngàn tỷ (gần 80 triệu USD), nhưng theo Quy định số 41 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đối với trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng, thì ông Vương Đình Huệ vẫn phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Vẫn theo nguồn tin trên khẳng định, “Văn bản Quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 19/4 trôi nổi trên mạng trong mấy ngày qua, là văn bản giả mạo. Không có chuyện thành lập một Đoàn Kiểm tra đi điều tra những sai phạm của ông Huệ”. Ngoài ra, nguồn tin cho biết thêm, ông Huệ đã viết tâm thư gửi Tổng Trọng, trình bày những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp phát triển của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong thời gian dài…

Kết quả, đã có tín hiệu tốt, ông Huệ sẽ rời bỏ chức vụ, để sau đó được “hạ cánh an toàn” trong thời gian sắp tới.

Mới nhất, một nguồn tin khác từ Việt Nam tiết lộ với thoibao.de, kết quả của cuộc họp khẩn Bộ Chính trị ngày 25/4, đã ra Nghị quyết với các nội dung:

1 – Cách hết mọi chức vụ của ông Vương Đình Huệ.

2 – Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc hội thay ông Huệ.

3 – Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ giữ chức Chủ tịch nước còn trống của ông Võ Văn Thưởng.

4 – Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sẽ giữ chức Thường trực Ban Bí thư, thay cho bà Trương Thị Mai.

Dự kiến, chiều ngày 26/4, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị bất thường để chuẩn thuận Nghị quyết vừa kể của Bộ Chính trị; ngày 20/5, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, các đại biểu Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết này.

Thoibao.de không có điều kiện để kiểm chứng tin vừa nêu.

Trước đó, nhà báo Yến Minh trong status “Ai sẽ là Chủ tịch?”, đã đưa ra các nhận xét đáng chú ý: “Một trong những ứng cử viên sáng giá là bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Điều khiến bà Mai trở thành ứng viên sáng giá, xuất phát từ chính điểm yếu của bà, bà không có nhiều quyền lực và có vẻ không quá tham vọng quyền lực, nhất là nhắm đến chức vụ cao hơn”.

Chính trường Việt Nam đang trải qua những biến động dồn dập, với sự ra đi của hàng loạt lãnh đạo cấp cao. Đã có tới 5 uỷ viên Bộ Chính trị và 3 nhân vật “Tứ trụ” nối đuôi nhau ra đi, vì dính líu đến các cáo buộc tham nhũng. Đó là các ông: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, và mới nhất là Vương Đình Huệ.

Công luận đánh giá rằng, công cuộc “đốt lò” của Tổng Trọng, với mục đích làm trong sạch nội bộ Đảng, nhưng càng chống thì tham nhũng càng tăng, tới mức vô phương cứu chữa. Quan trọng hơn, nó bộc lộ cho thấy, tình trạng mất đoàn kết, đấu đá để tranh giành quyền lực trong nội bộ lãnh đạo cấp cao là hết sức trầm trọng, tới mức coi nhau như kẻ thù.

Theo giới phân tích, nếu không cẩn thận, cuối cùng, chính Tổng Trọng cũng sẽ trở thành một “thanh củi gộc”, vì các thế lực “kình địch” đã và đang rắp tâm cưa ghế của ông.

Đừng quên, các nhân vật giấu mặt đã và sẽ cố tình bạch hóa số tiền mà Hà Nội đã bị bốc hơi, lên đến 3.000 tỉ đồng, trong thời cụ Tổng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Điều mà từ năm 2010, cựu Thủ tướng Ba Dũng và “bố già” Nguyễn Văn Hưởng đã làm, nhưng chưa thành công.

Chính trường Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, bởi tất cả thành viên Bộ Chính trị, kể cả Tổng Trọng, đều từng “nhúng chàm” trong quá khứ. Chỉ cần một phe nào đó đủ sức mạnh để “khai hỏa”, thì một số sự việc sẽ biến thành “quả bom” gây rúng động cung đình./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023