Năm 2018, mạng xã hội đã lên tiếng về căn biệt phủ của ca sĩ Mỹ Linh, xây dựng xâm phạm rừng phòng hộ Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Tiếp theo đó, báo chí cũng đã lên tiếng rất nhiều, và chỉ ra hàng nghìn trường hợp vi phạm như ca sĩ Mỹ Linh.
Biệt phủ của ca sĩ Mỹ Linh được đánh giá là chốn hạ giới mà chẳng khác gì bồng lai tiên cảnh. Được biết, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh dọn đến sống trong căn biệt phủ này từ năm 2009. Tổng diện tích toàn bộ căn biệt thự là 10.000 m2, bao gồm các khu vực chức năng: 1 nhà ở khoảng 300 m2, 1 phòng thu diện tích khoảng 390 m2, 1 bể bơi khoảng 60 mét vuông, garage ô tô và các công trình phụ trợ khác.
Trước những sai phạm rõ ràng như thế, năm 2019, ông Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn Phạm Xuân Phương, nói trước truyền thông là, sẽ lên kế hoạch xử lý phần vi phạm tại biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh ở Sóc Sơn. Trước hết là vận động để xử lý, nếu không thực hiện, sẽ xử lý theo đúng quy định. Xử lý đâu không thấy, chỉ thấy, căn biệt phủ này của Mỹ Linh vẫn sừng sững cho đến hôm nay, như là một sự thách thức.
Tất nhiên, không phải chỉ có một mình ca sĩ Mỹ Linh phá rừng xây biệt phủ, mà còn có biệt phủ của họa sĩ Thành Chương và hàng ngàn hộ khác. Những hộ còn lại không phải là những người nổi tiếng như vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh.
Mỹ Linh là người của công chúng, ý thức và trách nhiệm của cô với xã hội sẽ có tính chất định hướng xã hội, nên việc cô ca sĩ này phá rừng xây biệt phủ, tạo ra một tấm gương rất xấu, bởi cô có quyền lực mềm mà không phải ai cũng có. Nếu chính quyền đụng tới cô, là đụng tới các fan của cô, chứ không đơn giản.
Phía chính quyền cho đến nay vẫn không thể dẹp bỏ được sai phạm của ca sĩ Mỹ Linh và hàng ngàn hộ khác tại Sóc Sơn. Nguyên nhân là sai phạm đến giờ đã quá nghiêm trọng rồi, nếu dẹp bỏ, thì lại lòi ra những trò gặm tiền để cấp phép xây dựng. Và không loại trừ khả năng, nhà của các sếp lớn cũng được xây dựng trong khu rừng phòng hộ này. Nếu không có sai phạm của chính quyền, thì dân nào dám làm liều phá rừng xây biệt phủ?
Việc phá rừng này là có hệ thống, có bàn tay của chính quyền. Để cho hàng ngàn hộ phá rừng, đấy chỉ là phần nổi, còn phần chìm, có thể họ phá rừng vì nguyên nhân khác, nguyên nhân khai thác lâm sản chẳng hạn. Một khi chính quyền đã không tôn trọng rừng phòng hộ, thì bằng cách này hay cách khác, họ cũng cho phá rừng, bởi việc phá rừng đem lại cho họ những lợi ích rất lớn.
Ngày 4/7, thông tin tràn ngập trên mạng xã hội lẫn báo chí về vụ lũ quét xảy ra ở Sóc Sơn, Hà Nội, khiến hàng loạt ô tô ngập trong bùn đất. Tất nhiên, phía chính quyền đổ lỗi do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày gây ra lũ quét, và do nền đất yếu, khiến bùn đất tràn về. Và tất nhiên, họ tránh câu hỏi sâu hơn rằng, tại sao rừng Sóc Sơn lại nổi cơn thịnh nộ? Mưa dài ngày là câu chuyện của trời, nó lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, nhưng sao đến nay lại bị lũ quét như thế?
Đấy là cơn thịnh nộ của rừng mà nguyên do là con người đã phá rừng quá nghiêm trọng. Phá khắp nơi mà không hề có sự ngăn chặn nào. Đây không phải là vấn đề riêng của Sóc Sơn hay của Hà Nội, mà nó là vấn đề chung, vấn đề của một chính quyền bất tài và vô trách nhiệm trước môi trường sống của toàn dân.
Chẳng phải Đà Lạt cũng đã sạt lở gây chết người rồi sao? Chẳng phải đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng, cũng đã sạt lở, chôn vùi 4 nhân mạng đấy sao? Nhìn toàn cảnh Đà Lạt, người ta thấy gì? Thấy sự tàn phá cây xanh, tàn phá thiên nhiên, rồi thay vào đó là những khối bê tông vô hồn. Nhìn lên vùng đất phía trên khu sạt lở ở đèo Bảo Lộc, người ta thấy gì? Thấy một mảng lớn rừng phòng hộ bị chặt phá, và thay vào đó là cây ăn trái.
Phá nhiều quá rồi, đã đến lúc thiên nhiên phẫn nộ. Tiền thì quan chức nhét đầy túi, họa thì dân phải gánh. Và cũng cần nhắc thêm, người nổi tiếng nào mà vô ý thức đối với môi trường sống, thì cũng nên thay đổi ý thức, để bảo vệ môi trường chung. Đừng dùng tiền để phá hoại môi trường sống, để thỏa mãn lối sống sa hoa của mình, mà gây hại cho ngôi nhà chung.
Thu Phương – (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://soha.vn/ha-noi-lu-quet-hang-loat-o-to-mac-ket-o-soc-son-20230804163033674.htm