Vì sao thế hệ cán bộ “trưởng thành trong hoà bình” tiếp tục phát sinh scandal?

Ngày 28/3, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận “Quy hoạch nhân sự, kế thừa và… “hồng phúc” đính kèm đại hoạ”.

Theo tác giả, cam kết của Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn rằng, “Việc thay đổi Chủ tịch Nhà nước sẽ không gây ra bất kỳ xáo trộn nào về đường lối đối ngoại và chính sách kinh tế của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, chính là ví dụ mới nhất, minh họa cho chủ trương sắp đặt nhân sự, không thân hữu thì cũng là “con ông, cháu cha” – không những tạo ra đại họa, mà còn đặt xứ sở, dân tộc trước những ẩn họa khó lường khác từ “quy hoạch nhân sự”!

Tác giả cho rằng, nếu nghiêm túc thực thi tôn chỉ “của dân, do dân, vì dân”, thực sự tôn trọng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, để dân chúng toàn quyền lựa chọn nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, không khăng khăng giành giữ “quy hoạch nhân sự”, thì sẽ không có chuyện trong vòng một năm phải đổi hai Chủ tịch nước.

Tác giả phân tích, sau 20 năm giành giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối ở miền Bắc, và thêm gần 5 thập niên giữ quyền này trên toàn Việt Nam, giới lãnh đạo hệ thống chính trị vẫn lập kế để trao, truyền quyền lực cho con, cháu của họ.

Tác giả dẫn Nghị quyết số 26-NQ/TW ban hành hồi tháng 5/2018, sau Hội nghị 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, biến tham vọng trên thành “đường lối” và nền tảng xây dựng “chính sách”.

Theo đó, “đội ngũ cán bộ” phải được xây dựng theo hướng “cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới”, và mở đường cho “giai đoạn chuyển giao thế hệ, từ lớp cán bộ sinh ra, trưởng thành trong chiến tranh…, sang lớp cán bộ sinh ra, trưởng thành trong hòa bình, và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”!

Tác giả nhận xét, ông Thưởng được xem là nhân vật đầu tiên – đại diện cho “lớp cán bộ trưởng thành trong hòa bình” – đảm nhận vai trò lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị Việt Nam. Tuy nhiên ông Thưởng vẫn không phải là ngoại lệ tích cực. Dù đã được “đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”, thế hệ “con ông, cháu cha” vẫn chỉ tiếp tục gieo thêm họa!

Tác giả đánh giá, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã giải đáp một cách rõ ràng, cụ thể, tại sao các lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, từ Trung ương đến địa phương, thi nhau gửi quý tử, ái nữ đi du học dưới đủ mọi hình thức.

Và Nghị quyết này cũng giải thích tại sao, những quý tử, ái nữ ấy hăm hở hồi hương, ngay sau đó được tuyển dụng và sớm trở thành “người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”!

Tác giả nhận định, Nghị quyết kể trên không chỉ phô bày bản chất của cái gọi là “dân chủ Xã hội Chủ nghĩa”, mà còn cho thấy tâm địa của những lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Thụ hưởng đủ loại lợi ích từ hệ thống vận hành theo kiểu như thế, việc được “đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau” và cọ xát với các xã hội đề cao dân chủ, thượng tôn nhân quyền, dường như chỉ khiến các quý tử, ái nữ là “con ông, cháu cha” kiên định hơn với toàn trị.

Tác giả kết luận, sự trung thành với chế độ toàn trị của những “con ông, cháu cha” kể trên, không đơn thuần chỉ vì toàn trị loại trừ việc phải nỗ lực không ngừng nghỉ, mà toàn trị còn tạo điều kiện “thăng tiến thần tốc”, giúp “ăn trên, ngồi trốc”, dễ dàng “vinh thân phì gia”, đồng thời hứa hẹn có thể chuyển giao danh, lợi cho nhiều đời nữa. Đó cũng là lý do tiến trình “chuyển giao quyền lực” cho thế hệ cán bộ “trưởng thành trong hòa bình” liên tục phát sinh scandal…

 

Thu Phương – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023