20/11 và một vài suy ngẫm về nghề giáo

Link Video: https://youtu.be/7534VOna9IQ

Người Việt Nam ai cũng quen thuộc với ngày 20/11 – Ngày nhà giáo Việt Nam. Vào ngày này, khắp nơi trên cả nước đều rộn ràng không khí lễ hội. Tất cả các ngôi trường đều tổ chức lễ chào mừng, các vị lãnh đạo các cấp đến thăm, phát biểu những lời có cánh về nghề giáo và tặng hoa chúc mừng. Phụ huynh, học sinh chuẩn bị những món quà dành cho những người thầy…

Nhưng, đằng sau những ánh hào quang mỗi năm chỉ có một lần này thì lại là vô vàn những vấn nạn, những thứ quái thai đang ngày một sinh sôi, phát triển trên giảng đường. Cả giáo viên và học sinh đều phải chịu những áp lực vô cùng lớn, cực kỳ vô lý. Rồi tất cả cùng gây áp lực lại cho nhau trong một môi trường “thầy không ra thầy”, “trò không ra trò”. Áp lực này lớn đến nỗi mỗi năm có đến hàng nghìn giáo viên bỏ việc.

Áp lực lớn nhất là bệnh thành tích. Đây là căn bệnh chung của thể chế Cộng sản chứ không riêng gì của ngành giáo dục. Chế độ Cộng sản luôn muốn thể hiện chế độ của họ là ưu việt, là đỉnh cao, nên họ luôn vẽ ra những hình ảnh, những con số đẹp đẽ mà xã hội tự do không bao giờ có được. Với ngành giáo dục, căn bệnh này là nguyên nhân gây ra một loạt những vấn nạn học đường. Nó làm cả xã hội trở nên méo mó, mệt mỏi. Nó tạo ra những thế hệ khiếm khuyết về kiến thức, năng lực, tinh thần và thể chất.

Hình: học sinh tặng hoa cho cô giáo nhân ngày 20/11

Vì căn bệnh này, giáo viên buộc phải đáp ứng các chỉ tiêu của ngành, của trường, như: tỷ lệ học sinh giỏi; tỷ lệ học sinh lên lớp… Nếu không đạt, giáo viên sẽ bị cắt thi đua, khen thưởng, thậm chí còn bị kỷ luật. Và để đạt thành tích, giáo viên lại trút áp lực lên học sinh. Câu chuyện nhiều giáo viên lên lớp dành thời gian để giáo huấn, để “chửi”học sinh nhiều hơn là dạy đã trở nên rất phổ biến. Thậm chí, việc phạt đánh học sinh cũng không phải là cá biệt trong ngành. Rồi bạo lực lại bị đáp trả bằng bạo lực… từ đó dẫn đến tình trạng giáo viên bạo lực học sinh, học sinh bạo lực học sinh, học sinh bạo lực giáo viên, phụ huynh bạo lực giáo viên… tạo thành một mớ bát nháo bên trong và cả bên ngoài cánh cổng nhà trường. Chuyện giáo viên bị đánh, bị tấn công đã xảy ra nhiều hơn, nhà giáo không còn được xã hội coi trọng nữa. Nhiều nhà giáo đã nhận xét rằng: Nghề giáo đã trở thành một nghề nguy hiểm.

 

Trong xu hướng ngành ngành tham nhũng, ngành giáo dục cũng không thoát khỏi dính chàm. Những khoản tiền thu ngày càng tăng của nhà trường đã buộc giáo viên trở thành “người đi đòi nợ thuê”, từ đó người giáo viên không còn nhận được sự tôn kính của học sinh và phụ huynh. Những tai nạn nghề nghiệp của nhà giáo khá nhiều, có thể kể đến như: bị học sinh đặt điều nói xấu; gặp phải học sinh bất cần, thích chọc giận thầy cô; gặp phải phụ huynh “cá biệt”; bất cẩn bị đưa lên facebook…

Cảm thán về hiện thực của ngành giáo hiện này, nhà giáo Nguyễn Anh Tú cho rằng, điều bất nhẫn lớn nhất trong nghề giáo là người ta đã lờ đi rất nhiều các giá trị tinh thần của nghề nghiệp để lấy tiền bạc, lợi ích hoặc quyền lực ra mà “ném” vào mặt nhau.

Những vấn nạn nghề giáo Việt Nam càng ngày càng nhiều và càng ngày càng trầm trọng, không thể kể hết. Nhưng cái gốc của vấn đề đều nằm ở nền giáo dục định hướng, áp đặt và độc tài của chế độ Cộng sản. Muốn giải quyết tận gốc các vấn nạn này, chế độ cần chấp nhận một nền giáo dục dân chủ, khai phóng và nhân bản. Một nền giáo dục mà người thầy chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy của mình và người trò được quyền tự do lựa chọn học những điều mình muốn. Cả thầy và trò đều được tự do tiếp cận những quan điểm đa chiều, những luồng tư tưởng dân chủ của nhân loại.

Hình: Một cô giáo tát học sinh trong giờ học

Bộ Giáo dục đã rất nhiều lần cải cách chương trình giáo dục để mong đạt đến một nền giáo dục tiên tiến. Nhưng khổ nỗi càng cải cách thì lại càng tệ hại, càng sa lầy. Chỉ khổ cho các thế hệ học sinh bị buộc phải trở thành chuột bạch. Trong khi đó, Hàn Quốc hay Nhật Bản lại có những cuộc cải cách rất nhẹ nhàng và đưa được nền giáo dục của họ tiệm cận với phương Tây. Bởi nguyên lý rất đơn giản, cứ cho phép tự do học thuật thì tự khắc sẽ khắc phục được những khiếm khuyết.

Còn nhớ, ngày 20/11 có tên gọi ban đầu là ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”. Tên gọi này gắn liền với một bản “Hiến chương các nhà giáo” do Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn giáo viên (gọi tắt là FISE) thông qua năm 1949. Bản Hiến chương này gồm có 15 chương, nhằm xây dựng một nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi về tinh thần và vật chất của nghề dạy học và nhà giáo; đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo; đấu tranh chống lại các quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản dân chủ, phản khoa học, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.

Nay nhìn lại, ngành giáo dục Việt Nam đã đi ngược lại tất cả tinh thần của bản “Hiến chương các nhà giáo” này. Vậy, việc tổ chức kỷ niệm ngày 20/11 còn có ý nghĩa gì?

Kim Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tiếng kêu xé lòng của nạn nhân nhưng kẻ lừa đảo vẫn nhởn nhơ. Ông Tổng Trọng nghĩ sao?

>>> Bộ Công an làm lơ, nhóm lừa đảo tiền số tiếp tục tung chiêu mới và thách thức nạn nhân

>>> Công điện của Bộ Công thương và ca dao mùa thiếu xăng

Giăng lưới Hà Nội và Đồng Nai, ông Trọng sẽ tóm ai?


Kasse animation 7.8.2023