Bí thư Lê Đức Thọ tham nhũng hay rửa tiền?

Những ngày gần đây, mạng xã hội nóng lên bởi thông tin, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, quyết định kỷ luật ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre.

Theo báo Dân Việt hôm 17/8, tội trạng cụ thể của ông Thọ là “vi phạm nghiêm trọng về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định”. Và “Hành vi của ông Thọ bị Đảng quy kết là “làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và cá nhân”.

Theo giới thạo tin từ Hà Nội cho hay, số dư trong tài khoản ngân hàng của Bí thư Thọ có trên 3 ngàn tỷ đồng. Đây là điều khá bất thường. Nhất là Bí thư Thọ không buôn bán, lương tháng chỉ mười mấy triệu, uống cafe không đủ, thì quá khó để giải trình về số dư khủng này, và giải trình sao đây?

Chuyện các doanh nhân có hàng ngàn tỷ để kinh doanh là điều bình thường, thậm chí là điều đáng mừng, vì dân giàu thì nước mới mạnh.

Song, trên cương vị là một quan chức lãnh đạo cao cấp trong bộ máy của Đảng, việc Bí thư tỉnh Bến tre Lê Đức Thọ có hàng ngàn tỷ trong tài khoản ngân hàng, và (đồn đoán) còn sở hữu hàng ngàn tỷ giá trị bất động sản, tài sản khác nữa, sẽ là điều bất thường.

Điều đáng lo là, theo tờ Tuổi Trẻ đưa tin vào tháng 7/2021, cho biết, khi trao Quyết định bổ nhiệm chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre cho ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương – bà Trương Thị Mai – đánh giá ông Thọ là lãnh đạo trẻ, “có năng lực, trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng”, và sau khi nhậm chức, tân Bí thư Thọ sẽ “phát huy năng lực, dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển của tỉnh Bến Tre”. Đó cũng là lời “bảo chứng” cho một lãnh đạo trong sạch.

Vậy mà, chỉ sau hơn hai năm, tài sản của vị lãnh đạo “sạch sẽ” đó đã có thêm vài ba ngàn tỷ, mà bản thân chủ nhân không thể giải trình với Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước tiết lộ cho thoibao.de với điều kiện dấu danh tính, cho biết: “Số dư trong tài khoản cá nhân của ông Thọ rất lớn, khi được hỏi về nguồn gốc của các giao dịch, thì ông Thọ đã trả lời quanh co và không thành khẩn”.

Vẫn theo quan chức này, đó là lý do vì sao Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới kết luận: “Bí thư Thọ vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập”. Và ông Thọ giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.

Được biết, Bí thư Lê Đức Thọ trước khi được điều động về Bến Tre và nắm giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy vào tháng 7/2021, từng có ba năm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (tức Vietinbank).

Ông Lê Đức Thọ sinh năm 1970, quê ở Phú Thọ, tốt nghiệp cử nhân Kinh tế. Năm 1991 về công tác ở Vietinbank Phú thọ, và rất nhanh đã nổi lên như một ngôi sao, thăng tiến rất nhanh sau khi có bằng Tiến sĩ Quản lý Kinh tế, Cao cấp lý luận Chính trị .

Năm 2010, sau 20 năm công tác, ông Thọ được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Vietinbank; Năm 2013 được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để rồi không đầy một năm sau, ông trở thành thành viên Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Vietinbank. Đến năm 2018, ông lên chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank. Sau 3 năm ở cương vị này, đến năm 2021, ông  Thọ được vào Trung ương và được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre từ tháng 7/2021.

Ở Việt Nam, tài sản của các quan chức cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư hay Chủ tịch cấp tỉnh thành, chắc chẳng ai thua ai về mặt tài sản, là điều dễ hiểu. Song, ông Lê Đức Thọ, một cựu chuyên viên điện toán ngân hàng, mà lại để hàng ngàn tỷ đồng trong tài khoản cá nhân thì thật bất thường và quá chủ quan!

Thông thường, người ta sẽ chuyển hoá tiền bạc thành vàng, kim cương, hay là bất động sản, hoặc cổ phần doanh nghiệp được đứng tên người khác…

Đáng lo hơn, chắc chắn là, trong Đảng không chỉ có một người như Bí thư Thọ!

Đó là lý do giới phân tích nghi ngờ rằng, khả năng cao, số tiền lưu trữ trong tài khoản ngân hàng của Bí thư Thọ, là tiền trung chuyển trong một công đoạn rửa tiền giúp cho các đồng chí chưa bị lộ.

Việc làm rõ nguồn gốc số tiền đó là của ai, là đồng tiền tham nhũng hay đang trong quá trình rửa cho sạch, không có gì là khó cả, bởi nó là tiền chuyển khoản, có thông tin của người chuyển đến.

Điều đó cho thấy, lâu nay, việc kê khai tài sản của các đảng viên công chức chủ yếu mang tính hình thức, và chỉ nhắm vào thành phần cấp thấp. Còn với lãnh đạo cấp cao thì quên đi, bởi đến Tổng Bí thư còn cho rằng, kê khai tài sản là điều bất cập, vì liên quan đến thông tin cá nhân.

Đó là lý do vì sao, đến nay, chưa từng có quan chức cấp cao nào bị kỷ luật vì “kê khai tài sản không trung thực”.

 

Vũ Anh – Thoibao.de

 

 

 

 

 

Kasse animation 7.8.2023