Học tập và làm theo tấm gương Cụ Tổng, đồng chí đẩy 5 đồng chí vào tù

Vụ cô giáo Lê Thị Dung bị đẩy vào vòng lao lý chỉ vì chi sai 45 triệu đồng, đã làm dậy sóng mạng xã hội thời gian qua. Cộng động mạng đã đấu tranh mạnh mẽ cho bất công này, kết quả là cô Dung đã được/bị Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, giảm án so với bản án sơ thẩm. Dù bị bắt bí, nhưng tòa án này vẫn ngoan cố, tuyên cô Dung 15 tháng tù giam, bằng với thời gian họ tạm giam cô, mặc dù cô vô tội.

Đấy là hình mẫu về một loại tòa án công cụ. Tòa án này xử theo mệnh lệnh và nó đã thực hiện chức năng này, thay vì thực hiện chức năng mang lại công lý. Với bản chất của chế độ như vậy, thì chuyện đồng chí này dùng tòa án để tống đồng chí khác vào tù, không phải là chuyện hiếm. Trước đây, người ta thường nói về dân oan, nhưng xem ra, giờ đây còn có cán bộ oan nữa.

Ở cơ sở, tòa án là công cụ cho kẻ có quyền lực để trù dập cán bộ

Sau vụ án cô giáo Dung, giờ đây, cộng đồng mạng lại xôn xao một phiên tòa tương tự, đã diễn ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tòa án Nhân dân thành phố PleiKu đã kết án nặng nề đối với 5 cán bộ thuộc Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Gia Lai.

theo đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/2, Tòa án Nhân dân TP Pleiku tuyên 5 cán bộ của Chi cục tổng cộng là 14 năm tù; trong đó, Chi cục trưởng Lê Huy Toàn bị tuyên 6 năm; Nguyễn Thị Hoài Thu, kế toán, bị tuyên 5 năm; ba người còn lại là Phan Ngọc Tiến, Chu Thị Là, Nguyễn Thị Thu Thảo, mỗi người 01 năm tù giam. Tổng số tiền thất thoát trong vụ này là 48,5 triệu đồng.

Nạn nhân của Tòa án Nhân dân thành phố Pleiku nhờ Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân kêu cứu

Kết luận giám định buộc tội 5 người này làm “thất thoát, thiệt hại” tổng cộng 48,5 triệu đồng. Trong khi đó, Điều 356 Bộ luật Hình sự quy định, phải gây hậu quả là “thiệt hại” từ 10 triệu đồng trở lên, mới có dấu hiệu về hậu quả. Nhưng tòa vẫn lấy kết luận giám định tư pháp trên để làm căn cứ khởi tố, truy tố và buộc tội. Còn các dấu hiệu khác như “vụ lợi”, “trái công vụ”, “cố ý trực tiếp”… chỉ là những khái niệm định tính, rất mù mờ, mang tính quy chụp.

Thực ra, không chỉ Đảng Cộng sản trù dập người dân, mà ngay trong Đảng, họ vẫn trù dập nhau. Một khi có người đủ quyền lực, để chi phối ngành công an và tòa án, thì người đó sẽ thắng. Từ trên thượng tầng, luật chơi như vậy, thì dưới cơ sở, luật chơi cũng thế.

Tại các nước văn minh, người ta không lập ra ban chống tham nhũng nào cả, nhiệm vụ thanh trừng những kẻ tham ô là nhiệm vụ của hệ tư luật pháp. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì gần như hệ thống tư pháp không làm chuyện đó, mà hệ thống này bị sử dụng để hợp thức hóa trò đấu đá trù dập lẫn nhau. Ngay cả cách chống tham nhũng của ông Trọng cũng vậy, ông dùng Ủy ban Quốc gia về Phòng chống tham nhũng do ông đứng đầu, để loại bỏ những người mà ông muốn loại trừ. Chỉ sau khi ông đã ra kết luận về mặt Đảng, thì Công an mới được vào cuộc bắt người. Tức là ngành tư pháp chỉ là công cụ cho cá nhân.

Nhà nước pháp quyền để hệ thống pháp luật xử lý mọi vấn đề pháp lý, chứ không phải hệ thống pháp luật làm theo sự chỉ đạo của một cá nhân. Chống tham nhũng bằng quyền lực của luật pháp là cách làm bền vững. Bởi thế, tại các nước dân chủ, lãnh đạo chỉ cần nhận món quà trị giá vượt quy định của luật pháp, thì bị quy kết là nhận hối lộ. Ai làm trái luật thì đều bị trừng trị, mà không cần sự ra tay của đảng phái nào. Đảng phái chính trị mà đứng trên nhà nước, thì quốc gia đó loạn, luật pháp bị biến thành công cụ nên gây ra oan khuất.

Cả hệ thống tư pháp, cả ngành công an và cả cơ quan công tố các cấp cứ nhìn mặt của lãnh đạo cấp cao mà xử án, chứ chẳng chịu xử lý theo quy định của pháp luật. Người làm trong bộ máy nhà nước Cộng sản tuy suốt ngày nghe cụm từ “nhà nước pháp quyền”, nhưng họ không hiểu rằng, nhà nước Cộng sản không phải là nhà nước pháp quyền. Vì vậy, họ mới thành nạn nhân của bộ máy này.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

Kasse animation 7.8.2023