Mới đây, Nhạc sĩ Quốc Trung nói thẳng rằng, tham vọng “Mỹ tiến” như Sơn Tùng chỉ là ảo tưởng. Nhạc sĩ này nói, “các nghệ sĩ của Thái Lan, Singapore, thị trường âm nhạc của họ đã vượt chúng ta nhiều năm mà còn chưa làm được việc “Mỹ tiến”. Thì nghệ sĩ Việt Nam, không thể từ trên sao Hỏa rơi xuống mà nghĩ có thể làm được”.
Đây là một lời nhận xét thực tế. Bởi sau thành công vang dội ở Việt Nam, ca sĩ Sơn Tùng vừa ra mắt sản phẩm âm nhạc hoàn toàn bằng Tiếng Anh “Making My Way”. Trước đây, cũng đã có nhiều nghệ sĩ có tham vọng mang âm nhạc của mình ra nước ngoài, trong đó có ca sĩ Thanh Lam, và kết quả là nhận lấy thất bại. Nỗ lực của họ như quẳng vào khoảng không vô định.
Để bước ra thế giới, Việt Nam cần sự nỗ lực của nhiều người trong một thời gian dài, cần một sự chuẩn bị để phát triển bền vững với tầm vĩ mô, tầm chính sách quốc gia, chứ không phải ước muốn của một vài cá nhân mà có thể làm được. Trong khi đó, âm nhạc Việt Nam đang đi theo con đường dễ dãi, hàng kém chất lượng nhan nhản. Với lại trình độ thưởng thức âm nhạc của người Việt cũng thấp hơn người Mỹ rất nhiều. Đó là thực tế.
Cách làm nhạc của Sơn Tùng là nhại lại những tác phẩm đã được ăn khách. Từ xưa đến nay, sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng vẫn như thế, và lần này, “tác phẩm” âm nhạc hoàn toàn bằng tiếng Anh, với mong muốn chinh phục thị trường Mỹ, cũng là tác phẩm bị đánh giá là “hàng nhái”. Nhiều khán giả cho rằng, phần đầu ca khúc Making my way giống với bài Unforgettable của French Montana phát hành 6 năm trước. Ngay cả khán giả Việt Nam mà có chút tìm hiểu, họ còn không chấp nhận được sản phẩm của Sơn Tùng, thì Sơn Tùng khó có thể “Mỹ tiến” thành công.
Năm 1997, ca sĩ Indonesia – Anggun – bất ngờ có bài hát lọt vào top của MTV và nổi tiếng khắp thế giới. Bài hát có tên là “Snow on Sahara”, tức là tuyết trên sa mạc Sahara. Bài hát được hãng Columbia Record (hãng thu âm Colombia) thu âm và Sony Music Entertainment (tức công ty âm nhạc giải trí Sony) phát hành. Bài hát được hát bằng 3 thứ tiếng: Anh, Pháp và Indonesia. Bài hát này không những nổi tiếng ở châu Á, mà còn nổi tiếng ở cả châu Âu và Mỹ, hai nơi được cho là có trình độ âm nhạc phát triển cao.
Đấy chỉ là trường hợp cá biệt. Điều đáng nói là, ca sĩ Anggun là ca sĩ được thế giới đánh giá cao, trong đó có hãng Sony. Không phải ngẫu nhiên mà một hãng thu âm lớn như Columbia nhận thu âm và hãng Sony phát hành đĩa đơn này. Thực sự, đứng được trên thị trường âm nhạc thế giới là cả một vấn đề. Giống như vị trí địa lý Việt Nam và Mỹ, thì vị trí thị trường âm nhạc Việt Nam với thị trường âm nhạc Mỹ cũng cách nhau cả đại dương.
Nhiều ca sĩ tại Việt Nam tự xưng là diva hay divo, nhưng hãy nghe họ hát và so sánh với những diva của thế giới, như Celine Dion hay Diana Ross, thì mới thấy, khoảng cách quá xa. Và thực thế, âm nhạc Việt Nam cũng là sản phẩm mà người Việt khó tính cũng không muốn nghe, thì nói gì đến người Mỹ?
Đàm Vĩnh Hưng làm phim xưng đế, cho thấy ca sĩ này mắc bệnh ảo tưởng nặng, ảo tưởng đến mức vĩ cuồng. Sơn Tùng thì không đến mức vĩ cuồng như Đàm Vĩnh Hưng, nhưng rõ ràng Sơn Tùng cũng ảo tưởng. Nguyên nhân là chỉ thấy hào quang mình đang có, mà không thấy vị trí thực sự mình đang đứng.
Muốn “Mỹ tiến” đấy là quyền của ca sĩ. Bởi nói cho cùng, đấy cũng là tiền của chính ca sĩ tự bỏ ra. Việc Mỹ tiến cũng hay, có thể Sơn Tùng cứ Mỹ tiến để rút ra bài học cho bản thân, và đấy cũng là cơ hội để một ca sĩ thấy được vị trí thực sự mình đang đứng, thay vì chỉ thấy hào quang mình đang có.
Nền âm nhạc Việt Nam đang bát nháo, thị trường âm nhạc cứ mãi nằm ở phân khúc thấp. Không biết Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã làm gì mà chất lượng nền âm nhạc Việt Nam cứ mãi lẹt đẹt thế? Đẳng cấp còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ có ảo tưởng là lớn hơn mà thôi. Âm nhạc dưới bàn tay chế độ Cộng sản, cũng chỉ có thế mà thôi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: