Thủ Chính chèo chống thế nào mà để con tàu kinh tế hất 113.000 “khách” xuống biển?

Không phải ngẫu nhiên mà cả ông Phạm Minh Chính và ông Võ Văn Thưởng đều đi công du, thúc đẩy các nước giàu tài trợ vốn ODA cho Việt Nam. Nguyên nhân là nền kinh tế Việt Nam hậu Covid đang chao đảo kinh khủng. Đã là năm thứ hai sau Covid, nhưng nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế dường như là bất khả thi đối với Chính phủ nhiệm kỳ 13 này.

Cây kim trong bọc, dù có giấu thế nào rồi nó cũng lòi ra. Năm 2022, năm đầu tiên sau Covid, Tổng cục Thống kê đã báo cáo con số tăng trưởng GDP đến không tưởng: 8,02%. Đây là một con số đáng mơ ước đối với những quốc gia phát triển, có bộ máy quản lý thuộc loại tốt nhất thế giới. Kèm theo con số tăng trưởng đẹp như thế, là con số lạm phát chỉ dưới 4%, cũng là đáng mơ ước.

Những con số thống kê thì đáng mơ ước đấy, nhưng thực tế lại khác hoàn toàn. Doanh nghiệp Việt Nam đói đơn hàng, một số thì thu hẹp quy mô sản xuất để cầm cự, số khác thì cho giải tán, ngừng kinh doanh, ngừng sản xuất. Đời sống người dân vô cùng khó khăn, đặc biệt là tầng lớp lao động nghèo – tầng lớp mà Đảng Cộng sản luôn vỗ ngực là đại diện cho họ.

Rất nhiều nhà phân tích cho rằng, con số tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 là không đáng tin cậy. Thực tế, người dân Việt Nam phải chịu trượt giá của hầu hết các mặt hàng, từ 10 đến 20%. Dân nghèo đã không có thu nhập mà vật giá lại leo thang. Năm ngoái đã cực kỳ khó khăn.

Đến nay, năm 2023 đã qua giai đoạn nửa năm đầu, tình hình cũng không có gì khá khẩm hơn. Sự tệ hại của nền kinh tế từ năm 2022 đã kéo sang 2023. Có lẽ, nhận thấy không thể tiếp tục vẽ số ảo để bịp dân, nên quý 1/2023, Cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ 3,32%, còn quý 2 chỉ 4,14%. Những con số này ắt cũng có chỉnh sửa, nhưng đến nỗi quá lố như năm 2022.

Nền kinh tế những năm đại dịch tưởng đã chạm đáy, sau đại dịch là thời kỳ phục hồi. Nhưng không! Với Việt Nam, rõ ràng nền kinh tế đang cắm đầu đi xuống.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn trong tình trạng đói đơn hàng, đặc biệt là ngành may mặc. Trong khi Bangladesh đang có đơn hàng quá nhiều, không thể kham nổi, thì Việt Nam lại đói đơn hàng. Điều này cho thấy, độ tin cậy của nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn thua sút so với những quốc gia nghèo đồng hạng, chứ không nói đến so với những quốc gia khá hơn như Thái Lan hay Malaysia trong khu vực ASEAN.

Ra chính sách dựa trên những con số không trung thực, thì không thể chữa được bệnh cho nền kinh tế

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 7 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 113.000 doanh nghiệp đóng cửa. Cũng có doanh nghiệp đăng ký mới, tuy nhiên, số đăng ký mới cần phải có thời gian để khẳng định trên thị trường. Trong khi, những doanh nghiệp bị giải thể là doanh nghiệp đã có quá trình hoạt động, thậm chí có doanh nghiệp lớn. Điều này nói nên sức khỏe của nền kinh tế hiện tại, và đây là con số rất đáng báo động.

Nếu nói nền kinh tế Việt Nam là một con tàu, thì ông Phạm Minh Chính là người lái tàu, và các doanh nghiệp như là hành khách vậy. Không biết ông Phạm Minh Chính lái tàu thế nào mà để tàu lắc lư mạnh, và đã hất 113.000 hành khách xuống biển chết đuối? Người lái tàu như thế có năng lực hay không thì đã rõ ràng.

Các nước tiến bộ không có ban tuyên giáo, những yếu điểm của chính phủ bị báo chí phơi ra cho bàn dân thiên hạ thấy, và xã hội sẽ có phản ứng ngay tức thì. Để chính phủ vững vàng, thì buộc phải thay đổi những chính sách cho tốt hơn. Nếu không, thì chính phủ sẽ bị ép phải rút lui. Đó là nguyên nhân làm cho đất nước họ phát triển. Còn Việt Nam thì sao?

Tại Việt Nam, Chính phủ được bộ máy tuyên truyền khổng lồ che đậy khuyết điểm. Ai mà dám moi cái dở của Chính phủ cho dân biết, là bị công an tấn công ngay, vì đấy là “nói xấu Đảng và nhà nước”. Chính vì thế, những cái dở, những cái sai luôn được bảo vệ khiến người dân phải gánh chịu hậu quả. Lãnh đạo như ông Phạm Minh Chính, nếu ở các nước dân chủ thì đã bị thay thế từ lâu.

Thu Phương (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://cafef.vn/hon-113000-doanh-nghiep-dong-cua-tu-dau-nam-188230729153700634.chn

 

Kasse animation 7.8.2023