Vì sao ông Tổng phải xuất hiện?

Ngày 15/1, báo Tiếng Dân có bài bình luận “Chuyện ông Nguyễn Phú Trọng “chết đi sống lại”’ của tác giả Mai Hoa Kiếm.

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Đầu tuần này, cái tên Nguyễn Phú Trọng được gọi nhiều nhất trên truyền thông và báo chí của Đảng. Trong lúc báo chí quốc doanh hát “đồng ca”, khi ông Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện, các hồng vệ binh, dư luận viên hả hê, reo hò, công kích mạng xã hội và các trang  “lề trái” đã… việt vị, thì giới quan sát chính trường đang hướng tới vấn đề khác.

Theo các văn bản quy định, thông tin sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước được xếp loại “bí mật nhà nước độ tối mật”, vì vậy, nội sự bên trong cấm cung của triều đình Cộng sản khó lọt ra ngoài. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài dè dặt đưa tin về tình hình sức khoẻ của Nguyễn Phú Trọng. Dân chúng đồn thổi, bàn tán trong hồ nghi.

Xâu chuỗi các nguồn tin, được biết, ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện ngày 27/12/2023, trong tình trạng đau đầu dữ dội, kèm theo các triệu chứng khác, như hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tức ngực, đi loạng choạng, nhìn đôi, rung giật nhãn cầu… Ông Trọng cũng đã ngất nhiều lần, khó thở nghiêm trọng.

Ban đầu, Viện 108 chẩn đoán, ông Trọng bị nhồi máu não và đưa vào ICU. Thực tế trên lâm sàng, khi chụp cắt lớp vi tính sọ não, các bác sĩ đã hội chẩn, kết luận, ông bị cơn thiếu máu não thoáng qua. Tức là, tình trạng gián đoạn quá trình cung cấp máu lên não tạm thời, và không gây tổn thương não vĩnh viễn, hoặc nhồi máu não cấp tính.

Tuy nhiên, không biết các nhân sự trong Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khoẻ Trung ương, các Trợ lý thuộc Văn phòng Tổng Bí thư, hay thế lực nào khác trong Đảng đã tuồn tin sai lệch ra ngoài.

Được biết, tầng 12 của toà nhà 21, Viện 108, là nơi đặt “Sở chỉ huy đầu não” của Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khoẻ Trung ương. Nơi đây chỉ dành điều trị cho cán bộ lãnh đạo, cựu lãnh đạo cấp cao, được quân đội canh gác 24/24 giờ.

Tin tung ra đánh lừa dư luận, cho rằng, bệnh tình ông Nguyễn Phú Trọng cực kỳ nguy hiểm, ông Trọng đã hôn mê, sắp chết mà không kịp trăng trối hoặc viết di chúc.

Tin tức nhanh chóng lan truyền cả nước, ngập trên mạng xã hội. Thực hư không ai rõ, kể cả một số uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng không hề có thông tin, nói chi các ủy viên Trung ương hay các nguyên lão.

Dư luận xã hội xầm xì, nhắn tin hỏi nhau rằng, “lão chết chưa”, “bao giờ công bố quốc tang”, “ai là người kế vị”… Một số trí thức trên trang cá nhân, đã ví von “lò đã tắt”, “rừng xưa khép lại”…

Thế rồi, Nguyễn Phú Trọng đùng đùng xuất hiện sáng 15/1/2024, trong phiên khai mạc Quốc hội bất thường. Các video đăng tải cho thấy, ông Trọng cố nhoẻn miệng cười, nhưng dáng đi run rẩy, không vững.

Có thể thấy, khi Nguyễn Phú Trong tiến vào Hội trường, ngoài hai ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Xuân Phúc đứng dậy chào, có gần 500 đại biểu khác vẫn ngồi yên. Phải chăng, đối với đa số những người có mặt trong toà nhà Diên Hồng, việc ông Trọng “chết đi sống lại” hay “giả chết bắt quạ”, không còn quan trọng nữa.

Điều đó cũng có nghĩa là, việc ông sống hay chết thì mặc kệ ông, chúng tôi chẳng quan tâm.

Nếu ông Trọng không chủ động “giả chết bắt quạ”, thì xem ra thật đáng sợ, khi người ta đem câu chuyện ông nhập viện cấp cứu, để phục vụ cho những mưu đồ chính trị đen tối. Ai đó đã cả gan dám cá cược ngay trên chính sinh mệnh của “hoàng đế” đương triều.

Phe nhóm của ông Trọng đã tung hoả mù để “giăng lưới”? hay phe nhóm này muốn phế bỏ quyền lực của ông, đang “ném đá dò đường”? Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có câu trả lời.

Trong lịch sử, đã có không ít những cuộc “đảo chính giả” của phe cầm quyền, bị đối phương tận dụng để biến thành đảo chính thật. Và những nhân vật “giả chết bắt quạ”, cũng có lúc bị quạ mổ cho lòi con mắt ra ngoài. Bài học từ xưa vẫn còn đó, mọi thứ vẫn đang còn chờ đợi phía trước.

Thu Phương – thoibao.de

15.1.2024

Kasse animation 7.8.2023