Nếu không cải tổ chính trị, Việt Nam sẽ tuột dốc

Link Video: https://youtu.be/xld6Tw5w1Wc

Ngày 5/6, blog Lê Quốc Quân trên VOA có bài bình luận “Việt Nam, nền kinh tế “bên kia sườn dốc””.

Mở đầu, tác giả đánh giá, như một cơ thể đang lớn, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng cao trong hơn 20 năm qua, nhưng giờ đây, không gian phát triển đang bị thu hẹp dần và đang trườn dần về phía bên kia sườn dốc.

Tác giả cho biết, năm ngoái tăng trưởng cao nhất trong 12 năm, khi GDP chính thức công bố là 8,02%. Nhiều người nghi ngờ con số này, nhưng không một ai có thể đủ năng lực kiểm chứng.

Từ kết quả này, theo tác giả, Quốc hội đã rất lạc quan đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2023 là 6,5% và lạm phát là 4,5%, mặc dù những di chứng của đại dịch đang bắt đầu âm thầm phát tác. Sau 5 tháng, dựa vào một số báo cáo và phát biểu của quan chức chuyên ngành, cùng với cảm nhận thực tế, chúng ta thấy kinh tế Việt Nam đang vô cùng ảm đạm và năm 2023 dự báo sẽ dần thoái trào.

Ngày 9/5, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội của Uỷ ban thường vụ quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nói rằng: “Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản của mình”, chỉ được bằng 50% giá trị và khách mua toàn là người nước ngoài.

Nhìn vào danh sách những thương vụ M&A (Mua bán & Sáp nhập) lớn nhất của năm 2021 – 2022, tác giả cho biết, các hoạt động được tiến hành là ở lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và bán lẻ. Trong đó có nhiều vụ chuyển nhượng bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài như: dự án Ngân Hà đã chuyển cho Gamuda Land của Malaysia, Novaland nhận được đầu tư từ quỹ Warburg Pincus …

Điều 4 Luật đất đai năm 2013 (đang có hiệu lực) quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Từ ban đầu là “tài sản của nhân dân”, sau một số quyết định hành chính, đã trở thành tài sản của các tập đoàn tư nhân và bây giờ đang lần lượt về tay ngoại quốc.

Tác giả nhận xét, một nền kinh tế muốn phát triển bền vững phải có công nghiệp sản xuất. Hiện nay chúng ta không có một nền sản xuất và công nghiệp nặng đáng kể nào để có thể nêu tên.

Trước đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam với ý định là sẽ chuyển giao công nghệ, tìm kiếm những nhà thầu trong nước, thiết lập chuỗi cung ứng nội địa để giảm giá thành sản xuất.

Nhưng sau hơn 20 năm, từ quy hoạch các ngành kinh tế rất đồ sộ đã dần dần chuyển thành “quy hoạch” các ngành cung ứng “nguyên phụ liệu” và rồi cuối cùng vẫn không thể đáp ứng được các yêu cầu nhỏ nhất của các nhà sản xuất.

Hình: Bài trên blog VOA

Đồng thời, theo tác giả, số lượng doanh nghiệp do người nước ngoài làm chủ tại Việt Nam ngày càng nhiều và kích thước ngày càng bé. Đó là điều vô cùng đáng ngại, khi các nước xung quanh cũng đang gồng mình giữa cuộc đua làm ăn và đã bung mình ngay trên sân khách. Không một ngành nghề dịch vụ nào có được dấu ấn đặc sắc của riêng chúng ta ngoại trừ hình ảnh đậm nét nhất là “làm thuê” cho các ông chủ nước ngoài ngay trên chính quê hương mình.

Và tác giả nhận định, nếu như yếu kém của toàn bộ nền kinh tế là vấn đề trong suốt nhiều năm, thì năm nay, trục trặc ở hệ thống ngân hàng là sự cố lớn nhất, có khả năng kích hoạt một cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Bởi vì hơn 10 năm qua, ngân hàng đã đứng ra bảo lãnh phát hành lòng vòng quá nhiều trái phiếu cho doanh nghiệp, như một kiểu đa cấp, cắn đuôi nhau để hưởng lợi trong chính tháp ngà của mình. Khi xảy ra các vụ khủng hoảng như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… đã xô đẩy hàng loạt các doanh nghiệp không thể phát hành tiếp trái phiếu để trả nợ mà quay vòng tiếp.

Ở cấp độ sản xuất nhỏ, tác giả đánh giá, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay, vì tài chính kém minh bạch, tài sản đảm bảo thiếu, khả năng quản lý kém và lãi suất cao. Do vậy, cái gốc của nền kinh tế không được đảm bảo, như cây đang lên mà không có rễ nhỏ để nuôi thân, chỉ cần một cơn gió là đổ xuống.

Ở một chiều kích khác, tác giả nhận xét, chưa bao giờ vay tiền để đi nước ngoài dễ dàng như bây giờ, nó đang trở thành một xu hướng giải ngân cơ bản của các ngân hàng ở vùng nông thôn. Bởi vì thực sự đi làm thuê ở nước ngoài luôn có một khoản tiền đều đặn gửi về để trả lãi.

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đang đi vào Việt Nam, chúng ta bắt đầu rời bỏ quê hương để bán sức lao động đơn thuần ở nơi xa xôi, đây chỉ là kiểu bóc ngắn cắn dài rất mong manh.

Các tập đoàn lớn của Nhà nước liên tục lỗ mà vẫn được ưu ái giữ “vai trò chủ đạo” và bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế, là một bộ máy toàn trị đang “khô dầu”. Toàn bộ hệ thống chính quyền của Việt Nam đang bị ngưng trệ vì thiếu “phong bì” bôi trơn.

Trong khi đó, do chiến dịch “đốt lò”, việc nhận phong bì đã trở nên kín đáo hơn và khó khăn hơn. Khi “người khôn của khó”, thì quan tham hơn và dân cũng gian hơn.

Tác giả kết luận, nếu không có một tầm tư duy mới để cải tổ chính trị và mở ra những không gian phát triển kinh tế khác, chúng ta sẽ dần dần xuống dốc rồi rơi tõm vào bẫy thu nhập trung bình, và năm 2023 này sẽ là dấu chỉ ban đầu.

Hình: Xu hướng đáng ngại của nền kinh tế

Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Các tổ chức quốc tế lên tiếng về vụ các luật sư nhân quyền bị điều tra

>>> Nói chuyện chuyên môn thì khó, nên đại biểu Quốc hội nói chuyện mặc áo dài

>>> Trung Quốc có thật sự muốn đóng vai trò hòa giải ở Ukraine?

Lòng tự tin thái quá của lãnh đạo VinFast, bất chấp sản phẩm đầy lỗi


Kasse animation 7.8.2023