Nóng! Trịnh Văn Quyết bị bắt, chủ nợ đang lo sốt vó

 

Theo trang thông tin chính phủ thì ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC. Thông tin này chỉ một ngày sau khi có lệnh cấm xuất cảnh.

Được biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hành vi này của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. Bước đầu, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật.

Đấy là những gì mà chính quyền CS đã đưa tin. Tuy nhiên việc ông Quyết bị bắt nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Sẽ có hiệu ứng Domino, những chủ nợ của FLC sẽ rơi vào tình trạng lo lắng sợ mất vốn ở FLC hoặc khoản nợ mà cho ông Trịnh Văn Quyết vay ấy sẽ trở thành nợ xấu.

Như vậy các chủ nợ đang cho Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết vay vốn là ai?

Theo thông tin có được thì ngoài hơn 500 tỷ nợ gốc đến hạn trả trong ngắn hạn, FLC còn nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn vào 30/08/2022 với giá trị 150 tỷ đồng.

Theo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 CTCP Tập đoàn FLC công bố, tổng dư nợ của công ty tại ngày 31/12/2021 là 6.189 tỷ đồng, bao gồm các khoản vay ngắn hạn, nợ dài hạn đến hạn trả, vay trung dài hạn và trái phiếu. Tổng dư nợ của FLC chiếm 18,3% tổng nguồn vốn tại ngày cuối năm.

Trong cơ cấu nợ vay của công ty chiếm hơn 67% là vay và nợ trung dài hạn, điều này phù hợp với hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp liên quan lĩnh vực bất động sản. 2 nhà băng cấp tín dụng trung dài hạn nhiều nhất cũng là 2 chủ nợ lớn nhất của FLC là Sacombank 1.840 tỷ và BIDV 1.746 tỷ đồng. Tiếp sau đó là NCB và OCB đều cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn cho doanh nghiệp, với dư nợ cuối 2021 gần 600 tỷ đồng.

Mặc dù Sacombank là “chủ nợ” lớn nhất của FLC đến thời điểm 31/12/2021 nhưng trong năm nay áp lực trả nợ gốc không đến từ nhà băng này vì cả 2 khoản cho vay của Sacombank mới được ký kết vào tháng 3 và tháng 5 năm 2021. Theo diễn giải trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp khoản Nợ dài hạn đến hạn trả vào thời điểm 31/12/2021 không có nghĩa vụ của Sacombank.

Nợ dài hạn đến hạn trả là các khoản nợ dài hạn đã đến hạn phải trả cho chủ nợ trong niên độ kế toán hiện hành. Cuối niên độ kế toán, doanh nghiệp phải căn cứ vào kế hoạch trả nợ dài hạn, xác định số nợ dài hạn đã đến hạn phải thanh toán trong niên độ kế toán tiếp theo và chuyển sang nợ dài hạn đến hạn trả. Nợ dài hạn đến hạn trả vào cuối năm 2021 của FLC là 506 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đặt ra “áp lực” trả nợ không nhỏ đối với doanh nghiệp trong năm 2022.

Trong đó, 3 chủ nợ chính lần lượt là BIDV Quy Nhơn, BIDV Đồng Bằng Sông Cửu Long và Agribank Đông Gia Lai.

Theo diễn giải của công ty, đây đều là những khoản vay từ những năm trước đầu tư dự án, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay. Trong đó, BIDV Quy Nhơn cấp tín dụng dài nhất với thời hạn 192 tháng. .Ngoài chủ nợ là các ngân hàng, FLC còn huy động vốn qua kênh trái phiếu, bao gồm trái phiếu ngắn hạn và trái phiếu dài hạn với tổng giá trị lên đến 1.018 tỷ đồng. Có 2 nhà băng phát hành trái phiếu cho FLC là OCB, NCB và công ty chứng khoán MBS

Hai khoản phát hành trái phiếu lớn của FLC trong năm 2021 là để phục vụ dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn – Giai đoạn 2 và Khu đô thị Tropical City 1 tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long, Quảng Ninh (Giai đoạn 1).

Theo Doanh nghiệp niêm yết, ngày 29/9/2021, CTCP Tập đoàn FLC đã huy động xong 150 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn hai năm, đáo hạn vào ngày 30/8/2022. Theo thông tin công bố, một công ty chứng khoán trong nước đã mua lại hết số trái phiếu nói trên. Bên đứng ra tổ chức tư vấn, làm đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký trái phiếu là CTCP Chứng khoán MB. Còn Ngân hàng TMCP Bảo Việt chịu trách nhiệm quản lý tài sản bảo đảm, đại lý quản lý tài khoản và thanh toán.

Số tiền thu được từ đợt phát hành dùng để tăng quy mô vốn và/hoặc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của FLC. Cụ thể là bù đắp tiền thuế sử dụng đất đã nộp theo thông báo của cơ quan quản lý đối với dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn -Thanh Hóa nằm trong Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn – Giai đoạn 2 và các nghĩa vụ tài chính khác của dự án này.

Việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt có tác động rất xấu đến giá cổ phiếu những công ty niêm yết theo họ FLC. Dù là những ngân hàng lớn thì cũng phải lo sợ FLC lâm vào khủng hoảng. Con nợ khủng mất khả năng trả nợ thì chủ nợ cũng không thể tránh khỏi bị thiệt hại./.

Phạm Hoàng – Thoibao.de 

Kasse animation 7.8.2023