Đại án Việt Á là một trong những vụ tiêu cực liên quan đến lĩnh vực y tế, lớn nhất từ trước tới nay, cả về quy mô, tính chất, và mức độ phạm tội. Đã có hàng loạt quan chức cấp cao bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ngày 30/9, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam đã ban hành cáo trạng, truy tố 38 bị can trong vụ đại án Việt Á, về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát cáo buộc, sai phạm của các bị can trong vụ án này, đã gây thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó nhà nước thiệt hại hơn 402 tỷ đồng, đồng thời số tiền đưa hối lộ là 106 tỷ đồng.
Điều này trái ngược với thông tin được đưa ra vào tháng 5/2022. Lúc đó, Trung tướng Tô Ân Xô, trong một cuộc họp báo Chính phủ, đã công bố, số tiền lãi bất chính của Công ty Việt Á lên đến hơn 4.000 tỷ, và số tiền dùng để biếu xén quan chức lên đến 800 tỷ đồng.
Vậy số tiền hối lộ chênh lệch gần 700 tỷ đồng đang nằm ở đâu? Khoản tiền đã hối lộ cho các quan chức, song không bị Bộ Công an truy tố trong vụ án này, sẽ xử lý ra sao, hay biến mất “bí ẩn”?
Ngoài ra, dư luận xã hội còn nghi ngờ, các quan chức Chính phủ bị truy tố trong đại án Việt Á, có nhiều dấu hiệu đang được xem xét để giảm án, với những lý do khác nhau, như: thành khẩn khai báo, nộp lại tiền tham nhũng để khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong quá trình công tác hay gia đình có công với Cách mạng. Thậm chí, trơ trẽn tới mức lấy lý do là lao động chính trong gia đình để giảm án.
Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long là một trong 6 quan chức bị truy tố về tội “nhận hối lộ”. Ông Long bị cáo buộc đã chủ động gợi ý và nhận hối lộ với số tiền cực lớn, lên tới 2,25 triệu USD từ Công ty Việt Á. Cáo trạng ghi nhận, ông Nguyễn Thanh Long đã nộp lại toàn bộ số tiền 2,25 triệu USD nhận hối lộ này. Đồng thời, cáo trạng còn ghi nhận thêm, trong quá trình công tác, Nguyễn Thanh Long được tặng thưởng Huân chương, và gia đình Nguyễn Thanh Long là gia đình có công với Cách mạng. Không rõ, cáo trạng ghi nhận những điều này để làm gì?
Công luận đánh giá, việc giảm nhẹ hình phạt đối với các cựu quan chức Chính phủ trong vụ Việt Á, sẽ không chỉ làm mất tính răn đe của pháp luật, mà còn là biểu hiện sự bao che mang tính hệ thống của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các quan chức tham nhũng.
Kể cả việc trước đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có những chỉ đạo, về việc phân loại các nhóm phạm tội trong vụ án Việt Á. Bao gồm cả nhóm được xếp vào hàng “thứ yếu”, là nhóm không có động cơ vụ lợi và không được hưởng lợi, do đó không bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Các triều đại phong kiến trước đây có câu: “Quân pháp bất vị thân”, ý nói pháp luật của vua không thiên vị cho bất cứ ai. Vậy mà, theo đại diện Ban Nội chính Trung ương giải thích, việc xem xét các yếu tố giảm nhẹ là chủ trương nhân văn, nhân ái, nhưng cũng hết sức nghiêm khắc của Đảng. Điều đó cho thấy rõ, pháp luật ở Việt Nam không được thượng tôn, việc thi hành pháp luật tùy tiện và cảm tính.
Trong đại dịch Covid-19, với sự vô trách nhiệm cộng với sự tham lam ích kỷ của tuyệt đại đa số các lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Trung ương tới địa phương, là nguyên nhân dẫn tới cái chết oan ức của hơn 40.000 nạn nhân. Các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Tham nhũng là cách gọi cho “nhân văn”, chứ nói đúng ra, đó là hành động ăn cắp, ăn cướp của lũ lưu manh. Bộ máy nhà nước không nên thu nạp bọn người bất lương này. Thiếu năng lực còn có thể châm chước, chứ thiếu tư cách đạo đức, mà được giao nắm giữ trọng trách, thì chỉ là kẻ phá hoại mà thôi. Với loại lãnh đạo ăn cắp của dân không chừa một thứ gì, họ sẽ phá nát đất nước.
Vậy xin hỏi, Tổng Bí thư tìm mọi cách giải cứu cho bọn quan tham này thoát tội, để làm gì? Hay Tổng Bí thư có dính líu gì với họ, thì mới xử sự “nhân văn” như thế?./.
Trà My – Thoibao.de