Tết nào cho thôn Hoành?

Ngày 9/2, tức ngày 30 Tết Giáp Thìn, Luật sư Đặng Đình Mạnh có bài “Thôn Hoành bây giờ đã có Tết” đăng trên Facebook cá nhân của ông.

Tác giả nhắc lại, tròn một tháng sau ngày 3.000 công an đủ các lực lượng tấn công vào thôn Hoành, Đồng Tâm, sát hại cụ Lê Đình Kình một cách hèn hạ, thì tác giả đến thăm nơi này cùng với hai đồng nghiệp, luật sư Lê Văn Hòa và luật sư Ngô Anh Tuấn.

Còn nhớ, công an tấn công vào thôn Hoành vào đêm mùng 8, rạng sáng ngày 9/1/2020. Vụ tấn công này liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền tại cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Công an đã dùng vũ khí và hơi cay tấn công người dân, đánh thẳng vào nhà cụ Lê Đình Kình, làm sập một bức tường, và bắn chết cụ Kình tại phòng ngủ. Cụ Kình, 84 tuổi tại thời điểm bị sát hại, đã bị công an đánh gãy 2 chân trong một lần xô xát trước đó, phải ngồi xe lăn, và hoàn toàn không có khả năng phản kháng.

Luật sư Mạnh dẫn lại bài viết vào thời điểm ông đến thăm thôn Hoành, năm 2020, với tựa đề “Tết nào cho thôn Hoành?”.

Theo đó, trong những ngày dịch cúm nCoV hoành hành, tác giả đã thật sự ngại ngần khi nghĩ đến viễn cảnh phải ra sân bay để đi đâu đó. Kể cả khi có mặt ở đấy, thì mới rõ sự ngại ngần không chỉ của riêng mình. Sân bay vắng lắm, số khách chờ chuyến bay chỉ khoảng độ 20 – 30% so với thời gian trước đó.

Nhưng sự có ý trông chờ của thân nhân ông cụ vừa bị giết hại ngay những ngày giáp Tết, qua lời nhắn “Bà chờ chú …”, khiến tác giả xấu hổ và phải gạt phắt đi ngại ngần toan tính thiệt hơn, an toàn cho bản thân mình, để nhờ đặt ngay vé cho chuyến ra Hà Nội.

Tại Hà Nội, một vài đồng nghiệp đã chuyển nhanh cho nhau lời hẹn cùng về thôn Hoành, nơi cách xa Hà Nội khoảng 40km.

Tác giả miêu tả, bầu trời âm u, mưa lất phất, thôn xa ấy trông quá ảm đạm trong buổi chiều lạnh lẽo. Nếu không có những tấm băng rôn đỏ màu máu tươi dăng khẩu hiệu ngang dọc, thì có lẽ, không ai biết nơi ấy cũng vừa trải qua những ngày Tết âm lịch.

Trước linh vị, trong tiếng nấc của cụ bà, đồng nghiệp chia nhau nén hương thắp tưởng nhớ ông cụ, người đã suốt cuộc đời tin cậy vào những họng súng bắn thẳng vào tim mình.

Tác giả cho biết, đến tận nơi, nghe tận tai, trông tận mắt, sờ tận tay… mới cảm nhận gần đủ những nỗi mất mát, đau thương quá lớn, cả về tinh thần lẫn vật chất của họ, mà nhóm luật sư xót xa, khi chỉ mang đến được cho họ quá ít ỏi điều an ủi. Chỉ là sự cảm thông, sẻ chia tấm lòng thơm thảo của bà con Vườn rau Lộc Hưng, vốn cùng cảnh ngộ “tan cửa, nát nhà”, thay mặt phúng viếng cho đồng nghiệp, sự trợ giúp bé nhỏ về pháp lý của các luật sư từ hai miền Nam Bắc, cho những thân nhân của họ đang khốn khổ trong vòng lao lý, và cái nắm tay thật chặt.

Tác giả đau xót cảm thán, ngày Tết, ngày đoàn viên ấm cúng của mọi gia đình người Việt. Nhưng với họ, vĩnh viễn, ngày Tết sẽ chỉ nhắc nhở biến cố đau thương mà không ai muốn có trong cuộc đời mình.

Thật sự, bây giờ, có trả lại ngay công lý cho họ, thì cũng chẳng còn mấy ý nghĩa, chỉ là giọt nước bỏ biển giữa muôn trùng oan khuất, tổn thương mà họ đang phải chịu đựng, phải chung sống với nó hàng ngày.

Giá như có thể trở lại những giờ khắc trước tiếng súng nổ trong giấc rạng mai ngày 9/1. Giá như, giá như… Nhưng thực tế, chúng ta phải sống trong một xã hội không có chỗ dành cho hai từ “giá như” tồn tại.

Tác giả tin, ông cụ đã nghe lời khấn trước linh vị “Cụ có sống khôn, thác thiêng thì chỉ đừng phù trợ công lý cho gia đình, cho làng nước. Cụ phải phù trợ công lý cho cả xứ sở này, để không còn ai phải như cụ”.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

11.2.2024

Kasse animation 7.8.2023