Đảng chỉ muốn hòa giải theo ý Đảng

Link Video: https://youtu.be/JgPdiC73oQk

Ngày 30/4 năm nay là tròn 48 năm ngày thống nhất đất nước. Tác giả Bùi Văn Phú từ California có bài viết, “30/4 nghĩ về hòa giải và tự do tư tưởng”, đăng trên BBC Tiếng Việt vào ngày 29/4.

Theo tác giả Bùi Văn Phú, sau 10 năm bao cấp khiến kinh tế gặp khó khăn, từ “đổi mới” 1986 mở cửa giao thương với phương Tây, bỏ kinh tế tập trung, tạo ra nền kinh tế nhiều thành phần, bắt đầu từ đó Việt Nam phát triển.

Ngày nay Việt Nam được xếp vào hạng những quốc gia có thu nhập bình quân theo đầu người ở mức trung.

Tuy nhiên, tác giả Bùi Văn Phú nhận xét, phát triển kinh tế đã không dẫn đến những cải cách chính trị như nhiều người từng hy vọng. Ngược lại, Việt Nam, cũng như Trung Quốc, tuy mở cửa giao thương với thế giới, nhưng về chính trị, nhà nước lại gia tăng kiểm soát, không cho dân quyền tự do phát biểu quan điểm, không được lập hội, không được tự do ứng cử. Những ai bất đồng quan điểm và chỉ trích nhà nước thì bị trấn áp hay bỏ tù.

Về mặt tư tưởng, Ban Tuyên giáo hay Bộ Thông tin và Truyền thông thường có những quyết định cấm không cho phát hành, hay thu hồi nếu đã được in, các tác phẩm gây nhức nhối cho lãnh đạo.

Trên phương diện truyền thông đại chúng, báo chí thường nhận lệnh miệng không được đưa các tin “nhạy cảm”, có nghĩa là không phù hợp với quan điểm của lãnh đạo.

Tác giả nêu dẫn chứng, mới đây nhất, khi nhà văn Dương Thu Hương được trao giải Cino Del Duca ở Pháp, các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên nhanh đưa tin, rồi nhận lệnh phải vội gỡ bài xuống, chỉ vì nhà văn là người phê bình chế độ và dùng văn chương để nói lên những hiện thực xã hội dưới chế độ Cộng sản.

Với chính sách kiểm duyệt văn hoá, những tác phẩm không phù hợp với quan điểm chính thống sẽ không có cơ hội được phát hành tại Việt Nam. Có những tác phẩm được xuất bản thì bị kiểm duyệt cắt bỏ hoặc sửa đổi đến mức trái ngược với ý ban đầu của tác giả.

Hình: Bài trên BBC

Tác giả Bùi Văn Phú tiếp tục nhận xét, trong nước nay đã cho in bản dịch các sách kinh điển về tư tưởng hay lý thuyết chính trị như “Cộng hoà” của Plato, “Chính thể đại diện” và “Bàn về tự do” của John Stuart Mill, nhưng không rõ dịch chính xác như thế nào.

Một số tác phẩm thời Việt Nam Cộng hoà và tác phẩm viết ở hải ngoại được phép in lại trong nước, tác giả cũng thường tự hỏi là so với bản chính, có bị sửa chữa, cắt bớt cho hợp với quan điểm nhà nước hay không.

Tác giả nêu quan điểm, nhà nước kêu gọi hoà giải, nhưng tất cả những gì liên quan đến quá khứ hay Việt Nam Cộng hoà, thuyền nhân vượt biển, thì không được hoan nghênh, tôn trọng, không cho phổ biến.

Ngay cả hai nhạc sĩ danh tiếng nhất của Việt Nam là Trịnh Công Sơn và Phạm Duy, nhà nước cũng không muốn họ có gì liên hệ với chế độ Việt Nam Cộng hoà.

Phim “Đất khổ” về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, của đạo diễn Hà Thúc Cần thực hiện năm 1973, bị cấm chiếu khi đó vì mang tiếng phản chiến. Thế nhưng 35 năm sau, trong dịp giỗ nhạc sĩ vào năm 2008, ban tổ chức muốn chiếu vài đoạn khi ca sĩ hát những “Ca khúc Da vàng”, nhưng an ninh không cho phép.

Nhạc sĩ Phạm Duy, bỏ quốc tịch Mỹ trở về nước sinh sống và đã hồi tịch, được cấp chứng minh nhân dân, tuy thế phần lớn các ca khúc của ông vẫn chưa được phép phổ biến trong nước. Nhạc sĩ cùng nhà thơ Đỗ Trung Quân hoàn tất bộ phim ghi lại lịch sử trường ca “Con đường cái quan” nhưng đến nay phim vẫn còn nằm trong kho.

Tác giả nhắc đến việc, vào năm 2004, nhà văn Phạm Thị Hoài nói chuyện tại Đại học Berkeley có đưa ra nhận xét rằng văn học Việt Nam thời sau đổi mới là “thời hoàng kim của tự kiểm duyệt”. Hai mươi năm sau tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật trên quê hương Việt Nam vẫn thế.

Tác giả cũng nhăc lại câu lời của nhà văn Dương Thu Hương khi được ông Vương Trí Nhàn hỏi “Tại sao viết văn?”. Bà Dương Thu Hương đã trả lời: “Thấy nhờ đó đấu tranh chống cái ác tốt hơn”.

Tác giả nhấn mạnh, đó chính là sức mạnh của tự do tư tưởng. Người Việt trong nước có mấy ai dám suy nghĩ, dám viết như bà.

Một lần vào thư viện Đại học U.C. Berkeley tìm sách, tác giả thấy trên kệ có những tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm cạnh các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Đây đúng là biểu hiện của tự do tư tưởng.

Và tác giả kết luận, 30/4, nhà nước hay nói chuyện hòa giải với người Việt ở nước ngoài. Tác giả tự hỏi, bao giờ các thư viện ở Việt Nam mới có sách của Bùi Tín cạnh sách của Bùi Tùng, Dương Thu Hương sát bên Dương Tường, Nguyễn Chí Vịnh bên cạnh Nguyễn Chí Thiện.

Hình: Báo chí Việt Nam im lặng khi nhà văn Dương Thu Hương được trao giải Cino Del Duca

Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đòi công lý cho con, cha bị khởi tố theo Điều 331

>>> RFS quan tâm đến số phận blogger Việt Nam bị bắt cóc ở Thái Lan

>>> Vì sao ngành dệt may Việt Nam khốn đốn?

>>> Chiến dịch đốt lò khiến vốn đầu tư công tắc nghẽn, doanh nghiệp kẻ cười người khóc

Tham vọng của VinFast


Kasse animation 7.8.2023