Phiên toà dung dưỡng tội phạm cho tương lai!

Link Video: https://youtu.be/3qk1GUlZbP0

Theo báo VOA ngày 28/7, trong chuyên mục Thiên hạ luận của báo này, có bài viết với chủ đề “công lý được khuyến mãi” trong vụ án Chuyến bay giải cứu.

Theo đó, VOA tổng hợp các bình luận của công chúng về phiên tòa “chuyến bay giải cứu”, một phiên toà mà nhiều gọi là “có một không hai”, “dung dưỡng tội phạm tương lai” hay “luật pháp đang bị bỡn cợt”.

VOA dẫn lời của nhà giáo Chu Mộng Long, bình luận về việc 71 cán bộ, giáo viên gửi tâm thư xin giảm nhẹ cho cựu Phó Chủ tịch Hà Nội, ông Long nói: Nhận hối lộ tiền tỉ, Viện Kiểm sát chỉ đề nghị phạt từ ba đến bốn năm tù, mà còn đòi giảm án nữa thì giảm bao nhiêu so với tội trộm vịt của anh nông dân nghèo khổ, với bản án 30 năm tù?…

Ông Long nhấn mạnh: Tôi, theo cách của nhà giáo Chu Văn An, đối lập với “tâm thư” trên, viết bài này như là “trảm sớ“, đề nghị Tòa xử bị cáo Chử Xuân Dũng thật nặng. Nguyên nhà giáo mà để tâm hồn, nhân cách bẩn thỉu thì phải phạt nặng gấp mười lần các bị cáo khác để làm gương cho những nhà giáo khác và đặc biệt làm gương cho trẻ em.

Ông Võ Đức Phúc thì bình luận về việc này rằng: Cảm động thiệt. Chỉ không hiểu tại sao các cán bộ, giáo viên này lại im lặng trong vụ cô giáo Lê Thị Dung ở Nghệ An bị cáo buộc chiếm đoạt 45 triệu đồng, bị tòa cấp sơ thẩm phạt năm năm tù và cho dù cô giáo Dung một mực kêu oan nhưng không thấy các cán bộ giáo viên thương xót viết tâm thư. Chẳng lẽ trước sự nghiệt ngã của số phận, chuyện một đồng nghiệp đối mặt với lao lý, các giáo viên này không có cảm xúc bằng một người từng là giám đốc Sở GDĐT

Tuy nhiên, VOA nói rằng nhìn một cách tổng quát, “tâm thư” vẫn chưa đáng bận tâm bằng quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát – cơ quan đại diện nhà nước, nhân danh lợi ích công cộng để thực hiện quyền công tố.

Tuấn Ngô – một luật sư chuyên về hình sự – phân tích rằng: có 21/54 bị cáo trong vụ án bị truy tố về tội “nhận hối lộ” theo Điều 354 Luật hình sự với số tiền nhận hối lộ thấp nhất là 437 triệu đồng (bị cáo Lý Tiến Hùng), cao nhất là 42,6 tỷ đồng (bị cáo Phạm Trung Kiên).

Nhưng, chỉ duy nhất 1/21 bị cáo bị đề nghị hình phạt giống mức truy tố, còn 20/21 bị cáo khác đều được giảm ít nhất là một khung hình phạt.

Con số tính toán cho thấy rõ: Hành vi phạm tội bị truy tố là ở khung cao chót vót nhưng khi đề nghị mức hình phạt thì thấp lè tè. Tại sao lại thế? Tại sao mức án của các bị cáo lại được đề nghị giảm sâu tới vậy?

Hình: Bài viết trên VOA

Trong vụ án, các bị cáo có khá nhiều tình tiết giảm nhẹ nên theo Luật Hình sự (Điều 54 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), nhiều người được giảm tới một, hai khung là điều dễ hiểu nhưng có tới 8/21 bị cáo được giảm ba khung hình phạt thì quả là điều hiếm thấy.

Tuấn Ngô cho rằng: Dù bản án chính thức chưa được công bố nhưng đa số đều thấy rõ, bản án không đủ sức răn đe. Gần như chắc chắn 100% sẽ không có ai bị tử hình vì chỉ có một người bị đề nghị mức án đó và cũng đã khắc phục hậu quả .

Trần Trung Đạo – một người Việt tuy đã rời Việt Nam khoảng năm thập niên nhưng vẫn dõi theo các diễn biến tại Việt Nam – vừa bày tỏ suy nghĩ của ông về phiên xử những cá nhân lợi dụng hoạt động “giải cứu” để trục lợi: Các nhà sinh vật học rất khó tìm những con thú không có tình đồng loại, nhưng nếu muốn tìm những con người không có tình đồng bào thì rất dễ, chỉ cần đến Việt Nam theo dõi phiên tòa “chuyến bay giải cứu”. Người viết đã viết nhiều lần, những hiện tượng bất nhân, độc ác đang thấy tại Việt Nam chỉ là quả, chứ không phải là cây và do đó hái dăm trái thối hay thậm chí hái hết trái trên cây đi nữa, sang mùa khác chúng sẽ được sinh ra. Tội ác sẽ không bao giờ xóa được khi các nguyên nhân gây ra tội ác vẫn còn tồn tại .

VOA dẫn lời cảnh báo của Nguyễn Hồng Lam rằng: Công lý buộc kẻ phạm tội phải trả giá nhưng không chấp nhận mặc cả. Không làm như thế, giảm án, xử dưới khung, giảm sâu mức án so với luật chỉ vì bị cáo đã nộp lại một phần nhỏ số tiền phạm tội mà có, phiên tòa sẽ bị biến thành phiên đấu giá công lý.

Luật pháp đang bị bỡn cợt. Đó là cách dung dưỡng những mầm tội phạm khác của tương lai. Luật pháp đang tự giảm quyền năng răn đe và làm suy yếu tính chất, rời xa trách nhiệm ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ công lý của mình.

Minh Vũ

>>> Vụ Chuyến bay giải cứu: Lẽ công bằng cho ai?

>>> Ăn trên nỗi đau và sự sợ hãi của đồng bào

>>> Báo cáo của HRMI về tình hình Việt Nam vẫn cao hơn so với thực tế

>>> Hoàng Phủ Ngọc Tường – nhân vật gây nhiều tranh cãi về vai trò trong Tết Mậu Thân – đã qua đời

Chỉ có ở Việt Nam: Xin giảm án bằng tâm thư


Kasse animation 7.8.2023