Kết thúc điều tra vụ bà Nguyễn Phương Hằng, chuyển sang truy tố

Ngày 30/1, báo Lao Động đưa tin, Công an TP. HCM đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Nguyễn Phương Hằng, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM đề nghị truy tố bà Hằng và các đồng phạm.

Bài viết trên báo Lao Động

Cũng theo báo Lao Động, những người bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Phương Hằng 52 tuổi, ngụ TP. HCM, là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, Bình Dương; Nguyễn Thị Mai Nhi 40 tuổi, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng; Lê Thị Thu Hà 31 tuổi, nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam; Huỳnh Công Tân 29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Bà Nguyễn Phương Hằng từng là nhân vật đình đám với nhiều phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội. Bà thường livestream với nhiều phát ngôn chỉ trích nhiều người nổi tiếng. Bà đã bị bắt tạm giam kể từ tháng 3 năm ngoái để điều tra về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’.
Báo chí trong nước dẫn lại kết quả điều tra của Công an TP. HCM thì những người bị bà Hằng ‘xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng uy tín và xâm phạm đời tư’ gồm: nghệ sỹ hài Hoài Linh, các ca sỹ như Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, Thủy Tiên, cầu thủ bóng đá Công Vinh, nhà báo Hàn Ni và Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật Nguyễn Đức Hiển.
Những buổi phát trực tiếp của bà Hằng đã thu hút hàng triệu lượt xem, trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội. Người ủng hộ bà cũng nhiều mà người chê bai bà cũng lắm.
Theo RFA, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM cho biết, trong quá trình thẩm vấn, bà Hằng ‘đã thừa nhận các thông tin mà bà đưa ra là do bà đọc qua các nguồn và nằm mơ’ và ‘không đưa ra được các căn cứ chứng minh’. Bà Hằng thừa nhận, bà công kích các nghệ sỹ này, là do mâu thuẫn cá nhân và trong việc làm ăn.

Bài phân tích trên Luật khoa Tạp chí

Tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là tội chiếu theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015. Đây là một trong các điều luật mơ hồ và thường xuyên bị các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức bảo vệ nhân quyền phản đối.

Tác giả Trịnh Hữu Long đã có một bài phân tích về điều luật này trên Luật khoa Tạp chí ngày 29/3/2022. Theo Trịnh Hữu Long, luật pháp hiện đại được xây dựng trên cơ sở công nhận quyền tự do và bình đẳng của tất cả mọi người, và luật được đặt ra để giới hạn các quyền tự do đó, ngăn chặn hoặc trừng phạt những hành vi xâm hại đến lợi ích của người khác hoặc của xã hội. Và đó chính là nội dung của… Điều 331.

Trịnh Hữu Long cho rằng, “Điều 331 này cõng trên lưng toàn bộ chức năng gốc và căn bản của cả một hệ thống pháp luật. Bản thân nó không giải quyết một vấn đề xã hội nào cụ thể cả, mà nó chính là triết lý chung đằng sau tất cả những đạo luật. Nó là tuyên ngôn chung của mọi hoạt động lập pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý của xã hội…”.

“Đó cũng chính là lý do mà nhiều người đã nhận xét rằng điều luật này mơ hồ, không rõ ràng. Làm sao rõ ràng được khi nó không giải quyết một vấn đề cụ thể mà chỉ có ý nghĩa tuyên ngôn về triết lý lập pháp?”

Nhà cầm quyền Việt Nam từng nhiều lần sử dụng điều luật mơ hồ này để kết tội những người hoạt động dân chủ. Kết tội, bỏ tù những người chỉ vì họ dám nói lên những điều trái với quan điểm của Đảng, hoặc nói lên một sự thật mà Đảng không muốn nghe.

Công an phản bác các yêu sách xóa bỏ điều 331

Bà Hằng không phải là một người hoạt động dân chủ. Thông thường, nếu công an có đầy đủ bằng chứng cho rằng, bà Hằng vu khống, tấn công vô căn cứ các nghệ sỹ, nhà báo, thì phải truy tố bà tội vu khống, tội nhục mạ người khác. Tội này sẽ bị xử lý theo Bộ luật Dân sự hoặc Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, nghĩa là chỉ bị xử phạt hành chính, và mức cao nhất là cải tạo không giam giữ lên đến 3 năm, nhẹ hơn nhiều so với Điều 331. Khung hình phạt cho điều 331 là từ 2 năm đến 7 năm tù giam.

Từ những phân tích trên, rất nhiều ý kiến cho rằng, bà Hằng bị khởi tố vì dám đụng đến ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM. Thực tế, sau khi bà Hằng có những phát ngôn bất lợi về ông Phan Văn Mãi, thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, bà đã bị Công an TP. HCM bắt.

Như vậy, bản chất vụ án của bà Hằng chỉ là sự trả thù cá nhân.

 

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

 

Kasse animation 7.8.2023