Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là một chính khách trẻ, có mối quan hệ “đặc biệt” với ông Nguyễn Phú Trọng. Nếu không xảy ra “biến cố” vừa qua, có khả năng, ông Thưởng sẽ trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một trong những lý do khiến ông Thưởng bị hạ bệ, được cho là do bàn tay của Tô Lâm. Nhiều ý kiến cho rằng, đến nay, ông Tô Lâm đã trở thành kẻ siêu quyền lực, nắm quyền chi phối nội bộ Đảng, chứ không phải là Tổng Trọng.
Bởi mối quan tâm lớn nhất của Đảng luôn là giữ vững an ninh chính trị, để duy trì thế độc quyền lãnh đạo, quản lý nhà nước và xã hội. Mà Tô Lâm chính là người đã và đang xây dựng hệ thống nhà nước “công an trị”. Do đó, ông ta có đủ kinh nghiệm để trở thành người nắm giữ vị trí đứng đầu Đảng.
Theo công luận, qua sự cố “ngã ngựa” của ông Võ Văn Thưởng, cho thấy, 100% lãnh đạo cấp cao của Đảng hiện nay, đều không khác ông Thưởng. Họ đều không trong sạch, đều là quan tham, ăn cắp, hối lộ, chỉ là họ chưa bị lộ mà thôi. Vì vậy, một khi Tô Lâm ra tay để đạt được tham vọng trở thành Tổng Bí thư, thì họ phải coi chừng.
Tuy nhiên, đừng quên, với nguyên tắc lãnh đạo tập thể, mỗi nghị quyết của Bộ Chính trị đều phải dựa trên sự biểu quyết của đa số. Việc loại bỏ các nhân sự cấp cao, từ uỷ viên Trung ương trở lên, đều được Bộ Chính trị bàn thảo, cân nhắc theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cùng với sự kiểm tra kỹ càng của Ban Nội chính Trung ương.
Những cơ quan này đều là các cơ quan chuyên trách của Đảng, dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng” Tổng Trọng. Cho đến lúc này, số lượng lá phiếu ủng hộ Tổng Trọng trong Bộ Chính trị vẫn chiếm đa số, áp đảo Tô Lâm.
Điều đó cho thấy, Tô Lâm muốn trảm ông Thưởng thì phải được sự đồng ý của ông Tổng. Nên nhớ, nếu Tô Lâm có khả năng lật lại hồ sơ, thì tại sao Tổng Trọng và phe cánh lại không làm được?
Chuyên gia Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Chính trị Đông Nam Á, có trụ sở ở Singapore – vốn là một quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam, từng cảnh báo, “Họ [Bộ Chính trị] phải đạt sự đồng thuận khi chọn người kế nhiệm, nên có lẽ, họ phải loại bỏ bất cứ ai chống lại người được ông Trọng lựa chọn để kế vị”. Điều đó cho thấy, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và phe cánh mới là phía phải coi chừng.
Ông Tô Lâm được đánh giá là một trong nhưng Bộ trưởng Công an có quyền lực nhất từ trước cho đến nay. Song, ông Tô Lâm cũng là một Bộ trưởng Công an dính dáng đến tham nhũng, và bảo kê tham nhũng chưa từng thấy.
Việc ông muốn trở thành một trong “Tứ trụ”, để giành “suất đặc biệt”, hoàn toàn không đơn giản. Điều kiện tiên quyết là ông phải khống chế, hay nắm chắc được nhân sự kế nhiệm ngồi ghế Bộ trưởng Công an. Nếu không, việc hồi tố như đã xảy ra với cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, sẽ diễn ra lặp lại.
Trong quá khứ, ông Tô Lâm từng dính đến một thương vụ đầy tai tiếng, đó là vụ án Mobifon mua 95% cổ phần của AVG, xảy ra năm 2015. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm Mobifon đề xuất mua AVG, thì hãng này đang thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, âm gần 50% vốn điều lệ.
Đây là một vụ tham nhũng đình đám, trong đó, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nhận hối lộ 3 triệu USD.
Khi đó, ông Tô Lâm là Thứ trưởng Bộ Công an, đã ký một thông báo đóng dấu “MẬT” để che dấu mối quan hệ của ông. Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã bị cáo buộc nhận một khoản hối lộ còn lớn hơn ông Nguyễn Bắc Son. Nhưng Tô Lâm vẫn thoát tội, vì sao?
Câu trả lời được cho là, sau Đại hội 12, khi đó Tô Lâm đã trở thành Bộ trưởng Bộ Công an, dù là đệ tử của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng ông vẫn “cung cúc” phục vụ đắc lực cho Tổng Trọng.
Việc đặc vụ của Bộ Công an bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay giữa trung tâm thủ đô Berlin, Đức vào tháng 7/2017, là một minh chứng cho sự tận tuỵ của Tô Lâm đối với Tổng Trọng, cũng như việc, hệ thống tay chân mà cựu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cài cắm lại, đã bị nhổ tận gốc. Đổi lại, Tô Lâm được Tổng Trọng “tha chết”.
Đừng quên, Tổng Trọng trước đây tha cho Tô Lâm được, thì nay, yêu cầu hồi tố là việc còn dễ hơn ăn kẹo. Đó là lý do, nhiều nguồn tin nội bộ cho biết, “đến phút 89, ông Tô Lâm dứt khoát không rời ghế Bộ trưởng Bộ Công an theo sắp xếp của Bộ Chính trị”.
Điều khiến Tô Lâm lo ngại là, trong trường hợp ông rời khỏi Bộ Công an để ngồi ghế Chủ tịch nước, rất có thể, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc sẽ nắm giữ chức này. Mà một khi ông Trạc nắm được Bộ Công an, ảnh hưởng của Tô Lâm sẽ nhanh chóng mờ nhạt, và rất có thể, ông sẽ phải nhận một kết cục giống cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước đây./.
Vì sao Tô Đại dứt khoát không chịu rời ghế Bộ Trưởng Công An?
Trà My – Thoibao.de