Nếu Tô Lâm làm Chủ tịch nước, thì ấn tượng về “nhà nước công an trị” càng đậm đà

Ngày 25/3, BBC Tiếng Việt bình luận “Khi nào Việt Nam sẽ có tân Chủ tịch nước?”

BBC cho biết, theo quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ nhậm chức.

Theo BBC, đấy là quy trình chính thức. Trên thực tế, các sắp xếp trong Đảng được coi là quyết định, và việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp pháp hóa sự sắp xếp ấy của Đảng.

Điều này cũng tương tự như việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước. Có thể thấy, sau khi Bộ Chính trị quyết định và Trung ương Đảng tán thành việc thôi chức của ông Thưởng, cuộc bỏ phiếu miễn nhiệm ở Quốc hội sau đó một ngày chỉ là một thủ tục mà thôi.

BBC dẫn ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, nhận định:

“Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước, và thông thường có kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 và tháng 10. Chúng ta có thể phải đợi từ nay đến tháng 5, để Ban Chấp hành Trung ương đạt sự đồng thuận và sau đó Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước.”

BBC cho hay, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm nằm trong danh sách những ứng viên có thể trở thành tân Chủ tịch nước, theo giới quan sát.

Ông cũng được cho là ứng viên cho chức Tổng Bí thư trong Đại hội Đảng lần thứ 14 vào năm 2026.

Tuy nhiên, BBC cũng cho biết, Tướng Tô Lâm dính vụ bê bối về thịt bò bít tết dát vàng, đồng thời được đánh giá là người không khoan nhượng với những quan điểm, hành động, khác biệt với đường lối chính thống của Đảng.

BBC dẫn quan điểm của Giáo sư Zachary Abuza, từ Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ, đánh giá:

“Ông Tô Lâm có thể sử dụng Bộ Công an để vô hiệu hóa một cách hiệu quả các đối thủ trong Bộ Chính trị và ông ta đã làm điều này rất hiệu quả.”

Giáo sư Zachary Abuza cũng nhận định, nếu tân Chủ tịch nước là Đại tướng Tô Lâm, thì ấn tượng “nhà nước công an trị” của Việt Nam càng đậm đà.

“Tôi nghĩ chúng ta phải xét đến bối cảnh Chỉ thị mật 24, do Bộ Chính trị Việt Nam công bố hồi tháng 7, gần đây đã bị rò rỉ. Tài liệu này đã nêu quan ngại của Bộ Chính trị về nguy cơ xảy ra cách mạng màu, diễn biến hòa bình, và tầm quan trọng của đàn áp, không chỉ nhằm vào giới bất đồng chính kiến mà còn những đối tượng tình nghi khác, xét về mặt hệ thống là nhằm vào xã hội dân sự. Điều này giống tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.”

Giáo sư Abuza cũng chỉ ra, trong 14 uỷ viên Bộ Chính trị, có đến 4 người từng là quan chức trong Bộ Công an. Đó là, Bộ trưởng Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, và Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

BBC cũng dẫn đánh giá của giới quan sát, cho rằng, nếu ông Tô Lâm lên làm Chủ tịch nước, thì ông Phan Đình Trạc có thể là một trong những ứng viên có khả năng kế nhiệm chức Bộ trưởng Công an.

Trong khi đó, BBC tiếp tục cho biết, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đàn áp những người chỉ trích Đảng Cộng sản, giữa lúc Chính phủ đang vận động để có chân trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ tiếp theo.

Gần nhất, có 3 tiếng nói bất đồng bị bắt giữ, đều với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, là Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình (Hà Nội) và Hoàng Việt Khánh (Lâm Đồng).

BBC cho biết thêm, làn sóng trấn áp còn lan sang các nhà hoạt động môi trường, sau khi họ tham gia hoạt động nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiệt điện than. Một số người làm trong các tổ chức phi chính phủ bị bắt, như Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên…

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023