Việt Nam ngày càng bóp nghẹt Quyền ngôn luận.

Link Video: https://youtu.be/OqsgMqpu8MY

Theo thông tin từ RFA ngày 2/8, Việt Nam ngày càng siết chặt các quyền tự do cơ bản của người dân.

Theo đó, RFA cho biết chỉ trong một tháng, các ban ngành Nhà nước đã đề xuất ba quy định bị phê phán có dấu hiệu vi phạm các quyền tự do cơ bản.

Đề xuất đầu tiên mà Bộ Thông Tin Truyền Thông (TT&TT) đưa ra, quy định rằng chỉ các tài khoản mạng xã hội có đăng ký với bộ này mới được livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu; nếu vi phạm sẽ phải gỡ trong vòng ba giờ.

Thứ hai, Bộ TT&TT cũng đề xuất biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet, nhằm xử lý nhanh vi phạm trên không gian mạng.

Bộ này giải thích rằng chỉ nhằm để xử lý nhanh các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung mà bộ này cho là “chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên mạng xã hội”.

Thứ ba, vào chiều 28-7, một tướng ngành quân đội cho rằng, vừa qua mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh mặc quân phục, đeo súng giả… Theo ông, cần ban hành quy định cụ thể để xử lý các trường hợp này, không thể để nhan nhản các hình đó trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, nhận định với RFA rằng mọi sự hạn chế bằng cách trừng phạt người dân thực hành quyền tự do ngôn luận đều vi phạm Hiến pháp, kể cả, vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR – 1966) mà chính quyền Việt Nam đã từng ký kết từ năm 1976 và có nghĩa vụ phải tôn trọng:

Ở Việt Nam hiện nay, quả thật có tình trạng bóp nghẹt dần quyền tự do ngôn luận của người dân, cho dù đó đã là một quyền hiến định trong nước và là một quyền mang tính chất phổ quát trên thế giới.

Về phương diện xã hội, các đề xuất livestream phải xin phép, ngắt Internet nếu người dùng vi phạm hay phạt người mặc quần áo rằn ri… càng cho thấy mức độ gia tăng đàn áp các quyền tự do của người dân, kể cả can thiệp một cách rất khôi hài vào thời trang ăn mặc của người dân.

Luật sư Mạnh cũng cho rằng, những đề xuất nhu vậy bộc lộ rõ sự hạn chế và là mặt trái của các quan chức được giao phó quyền hạn từ đảng mà không được bầu cử từ người dân:

Do đó, các đề xuất không xuất phát từ quyền lợi người dân mà xuất phát từ yêu cầu củng cố quyền lực của đảng bằng cách ngăn cấm mọi quyền tự do căn bản của người dân.

Thế nên, việc các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế phê phán về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là hoàn toàn chính xác, không oan uổng gì cả.”

Hình: Bài viết trên RFA

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Đài, ông cho rằng các đề xuất nêu trên cho thấy tư duy làm luật của các quan chức Chính phủ Việt Nam là rất kém và  không có hiểu biết như thế nào là quyền con người trong Hiến pháp.

Theo ông Đài, nếu quy định này được áp dụng, người dân, nếu muốn, cũng sẽ tìm cách lách luật được. Ví dụ, thay vì livestream trực tiếp, họ sẽ thu video sẵn rồi phát lại. Dù có trễ hơn phát trực tiếp một vài tiếng nhưng tác dụng thì vẫn tương đương. Hoặc người dùng khi bị từ chối cung cấp dịch vụ internet, họ có thể dùng chung internet với một chủ tài khoản khác. Điều này khá dễ dàng ở Việt Nam.

Cô Minh Trang, một thạc sỹ chuyên ngành Quyền và thực hành quyền, nhận xét rằng đề xuất yêu cầu người livestream phải xin phép hay không cho người vi phạm sử dụng Internet gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân, trên cả không gian mạng lẫn trong đời sống thực tế:

Theo cô Trang, việc yêu cầu các nhà mạng từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật không chỉ vi phạm đến nhóm quyền dân sự chính trị mà còn ảnh hưởng đến nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hoá… Bởi vì không gian mạng là nơi để mọi người thảo luận, tiếp cận thông tin, học tập và thực hiện các hoạt động giao thương buôn bán. Không thể kết nối Internet đồng nghĩa với việc các quyền khác đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quang Minh

>>> Người Philippines có những hành động chống Việt Nam

>>> Khái niệm “tiền công đức” là gì?

>>> “Ấn Độ – Thái Bình Dương” – một thực thể địa chính trị mới

>>> Câu chuyện kiểm duyệt nghệ thuật tại Việt Nam.

Một Facebooker tại Sài Gòn bị an ninh đưa về đồn tra khảo


Kasse animation 7.8.2023