Sự lộng hành quá mức của Tô Đại: Vì sao ĐBQH cũng không chịu nổi?

Trong những năm gần đây, dư luận xã hội hết sức bức xúc trước sự lộng hành của cán bộ công an, của Bộ Công an cũng như Bộ trưởng Tô Lâm.

Theo số liệu chi ngân sách của Bộ Tài chính, trong 3 năm liên tiếp (từ 2021 đến 2023), số tiền chi cho Bộ Công an luôn cao thứ 2, chỉ sau Bộ Quốc phòng, và gấp hơn chục lần so với Bộ Giáo dục cũng như Bộ Y tế.

Ví dụ cụ thể, năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng, và được tăng lên gần 100 ngàn tỷ đồng trong năm 2023. Trong khi, năm 2022, số tiền chi cho Giáo dục chỉ là 6,521 ngàn tỷ, và 6,526 tỷ cho năm 2023.

Điều đó cho thấy, chi ngân sách cho ngành Công an cao gấp khoảng 13 lần ngân sách chi cho Giáo dục, và chi cho Y tế cũng ở tình trạng tương tự. Theo giới chuyên gia, điều đó thể hiện chính sách bất hợp lý của chính quyền Việt Nam, đã có sự ưu tiên quá mức đối với lực lượng “thanh kiếm và lá chắn”.

Mới nhất, truyền thông nhà nước ngày 22/3 đưa tin, theo đại diện của Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ mặc thường phục để “bắt” người vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, cảnh sát giao thông sẽ bố trí lực lượng mặc thường phục, bí mật nắm tình hình để thông báo và xử lý người vi phạm sử dụng rượu, bia tham gia giao thông trên tuyến.

Truyền thông quốc tế đánh giá rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có quy định ngặt nghèo nhất về nồng độ cồn, đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Việc chính quyền Việt Nam đưa ra chính sách cấm tuyệt đối người lái xe có hơi men, ban đầu được công luận đồng tình, nhất là việc lực lượng cảnh sát giao thông xử lý quyết liệt đối với các lái xe say xỉn. Công luận thấy rằng, trong thời gian qua, tình trạng tai nạn giao thông trên đường đã giảm hẳn. Đồng thời, việc quyết liệt xử phạt người có nồng độ cồn tham gia giao thông, cũng thay đổi thói quen của những người dân thích nhậu nhẹt. Đây là điều đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, việc lạm quyền của công an khi gia tăng phạt người vi phạm, cũng như việc xử phạt hành chính những người, những hội nhóm trên mạng xã hội, thông báo về các trạm kiểm soát của công an, là điều không thể chấp nhận được. Ngay cả đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình với chủ trương “lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ tiến hành mặc thường phục để “bắt” người vi phạm nồng độ cồn”.

Báo Thanh Niên ngày 27/3 đưa tin, “Đại biểu Quốc hội: “CSGT mặc thường phục xử phạt nồng độ cồn, mắc cớ gì phải làm thế?”. Tuy nhiên, ngay sau đó, bản tin này đã không còn tồn tại. Bấm vào đường link thì được báo lỗi 404 và thông báo “lỗi không truy cập được”. Tuy nhiên, nội dung của bài báo vẫn có thể theo dõi được trên các trang khác của mạng xã hội.

Bản tin cho biết, sáng 27/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 khóa XV, thảo luận về Dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) bày tỏ đồng tình với phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, Đại biểu Lan đã đề nghị rà soát, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp, và phải có lộ trình, từng bước theo thời gian, để tạo thành ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách Phạm Văn Hòa thì cho rằng, ủng hộ nguyên tắc đã uống rượu, bia thì không lái xe. Nhưng việc “uống ½ cốc bia từ ngày trước, đến sáng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn,” nếu bị cảnh sát giao thông phạt thì rất vô lý.

Qua tìm hiểu của phóng viên thoibao.de, được biết, nguồn cơn của tình trạng trên xuất phát từ Nghị định 100 của Chính phủ, ban hành năm 2019, và Nghị định do Bộ Công an ban hành vào cuối năm 2023, về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Nhưng quan trọng hơn, theo Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương được Quốc hội thông qua chiều ngày 10/11/2023, Bộ Công an được hưởng 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, 15% còn lại dành cho các địa phương, để chi cho các lực lượng khác. Đây là điều rất bất hợp lý.

Công luận cho rằng, điều đó đã kích thích sự “hưng phấn” làm tiền của lực lượng cảnh sát giao thông. Lực lượng này bất kể nắng mưa, 24/7 có mặt trên đường để hành dân.

Công luận thấy rằng, việc Quốc hội cho phép công an được hưởng tới 85% tiền phạt, là nhà nước mặc nhiên cổ vũ và khích lệ việc xử phạt – đó là hành vi “coi dân là con bò sữa”.

Dù rằng chủ trương cấm người có nồng độ cồn cao khi điều khiển phương tiện giao thông là hợp lý, góp phần làm giảm tai nạn, nhưng cũng không thể áp dụng một cách quá cứng nhắc như hiện nay./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023