Vì sao Ủy viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh “ngã ngựa”? (Phần cuối)

Tiếp theo phần 1 đã đăng tải vào ngày 6/2, ngày 8/2, báo Tiếng Dân tiếp tục đăng phần 2 của loạt bài “Vì sao Uỷ viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh “ngã ngựa”?” của tác giả Phạm Vũ Hiệp.

Thoibao.de tóm lược nội dung bài viết, giới thiệu đến quý khán thính giả như sau:

Trong suốt nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh luôn được đồng Đảng “săn sóc đặc biệt”, khi liên tục bị đưa ra chất vấn tại diễn đàn trong 3 kỳ họp của Quốc hội khóa 14: Kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2016); kỳ họp thứ 6 (tháng 102018); và kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2019).

Tuấn Anh phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa, chém đinh chặt sắt của các “bố già”, “quạ đen”, như Dương Trung Quốc, Phùng Quang Hiển, Lê Thanh Vân, Lưu Bình Nhưỡng… Họ dồn ép Tuấn Anh vào thế khó, phải trả lời, phải cam kết chịu trách nhiệm tất tần tật những “di sản” tại Bộ Công thương của nhiệm kỳ trước, từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trần Tuấn Anh đã mắc phải một sai lầm chết người, dẫn đến sự chống đối từ nhiều phía. Tuấn Anh chủ trương giảm thiểu đầu tư thuỷ điện, loại dần đầu tư nhiệt điện. Vô hình chung, Tuấn Anh đã tuyên chiến với “nhóm lợi ích” mỏ than trong nước và những ông chủ tỷ đô ở bên kia biên giới. Mà hai thế lực đó từ lâu đã chi phối hầu hết ngành điện Việt Nam.Nguyễn Thị Kim Tiến phá nát Bộ Y tế, gia đình tham gia buôn thuốc giả, vẫn ngồi ghế Bộ trưởng hai nhiệm kỳ, sau hạ cánh an toàn. Nguyễn Hồng Diên, làm Bộ trưởng Bộ Công thương, nhưng học Thanh vận, chuyên về tuyên giáo. Đào Hồng Lan, học công nghiệp vật liệu xây dựng, lại làm Bộ trưởng Bộ Y tế. So sánh như vậy để thấy, thể chế này rất kỳ lạ, khi phe “nhà đỏ” quyết tâm tiêu diệt ai ở “nhà xanh”, thì nhân vật đó khó mà sống nổi.

Ông Nguyễn Phú Trọng không ưa gì Trần Tuấn Anh, một nhân sự được Nguyễn Tấn Dũng nâng đỡ và quy hoạch, nên cho Trần Tuấn Anh ngồi ghế Trưởng ban Kinh tế Trung ương, sau khi trúng Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13.

Tuy ở ghế “ngồi chơi xơi nước”, nhưng Tuấn Anh vẫn không được yên, khi bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận về “một số vi phạm, khuyết điểm” khi còn là Bộ trưởng Công thương, vào tháng 9/2021.

Kết quả, Trần Tuấn Anh (1964) và Đinh Tiến Dũng (1961), 2 trong số 3 Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13 còn đủ tuổi để tái cử khoá 14, có số phiếu “tín nhiệm cao” thấp nhất, và số phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhất.

Ngày 31/1, Hội nghị Trung ương bất thường đã tước bỏ tất cả chức vụ trong Đảng của Trần Tuấn Anh, bằng các mỹ từ “thôi chức để nghỉ hưu”. Trong khi, trước đó, tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 28/1, Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú, Nguyễn Xuân Thắng, thuộc phe nhóm Nghệ Tĩnh, đã công khai ép Trần Tuấn Anh viết đơn xin thôi Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị khoá 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thôi Đại biểu Quốc hội khoá 15, để nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Cũng như mọi cuộc tranh giành khác, tranh giành quyền lực trong Đảng, phe nào mạnh hơn thì phe đó sẽ thắng. Mạnh nhất lúc này là phe Nghệ Tĩnh. Trần Tuấn Anh và Đinh Tiến Dũng đã bị lôi những sai phạm từ nhiệm kỳ trước ra để kết tội.

Ngược lại, sai phạm của Vương Đình Huệ giai đoạn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, bê bối của Phan Đình Trạc thời làm Bí thư Nghệ An, cũng không phải là ít…

Trần Tuấn Anh đã bị phe đối thủ hạ bệ thành công trong những ngày giáp Tết. Sau Tết Giáp Thìn, đến lượt Đinh Tiến Dũng sẽ “lên đoạn đầu đài” trong một Hội nghị Trung ương bất thường. Dũng sẽ bị “cưa” hết tất cả các ghế.

Trần Tuấn Anh và Đinh Tiến Dũng phải bị “thịt”, để người của họ Vương và phe Nghệ Tĩnh trám vào chỗ khuyết. Đánh chặn sớm hai năm, để cả Tuấn Anh lẫn Tiến Dũng không còn cơ hội tranh vé “tứ trụ” khóa 14 của Đảng.

Trong Đảng không hề có công bằng, dân chủ, thì làm gì có công bằng và dân chủ cho dân?

 

Xuân Hưng – thoibao.de

8.2.2024

Kasse animation 7.8.2023