Chiến lược “Mỹ tiến” của VinFast đã “tử nạn”, bao giờ Vượng mới “an táng” nó?

Giá cổ phiếu VFS của VinFast trên thị trường chứng khoán Nasdaq, vào phiên giao dịch ngày 5/4, đã rớt xuống 3,98 USD/cổ phiếu vào lúc 11 giờ 35 phút giờ địa phương. Tuy sau đó đã nhích lên trên 4 USD, nhưng vẫn còn rất sát 4 USD. Giá đóng cửa cùng ngày của VFS là 4,36 USD/cổ phiếu. Đáng nói là, lượng giao dịch hằng ngày rất nhỏ, chỉ khoảng 1,35 triệu cổ phiếu.

Được biết, khi mới tham gia Nasdaq, lượng giao dịch VFS từ 10 đến 20 triệu cổ phiếu/ngày. Thời điểm VinFast tung thêm 75 triệu cổ phiếu, lượng giao dịch còn khoảng từ 5 đến 7 triệu cổ phiếu/ngày. Như vậy, nhìn bức tranh tổng thể, lượng cổ phiếu VFS được giao dịch hằng ngày cứ giảm dần theo thời gian.

Đầu năm nay, lượng giao dịch hằng ngày của VFS giảm còn khoảng 4 triệu cổ phiếu, thì nay con số này chỉ là 1,35 triệu. Trong báo cáo mới nhất VinFast gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ SEC, thì tổng số cổ phiếu phát hành ra công chúng vẫn còn dừng ở mức 75 triệu. Tức là, từ ngày 2/10/2023 – ngày Ủy ban Chứng khoán Mỹ công bố bản chào bán hơn 75 triệu cổ phiếu của các cổ đông VinFast ra công chúng, thì tới nay, VinFast chưa hề tung ra thêm một cổ phiếu nào nữa.

Chỉ với 75 triệu cổ phiếu, giá của VFS đã tụt dốc thê thảm, liên tục trong nhiều tháng. Nếu tiếp tục tung thêm cổ phiếu ra công chúng, sẽ chỉ đẩy giá VFS nhanh đến với “cổ phiếu rác”. Nhưng nếu không tung thêm cổ phiếu, thì VinFast không thể huy động được vốn.

Giữa thị trường hàng hóa và thị trường vốn luôn có mối quan hệ hữu cơ. Chỉ khi xe VinFast bán được, thì công ty mới cải thiện được tình hình kinh doanh. Từ đó, nhà đầu tư mới thấy được triển vọng để đầu tư vào công ty, cũng từ đó, nhu cầu mua cổ phiếu của công ty mới tăng lên, và VinFast mới huy động được vốn.

Lúc này đây, mấy ngàn xe VinFast đã nhập khẩu vào đất Mỹ vẫn nằm phơi bãi, vì bị người Mỹ chê bai thậm tệ. Như vậy, có nhà đầu tư nào liều lĩnh lại dám bỏ tiền vào mua cổ phiếu VFS?

Có thể thấy, chiến dịch “Mỹ tiến” của VinFast đã hoàn toàn chết yểu. Chỉ là không biết, đến bao giờ thì ông Phạm Nhật Vượng mới cho khai tử chiến lược này, hay là ông cứ giữ mãi “cái xác không hồn này”, để rồi hằng ngày VinFast phải đốt tiền vàng cho nó. Khổ nỗi, cái “thây ma” Mỹ tiến ấy không chịu tiền vàng mã, mà hàng ngày vẫn xài tiền thật, đô la thật mới chịu.

Hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng đã nắm vai trò CEO của VinFast, xem như, người lãnh đạo cho chiến dịch Mỹ tiến là bà Lê Thị Thu Thủy đã thất bại. Ông Vượng đang chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á, với hy vọng gỡ gạc lại sau những sai lầm khi đầu tư vào Mỹ. Tuy nhiên, không biết, vì nóng vội hay liều mạng, ông Vượng không hề có những bước đi thận trọng cần thiết của một nhà đầu tư. Việc xuống tiền để xây một nhà máy tỷ đô, không phải là chuyện của một bà nội trợ, thích mua gì thì mua, mà cần có những bước thăm dò, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường.

Thị trường Mỹ, ông Vượng đã bỏ qua bước nghiên cứu thị trường, nên đã nhận trái đắng. Phải chi, ông đầu tư kỹ lưỡng từ khâu kỹ thuật, công nghệ, tìm hiểu kỹ sở thích, nhu cầu và cả văn hoá của người Mỹ, trước khi xuất xe sang bán. Đến khi xe VinFast đã được thị trường Mỹ chấp nhận, ông đi bước tiếp theo là IPO lên sàn. Cuối cùng, sau khi huy động vốn thành công, mới đi đến bước xây nhà máy.

Hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới đều làm như thế, họ không phải thích gì làm nấy như ông Phạm Nhật Vượng. Vì vậy họ mới lớn mạnh và trở thành những tập đoàn toàn cầu.

Bước đi tại thị trường Ấn Độ của VinFast đang lặp lại sai lầm đã vấp phải trên thị trường Mỹ. Ông Vượng vẫn nóng vội, vẫn muốn “đánh úp” vào thị trường mới. Nếu thị trường Ấn không thích xe VinFast, thì VinFast lại một lần ngã đau nữa. Và thất bại – một lần nữa lặp lại trong chiến lược “Ấn tiến”.

Có lẽ, ông Vượng nên “an táng” loại chiến lược “đánh úp” kiểu như đã làm với thị trường Mỹ và thị trường Ấn. Nếu không thay đổi, sẽ không chỉ cái chết của một chiến lược, mà là cái chết của cả công ty, thậm chí là cái chết của toàn bộ tập đoàn.

Hoàng Anh – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023