Hàng nghìn người VN bị giam giữ tại Miến Điện?

Ngày 19/1, RFA Tiếng Việt có bài “Một người đàn ông Việt Nam nói anh bị giam giữ trong hang ổ lừa đảo cùng với “hàng ngàn” người”.

RFA cho biết, Myanmar đã trở thành điểm nóng của nạn buôn người kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.

RFA dẫn lời kể của Nguyễn [tên nhân vật đã được thay đổi], cho biết, trong vòng 6 tháng, kể từ khi bị lừa bán qua biên giới Thái Lan và bị đưa vào một khu chuyên thực hiện các hoạt động lừa đảo ở Myanmar, anh đã gửi đi vô vàn tin nhắn để phục vụ công việc mà anh bị cưỡng ép phải làm.

Cuối cùng, khi những kẻ canh giữ không để ý, anh đã vội vàng soạn thảo một email gửi tới một phóng viên của RFA.

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với Ban Việt Ngữ RFA, Nguyễn cho biết, anh là một trong hàng ngàn người đang bị giam giữ tại một khu liên hợp có tên là KK Park, ở bang Kayin – một trung tâm nổi tiếng với các hoạt động lừa đảo.

Theo RFA, vào tháng 10/2023, các nhà chức trách đã giải cứu 200 người khỏi KK Park, trong đó có ít nhất 61 công dân Việt Nam, nhưng anh Nguyễn không nằm trong số những người may mắn ít ỏi này.

Anh Nguyễn đã chia sẻ thông tin về vị trí (nơi ở và làm việc) của anh hiện nay, các bức ảnh khu nhà và tên của 07 nạn nhân bị lừa đảo. Hai trong số những nạn nhân này đã chứng thực việc họ bị lừa tiền. 

RFA dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc, theo đó, trong khu vực Đông Nam Á, ước tính có khoảng 120.000 người đã bị lừa bán vào các trung tâm lừa đảo – nơi họ thường xuyên bị đánh đập và giam giữ.

Sau cuộc đảo chính của phe quân sự vào năm 2021, tình trạng bất ổn rộng khắp ở Myanmar. Điều này đã tạo cơ hội cho các tổ chức tội phạm xây dựng hang ổ để lừa đảo trên mạng.

RFA cho hay, Nguyễn đã gửi một hình ảnh vệ tinh đồng thời ghim đánh dấu địa điểm cơ sở nơi anh đang bị giam giữ, cũng như một loạt các bức ảnh cho thấy, một mạng lưới các khu nhà ở giống như ký túc xá, với quần áo được phơi ở phía lan can bên ngoài.

Anh cho biết, các hoạt động tội phạm được điều hành bởi một công ty cũng được gọi là KK Park,  sở hữu bởi một chủ người Trung Quốc và quản lý bởi một phụ nữ người Việt. Công ty này được hỗ trợ bởi một chi nhánh của Liên minh Quốc gia Karen – một nhóm người dân tộc Karin đã chiến đấu chống lại quân đội Myanmar trong một chiến dịch nổi dậy kéo dài.

Nguyễn cho biết, anh và những người bị giam giữ khác phải thực hiện một trò lừa đảo, được gọi là “mổ lợn”. Theo đó, họ bị ép giả vờ là đại diện của công ty Honda Việt Nam, nhắn tin cho các nạn nhân tiềm năng, và thuyết phục họ gửi tiền mua phụ tùng ô tô hoặc các sản phẩm ô tô khác để bán lại và hưởng mức hoa hồng cao.

Sau khi nhận được hoa hồng thành công cho các phụ tùng nhỏ, các nạn nhân được khuyến khích chuyển tiền để mua các thiết bị đắt tiền hơn và rồi nhận được thông báo rằng, tài khoản của họ đang bị đóng.

Anh Nguyễn kể, anh đang nhận một việc làm có lương tốt ở Thái Lan. Người ta hứa hẹn trả lương cho anh với mức cao gấp đôi mức lương trước kia của anh. Nguyễn đã bị đưa qua biên giới Thái Lan, đến Myanmar. Anh bị tịch thu hộ chiếu đồng thời bị buộc phải ký hợp đồng một năm, và phải thực hiện các định mức do công ty đặt ra.

Mỗi người bị giam giữ phải lừa được ít nhất 280.000 đô la/ tháng. Những người không đạt được mức doanh số này sẽ không được ăn và bị đánh đập.

Nguyễn cho biết, anh đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, nhưng được trả lời rằng, họ không thể giúp đỡ vì khu vực này không do quân đội Myanmar kiểm soát.

Nguyễn cho biết, những kẻ bắt giữ nói rằng, họ sẽ thả nếu anh có thể trả khoảng 9.500 đô la Mỹ, một món tiền mà cả anh và gia đình đều không hy vọng vay mượn hay quyên góp được.

“Tôi muốn đưa ra lời cảnh báo để không còn người Việt nào bị lừa và đưa đến đây như tôi.”

“Tôi hy vọng rằng Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar hợp tác để đập tan các băng nhóm như KK Park, để tôi và những người Việt Nam khác có thể trở về nhà an toàn,” anh nói.

Quang Minh – thoibao.de

21.1.2024

Kasse animation 7.8.2023