Tại sao Đảng sợ Phạm Đoan Trang

Link Video: https://youtu.be/-1u6eq1m37E

Như thoibao.de đã đưa tin, tòa án Hà nội đã đưa ra mức án cao hơn so với đề xuất của bên công tố.

Điều này ít khi xảy ra vì các nguyên tắc nhân đạo của Luật hình sự thường được các thẩm phán lưu ý, đặc biệt là án phạt chỉ tuyên thấp hơn đề xuất của bên công tố, bởi lẽ công tố viên chủ hướng buộc tội nên bản tâm của họ đã có thành kiến với bị cáo, còn tòa thì tất nhiên phải có tâm thế trung dung nên họ thường lắng nghe cả phía và chọn mức độ trung bình giữa hai khuynh hướng.

Nay Hội đồng xét xử tuyên án nặng hơn cho thấy thái độ của Đảng muốn ra đòn thù nặng hơn với nhà báo Phạm Đoan Trang, vì sao vậy?

Giáo sư Ngô Nhân Dụng lý giải sự việc này bằng bài bình luận với tựa đề “Tại sao Đảng sợ Phạm Đoan Trang” với nội dung như sau:

Cô Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, đã bị tuyên án 9 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo luật Hình sự của đảng Cộng sản.

Luật sư Đặng Đình Mạnh kể, có lúc tòa tạm ngưng, cô Đoan Trang quay lại nhìn về phía người mẹ đang ngồi phía sau khoảng 5 mét. Bà Bùi Thị Thiện Căn, hơn 80 tuổi, đã nắm tay, đưa một ngón cái lên: “Con là Số Một!”

Có 5 luật sư bào chữa cho Phạm Đoan Trang, các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Lê Văn Luân, Ngô Anh Tuấn và bà Phạm Lệ Quyên.

Luật sư Mạnh nhận xét, “Có lẽ, chỉ có dòng máu anh thư chảy trong huyết quản người mẹ Việt mới có thể luân chuyển, hun đúc nên tinh thần kiên cường của một Đoan Trang mà chúng tôi phải ngả mũ từ rất xa.”

Phạm Đoan Trang đã sáng lập tạp chí “Luật Khoa” giúp người Việt Nam hiểu luật pháp để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Cô làm báo từ năm 2000 cho đến 2013, cộng tác với gần mười cơ quan báo chí trong nước, như VnExpress, Vietnamnet, báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, đài truyền hình VTC…

Năm 2014, cô qua Mỹ nhận học bổng nghiên cứu của tổ chức Villa Aurora & Thomas Mann House và thư viện Feuchtwanger tại đại học nam California (University of Southern California- USC).

Năm 2015 Phạm Đoan Trang tham gia cuộc biểu tình ôn hoà “bảo vệ cây xanh” và bị công an đánh gãy cả hai chân.

Cô đã xuất bản những cuốn Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù, Chính trị bình dân, tất cả hơn 10 tác phẩm tranh đấu. Cô bị bắt giam thêm nhiều lần nữa.

Ảnh: bà Phạm Đoan Trang trong phiên tòa hôm 14-12 tại Hà nội

Tại sao sau khi công tố viên đề nghị bản án từ 7 đến 8 năm tù, quan tòa lại tăng lên thành 9 năm?

Vì Đảng Cộng sản đang sợ. Đó là nhận xét của một tờ báo ở Berlin, nước Đức, ngay lập tức khi loan tin bản án.

Ông Dương Hồng Ân ở Đức giới thiệu nhật báo TAZ tường thuật phiên tòa, dưới tiêu đề “Tự Do Báo Chí ở Việt Nam”.

Báo này viết tựa: “Chín năm tù cho nhà báo nữ”. TAZ giải thích, “Chế độ độc tài đưa ra bản án quá nặng, chắc vì họ sợ…” Nhờ bản tin này, độc giả được biết “Việt Nam đứng hàng thứ 175 trong số 180 quốc gia, trong bảng xếp hạng “tự do báo chí” của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới.”

Tại sao Đảng sợ Phạm Đoan Trang? TAZ viết rằng họ “sợ dân chúng các làng” sẽ tiếp tục tranh đấu mạnh hơn.

