Xử đại án Việt Á: Chu Tổng đốc diễn hài tại tòa, sao không cho mặc đồ Táo Quân?

Bước sang ngày thứ 3 của phiên tòa xét xử đại án Việt Á, ngày 5/1/2023, bị cáo Chu Ngọc Anh – cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – vẫn là nhân vật trung tâm, được giới quan sát theo dõi kỹ càng mọi động thái.

Bị cáo Chu Ngọc Anh bị Bộ Công an khởi tố và khám xét nơi ở, vì đã nhận 200.000 USD từ Phan Quốc Việt, ngay tại phòng làm việc của Bộ trưởng. Nhưng ông Chu Ngọc Anh vẫn thoát tội “nhận hối lộ”.

Tại tòa ngày 4/1, ông Chu Ngọc Anh đã tỏ ra ân hận, khi nói rằng, ông “rất đau xót” vì không có cơ hội gặp lại Phan Quốc Việt, để trả lại khoản tiền 200.000 USD đã nhận.

Không ngờ, hôm nay, lại có một sự trớ trêu xảy ra.

Báo Lao Động ngày 5/1/2024 đưa tin với tựa đề, “Bị cáo Chu Ngọc Anh nói về 200.000 USD nhận từ ông chủ Việt Á bị thất lạc”.

Bản tin cho hay, trong ngày 5/1, Tòa án tiếp tục xét xử, trong phần thẩm vấn của đại diện Viện Kiểm sát Hà Nội với bị cáo Chu Ngọc Anh, về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Liên quan đến số tiền 200 ngàn USD nhận từ bị cáo Phan Quốc Việt, bị cáo Chu Ngọc Anh khai trước tòa rằng, “một thời gian sau, Việt mới đến “báo cáo, cảm ơn”, nên ông [Chu Ngọc Anh] chỉ nghĩ có vài bộ sinh phẩm xét nghiệm. Bởi thế, “ông không suy nghĩ gì”, vứt bừa [túi quà] ở phòng ngủ phía trong”.

Theo báo Lao Động, công tố viên hỏi vặn, “Thế tại sao khi biết có tiền bỏ quên, bị cáo không mang tới nộp cho cơ quan điều tra luôn”. Thì câu trả lời của Chu Ngọc Anh là,  “Dù dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng sai rồi, nhận tiền của doanh nghiệp là sai. Bởi thế bị cáo mới có dự định, mà thậm chí là đặt ra kế hoạch phải tìm cách trả lại cho Phan Quốc Việt”.

Công tố viên hỏi tiếp, “Có đúng vậy không? Sao nhận tiền bằng USD, nhưng khi nộp khắc phục lại bằng tiền Việt? Vậy cọc tiền USD giờ đang ở đâu?”

Ông Chu Ngọc Anh giải thích, cuối tháng 9/2020, khi dọn phòng làm việc để chuyển về Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhậm chức Chủ tịch, ông mới kiểm tra và thấy túi quà có 200 ngàn USD. Sau đó, ông dọn dẹp, cho tiền vào một chiếc cặp, rồi cất vào vali, để khi thuận tiện sẽ trả lại cho Việt. Nhưng khi đến trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông chưa có phòng làm việc ngay, nên “nhờ anh em mang vali về nhà”, cất ở garage ôtô.

Vẫn theo bị cáo Chu Ngọc Anh, “Giờ nhờ người thân, gia đình tìm lại, nhưng không biết chiếc cặp đựng số tiền đó đang ở đâu”.

Điều đó có nghĩa là, món “quà biếu” – thực chất là tiền hối lộ của Công ty Việt Á – cho bị cáo Chu Ngọc Anh. Cáo trạng của Viện Kiểm sát đã xác định rất rõ ràng:

“Ông Chu Ngọc Anh có vai trò là người ký quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu có sự tham gia của Công ty Việt Á, đồng ý để Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức họp báo, nhằm hỗ trợ quảng bá hình ảnh kit test Việt Á, ký quyết định khen thưởng và ký tờ trình đề nghị Thủ tướng khen thưởng Công ty Việt Á.”

Đồng thời, trong phần đối đáp vừa kể, câu trả lời của Chu Ngọc Anh là, “Dù dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng sai rồi, nhận tiền của doanh nghiệp là sai”.

Công luận đặt câu hỏi, tại sao Cơ quan Điều tra của Bộ Công an, lại coi số tiền 200 ngàn USD đó là quà biếu, chứ không phải là tiền nhận hối lộ? Và số tiền 200 ngàn USD là tiền phạm pháp, là vật chứng của vụ án, theo nguyên tắc phải nộp lại cho nhà nước, nhưng số tiền đó lại bị “thất lạc”, nghĩa là sao?

Dư luận đặt câu hỏi, nếu không có sự “bật đèn xanh” của Cơ quan Điều tra Bộ Công an, thì Chu Ngọc Anh có dám khai “bậy”, coi thường tòa như thế không? Hay là vội bê tiền đến nộp để là “khắc phục hậu quả”?

Nhà báo Lê Thanh Phong đã viết một status trên trang Facebook cá nhân, với tiêu đề “Chu Ngọc Anh nói trẻ con nghe không lọt tai”. Tác giả viết:

“Khi chủ tọa hỏi về chuyện nhận tiền của Việt Á, Nguyễn Thanh Long trả lời: “Tôi đã sai, tôi xin lỗi”. Một câu ngắn gọn, không quanh co chối cãi, bởi vì có chối cũng không được. Đó là khôn ngoan, là còn có liêm sỉ.

Nhưng cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh lại khác. Ông Chu Ngọc Anh thừa biết đó là đồng tiền bất minh, nếu muốn trả lại là trả ngay lập tức. Ông chỉ gọi là Phan Quốc Việt có mặt ngay, cần chi cơ hội gặp mới trả tiền lại được. Ở đây, rõ ràng là, không thể nuốt trôi số tiền 200.000 USD của Việt Á, phải trả lại. Cứ thẳng thắn như vậy còn giữ lại chút danh dự.”

Còn nhà báo Đào Tuấn thì chua cay không kém, trong status trên trang cá nhân với tiêu đề “Ôi thôi chết rồi!”, nhà báo viết:

“Diễn viên hài Chu Ngọc Anh, tóc undercut, chân dận giày da, quần thô đóng thùng, áo khoác xanh và tay chắp bụng rep toà… Nói xong, ông cười thành tiếng. Chắc là kiểu cười hề hề trứ danh.

Còn số tiền 200.000 USD nhận của Việt Á, cựu Chủ tịch khai bỏ đâu đó trong phòng. Đến bây giờ thì “nhờ người thân, gia đình tìm lại, nhưng không biết chiếc cặp đựng số tiền đó đang ở đâu nữa”.

Giờ tôi tin cựu Chủ tịch nhà chúng tôi “hồn nhiên bẩm sinh không chỉnh sửa” rồi đấy. Nhẽ ông lên tivi diễn Táo quân thì khỏi phải hóa trang gì luôn.”

Dư luận xã hội trước phiên xử đại án Việt Á đã có nhận xét, chưa xét xử, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tìm mọi cách để giải cứu cho các quan tham?

Phải chăng, đó là lý do, những phiên tòa gần đây, các diễn biến không khác gì màn hài kịch cười ra nước mắt. Và một điều hiển hiện rất rõ, pháp đình Việt Nam đã bị ma lực của đồng tiền chi phối, là điều có thật./.

Trà My – Thoibao.de

6.1.2024

Kasse animation 7.8.2023