Vì sao Tổng thống Đức hủy chuyến thăm Việt Nam?

Link Video: https://youtu.be/4UQ5Gm_4yZU

Đài BBC Tiếng Việt hôm 14/2 loan tin “Tổng thống Đức thăm Campuchia, sau khi hủy lịch đến Việt Nam vì “biến động chính trị”?”

Theo bản tn, hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Đức Steinmeier đã lên lịch đi thăm Việt Nam và Malaysia từ ngày 13 đến 19/2/2023. Nhưng sau đó, ông Steinmeier đã thay đổi điểm đến là Campuchia từ ngày 13 đến ngày 16/2, thay vì Việt Nam, dù vẫn đến Malaysia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Liên bang Đức tới quốc gia Đông Nam Á này.

BBC dẫn bình luận từ tờ Globe cho rằng, bước đi “đáng chú ý” của Tổng thống Steinmeier khi đưa Campuchia vào lịch trình, sau khi huỷ bỏ chuyến thăm Việt Nam, vốn được lên kế hoạch từ trước, sau “chấn động chính trị” ở Hà Nội khi cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức.

Bản tin của BBC cho biết, ông Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần gặp gỡ với Tổng thống Liên bang Đức Steinmeier.

Hai người gặp nhau trong chuyến thăm Hà Nội năm 2016, khi ông Steinmeier là Ngoại trưởng Đức và ông Phúc vừa được bổ nhiệm làm Thủ tướng Việt Nam.

Hình: “Tổng thống Đức thăm Campuchia, sau khi hủy lịch đến Việt Nam vì “biến động chính trị”?”

Một năm sau đó, ông Phúc được ông Steinmeier tiếp đón tại Schloss Bellevue – dinh Tổng thống Đức – ngay trước sự cố ngoại giao hệ trọng nổ ra, liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn ở Đức lúc bị truy nã về tội tham nhũng ở Việt Nam.

BBC cũng cho biết, không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra về lý do đằng sau việc hủy bỏ chuyến đi Việt Nam của Steinmeier. Nhưng tờ Globe bình luận rằng, sự vắng mặt của Steinmeier tại Hà Nội, có thể không gây tổn hại đáng kể gì đến quan hệ Việt – Đức, vốn đã được tái khẳng định từ chuyến thăm của Thủ tướng Scholz ba tháng trước đó.

BBC dẫn lại sự kiện Thủ tướng Đức Scholz phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2022. Khi đó ông Scholz cho biết, Đức muốn quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Việt Nam, và nói rằng, Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, bao gồm cả việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Hà Nội.

Việt Nam và Singapore là những quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Do đó, họ là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực.

Nhà hoạt động nhân quyền Thục Quyên từng có bài bình luận về chuyến thăm của Thủ tướng Đức đến Việt Nam vào tháng 11/2022. Theo tác giả, cuộc viếng thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức là một trong những cố gắng làm giảm sự kìm kẹp của Trung Quốc với nền kinh tế Đức. Theo cách nhìn mới về thế giới, châu Á không chỉ là Trung Quốc.

Hình: Thủ tướng Đức đến Việt Nam vào tháng 11/2022

Theo quan sát của nhóm “Chính-sách-đối-ngoại Đức”, châu Á là một trung tâm với nhiều quốc gia mới nổi, đang phát triển và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thế giới trong tương lai. Ngoài Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ, còn có Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, rất năng động với nhiều triển vọng cam kết lớn khi có cơ hội phát triển kinh tế.

Nhưng theo Thục Quyên, chiến lược của Đức nói dễ hơn làm. Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với cả Trung Quốc và Nga.  Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể trở nên căng thẳng do xung đột lãnh thổ trên Biển Đông. Trong khi đó Nga là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Việt Nam. Cả hai nước cũng đang hợp tác phát triển các mỏ khí đốt và dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Hiện nay có hơn 150 dự án đầu tư vào Việt Nam với sự tham gia của các công ty Nga.

Giống như Trung Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia không lên án cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Ngoài ra, minh bạch là vấn đề trọng tâm của nền dân chủ Đức. Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Berlin bị chính quyền Việt Nam ngăn cản hoạt động ở nước này từ năm 2021 sẽ cần phải được giải quyết.

Để đạt được các mục tiêu này, hai bên Đức – Việt cần phải tiếp tục có đối thoại và trao đổi thẳng thắn, cởi mở. Tác giả Thục Quyên nêu quan điểm.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nghị phóng lao, Chính theo lao. Cả hai “ngỏm cả chùm”?

>>> Em họ cựu Chủ tịch nước dính đến nhiều nhóm lợi ích

>>> Sự vô trách nhiệm dẫn đến những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế

Ai chịu trách nhiệm về quyền lợi của người lao động?


Kasse animation 7.8.2023