Khi chưa tìm thấy người, có thể phán quyết về tình trạng của bé Hạo Nam hay không?

Status trên trang Facebook cá nhân của Luật sư Đặng Đình Mạnh

Chiều ngày 4/1/2023, báo chí đồng loạt đưa tin, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, xác nhận bé Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi, đã tử vong trong tình trạng đa chấn thương. Thông tin này đưa ra sau gần 100 giờ cứu hộ, và sau khi giới chức chính quyền hội ý với cơ quan pháp y và gia đình. Ông Đoàn Tấn Bửu thông báo rằng, ngoài tình trạng đa chấn thương khi rơi xuống, thì điều kiện chật hẹp trong lòng ống cọc bê tông không đảm bảo không khí, thời tiết lạnh và không được ăn uống, là những nguyên nhân dẫn đến việc bé tử vong.

Bình luận về thông tin trên, Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook cá nhân của ông rằng, pháp luật hiện nay chỉ chấp nhận hai tình trạng chết, đó là chết sinh học và chết pháp lý. Luật sư Mạnh viết:

“Tình trạng chết sinh học nhất thiết phải được xác định qua thi thể người chết. Chết sinh học là có sự kiện người chết thật và điều đó tuyệt đối bất biến.

Tình trạng chết pháp lý thể hiện qua một phán quyết của cơ quan tài phán khi thỏa mãn các quy định về thời hạn mất tích trong từng trường hợp. Thế nên, chết pháp lý thì không rõ người bị phán quyết đã chết có chết thật hay không? Do đó, tình trạng chết pháp lý có thể bị hủy bỏ trong trường hợp người bị phán quyết đã chết trở về.

Trường hợp “tử vong” của cháu bé Hạo Nam không thuộc hai trường hợp chết được luật pháp quy định. Do đó, thông báo của vị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chỉ mang tính chất tham khảo tạm thời, hoặc nhằm mục đích chuẩn bị tâm lý cho công chúng mà thôi. Nhất thiết, chúng không có giá trị pháp lý.”

Bài báo về vụ việc trên RFA

Một luật sư khác cũng nêu quan điểm về vấn đề này, sáng ngày 5/1, Luật sư Ngô Anh Tuấn trả lời đài RFA rằng, tuyên bố của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp là không đúng.

“Nói về mặt pháp lý thì tuyên bố đứa bé đã chết là không đúng. Ở đây họ nói đã chết về mặt sinh học để giảm áp lực về nhân sự phục vụ việc cứu hộ cứu nạn. Nghĩa là, thay vì cứu sống thì chỉ còn tìm thi thể, thì nó sẽ khác. Tuy nhiên về mặt thực tế thì tôi nghĩ họ cũng dự đoán là đứa bé tử vong từ ngày đầu rồi, nhưng bây giờ họ mới công bố. Nhưng về mặt pháp lý thì nó không đúng.

Họ muốn giải quyết trong nội bộ của họ thôi. Họ nói là họ sẽ làm được. Nếu làm được thì họ vừa có công vừa giảm áp lực cho người khác, giảm sai phạm khác, chứ họ đâu muốn đưa ra Trung ương.

Đúng ra họ phải biết trường hợp này rất hy hữu và khẩn cấp, không phải ai cũng có khả năng cứu hộ. Nếu họ báo cáo lên trên làm liền thì dù không thành công người ta cũng cảm nhận là đã cố gắng hết sức nhưng không cứu được cháu bé. Họ đã bỏ qua thời gian vàng. Dư luận có quyền nói là bây giờ đang đi giải quyết, che giấu trách nhiệm của các ông chứ đâu phải cố đi cứu cháu bé. Dư luận hoàn toàn có quyền dị nghị như thế.”

Bài báo về tuyên bố của chính quyền địa phương

Cùng quan điểm với 2 vị luật sư, bác sĩ Đinh Đức Long nêu nhận định với đài RFA vào tối ngày 5/1:

“Nói đứa bé tử vong là rất lạ, vì họ chưa chứng minh được là đứa bé đã chết hay không. Họ không có bằng chứng trực tiếp, không có chứng cứ trực tiếp. Phải có thi thể cháu bé thì mới có thể nói như thế được.

Hay là họ nói như thế để cho xong chuyện, để dư luận khỏi quan tâm nữa. Có nghĩa là, khi nào lấy đứa bé lên được thì lấy. Không phải trực ngày đêm nữa. Không bị áp lực thời gian nữa. Cái đấy về mặt khoa học thì không thuyết phục, nhưng tôi chưa tìm thấy cơ sở pháp lý nào để nói là họ sai. Ở Việt Nam, có những trường hợp đã có giấy báo tử, nhưng rồi người chết lại trở về. Việt Nam có những chuyện đó. Có những trường hợp họ cố tình làm sai vì mục đích khác”.

Hiện trường cứu hộ cháu bé

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, về phương diện pháp luật, cháu Hạo Nam vẫn phải được xem là còn sống. Vì vậy, lực lượng cứu hộ vẫn phải có trách nhiệm cứu hộ cho cháu trong tư cách là người bị nạn còn sống.

Vào sáng sớm ngày 5/1, chính quyền địa phương xác với truyền thông, do gặp phải tầng địa chất đặc biệt, nên đã tạm dừng hoạt động cứu hộ. Nghĩa là, ngay sau khi thông báo cháu bé đã tử vong thì họ cũng thông báo luôn là dừng cứu hộ. Một việc làm rất vô trách nhiệm, coi thường người dân, coi thường dư luận.

Đến lúc này, có thể thấy cách hành xử của chính quyền tỉnh Đồng Tháp là thiếu trách nhiệm và dường như đang bao che cho nhà thầu thi công công trình cầu Rọc Sen. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu rồi vụ này có chìm xuồng hay không?

 

Ý Nhi – thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

Kasse animation 7.8.2023