Cô giáo dạy môn giáo dục công dân, vừa làm công tác tư vấn học đường, lại túm áo học sinh lôi đi đến trước cửa lớp, bất chấp nữ sinh khóc đến kiệt sức, co giật. Đấy là hành động của người làm công tác giáo dục tại Trường Trung học Phổ thông Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Hành động của một cô giáo mà như vậy, là không thể chấp nhận, trong bất cứ môi trường giáo dục nào.
Câu hỏi đặt ra là, liệu rằng, đây là vấn đề cá biệt hay là vấn đề của cả ngành giáo dục? Có thể, cô giáo này là một ả côn đồ nào đấy, nhưng lại làm nghề giáo chăng? Bởi không phải giáo viên nào cũng ác như thế, cũng hành động phản giáo dục như thế.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Duy Hiền – Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Đa Phúc – khẳng định, việc làm của cô giáo trong clip đã vi phạm đạo đức nhà giáo, không đúng chuẩn mực sư phạm, chắc chắn sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
Đấy là lời nói “đạo lý” của ông Hiệu trưởng. Tuy nhiên, câu nói tiếp theo mới lộ bộ mặt thật của ông Hiệu trưởng này. Vì, với học sinh quay clip, ông Hiệu trưởng Hiền nói rằng, “nhà trường sẽ đợi kết luận của Cơ quan Công an và sẽ đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng”.
Tức là, ông này không những muốn che đậy bạo lực của thuộc cấp, mà còn thực hiện hành vi đe dọa học sinh dám phơi bày sự thật. Đây cũng là hành động bạo lực, ông này rõ ràng không phải làm công tác quản lý, mà là đang cai trị một ngôi trường. Dùng cái sai để che đậy cái sai, dùng bạo lực để che đậy bạo lực, vậy thì bảo sao thầy cô không lộng hành?
Trong cùng thời gian, mạng xã hội lại dậy sóng vì clip thầy giáo bóp cằm, chửi thô tục học sinh ngay trên bục giảng. Người thầy này được xác định là giáo viên tiếng Anh của Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Ngoài ra, cùng thời gian, mạng xã hội cũng xuất hiện clip các giáo viên mầm non ẩu đả trước mặt trẻ. Hình ảnh này được xác định là xảy ra tại một trường mầm non tư thục tại phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Giáo dục được xem là nơi tạo ra nhân cách con người, là nơi nhào nặn ra xã hội tương lai. Nhưng giờ đây, nền giáo dục này đã nhiễm độc nghiêm trọng. Nhân bản đâu không thấy, chỉ thấy toàn là bạo lực, mà bạo lực ngay trong giới giáo viên, thì họ dạy học sinh làm sao nên người?
Chưa có xã hội nào lại tặng cho giáo viên từ “thợ dạy” rất chua cay, như Việt Nam. Một từ rất xứng đáng đối với những giáo viên thiếu nhân cách, nhưng lại xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự của những nhà giáo chân chính.
Ngày nay, giáo dục thi nhau làm tiền phụ huynh với đủ khoản thu vô lý. Thu tiền như trấn lột, nhưng cái họ trao lại cho học sinh lại là những cách hành xử bạo lực, vô văn hóa. Nói chung, môi trường giáo dục Việt Nam hiện nay đang sặc mùi tiền và nồng nặc mùi bạo lực. Vậy bảo sao những người có điều kiện không đổ tiền để đưa con cái đi tị nạn giáo dục.
“Đội sao đỏ” được ví như là mô hình “công an trị” phiên bản học đường. Nhiều nhà giáo dục có lương tâm, đã lên tiếng trong nhiều năm, đòi bỏ mô hình “sao đỏ”, nhưng nền giáo dục này vẫn duy trì.
Trong nhà trường, hiệu trưởng như một tổng bí thư thu nhỏ, sao đỏ là các “công an” thu nhỏ, chuyên rình mò, bắt lỗi học sinh. Cách làm này nó tiêu diệt lòng tin giữa người và người. Và thực tế, xã hội Việt Nam ngày nay không còn có lòng tin nữa. Ra chợ thì bị người bán lừa người mua. Trên mạng thì người ta lừa nhau nhan nhản v.v…
Mô hình nhà nước công an trị là mô hình nhà nước bạo lực, đấy là dạng “bạo lực Cách mạng” thời bình. Nhà nước cần người rình mò dân, tìm cách khủng bố tinh thần cho dân sợ. Sao đỏ trong học đường cũng hành xử giống y như vậy. Rồi giáo viên lạm thu và tư túi, quan chức cũng lạm thu và tư túi, có khác gì nhau đâu? Quan chức thì hách dịch xem dân như cỏ rác, giáo viên thì chửi mắng xưng mày tao với học sinh, thì có khác gì nhau?
Ngoài những gương xấu như thế, thì trong giáo trình các môn xã hội, chính quyền Cộng sản cũng cấy loại tư tưởng “bạo lực Cách mạng” vào trong đấy. Kết quả là, nền giáo dục nát, xã hội bấy.
Ý Nhi – Thoibao.de