Một tháng trước khi bị bắt vào năm ngoái, cô Trang cùng với Will Nguyễn (ở Mỹ) đã công bố hồ sơ về làng Đồng Tâm, ngoại ô Hà Nội, dân làng phản đối chế độ cộng sản tịch thu đất đai rồi bị đàn áp tàn nhẫn. TAZ ghi nhận “Hai người dân xã Đồng Tâm đã bị án tử hình, những người khác đã bị kết án tù nhiều năm.”

Báo TAZ cũng loan những tin mà dân Việt Nam trong nước không hề biết, vì không báo, đài nào nói đến: Ngày Thứ Hai trước phiên tòa, tổ chức quốc tế Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã yêu cầu Cộng sản Việt Nam trả tự do cho Phạm Đoan Trang ngay lập tức.

HRW kết tội cộng sản đã vi phạm Công Ước Quốc tế về Quyền Tự do mà họ đã ký kết năm 1982.

Ảnh: hình bên phải là bà Phạm Đoan Trang công bố Bản Báo Cáo Đồng Tâm, hình bên trái là bà Trang phải đi nạng sau bị an ninh Cộng sản chặn đánh gãy chân đứt dây chằng và phải phẫu thuật tại vào năm 2016, đến nay vết thương vẫn chưa lành.

Báo TAZ còn nhắc lại, vào năm 2017 tổ chức nhân quyền “People in Need” ở Cộng Hòa Tiệp (Czech) đã tặng cô Đoan Trang giải Người Với Người (Homo-Homini Preis), và năm 2019 tổ chức Phóng viên Không Biên Giới đã trao tặng cô giải “Tự Do Báo chí.”

Trung tâm PEN ở Đức tuyên dương Phạm Đoan Trang là thành viên danh dự; yêu cầu nhà nước CSVN phải trả tự do cho cô.

Giáo sư Nguyễn Quang A cho thấy một lý do khác khiến Đảng sợ Phạm Đoan Trang: Vì chính cái tội danh “chống nhà nước” họ cáo buộc cho cô đã là phi lý.

Ông viết: “xét về mặt nguyên tắc chẳng ai có thể chống lại một nhà nước cả, nhưng ai cũng có quyền chống một chính quyền khi chính quyền ấy làm bậy…”

Nhà báo Tuấn Khanh cũng nhìn thấy Đảng đuối lý. Vì đuối lý nên “văng tục.” Đảng sợ Phạm Đoan Trang vì cô “chủ trương đấu tranh bằng lý lẽ, chữ nghĩa.” Còn Đảng thì không nghĩ ra lý lẽ!

Bí quá, Đảng phải dùng những hành động thô bạo, ngôn ngữ, hạ cấp.

Tuấn Khanh kể lại năm 2017, sau khi Đoan Trang xuất bản cuốn Chính trị Bình Dân ở nước ngoài rồi bị bắt, cô được dẫn vào phòng giam.

Sau khi cô hỏi đi hỏi lại tại sao lại bỏ tù cô, không ai trả lời được một câu. Thay vì nói “tôi chỉ làm theo lệnh trên,” một anh công an trẻ chỉ tay vào mặt cô, quát lên, “Địt mẹ con mặt l…!” Đó là thứ lý lẽ, chữ nghĩa quen thuộc của Đảng.

Bản án 9 năm tù chính là thứ ngôn ngữ “Đ.M.” của những kẻ vô học khi bị đuối lý. Nguyễn Quang A thấy bản án 9 năm giống như vậy: “… chỉ những kẻ yếu mới dùng đến những biện pháp đàn áp thô bạo như thế…”

Nhưng ông cũng thấy hậu quả là “chỉ khiến nhiều người quyết tâm hơn!” Hơn nữa, “nhiều người nhìn thấy hành động phi pháp của chính quyền, và như thế thực sự hại cho chính quyền.”

Ảnh: bất chấp sự đàn áp của chính quyền Cộng sản Việt nam, nhà báo Phạm Đoan Trang cùng nhà xuất bản tự do đã cho ra đời hàng loạt đầu sách có nội dung cổ súy dân chủ nhân quyền cho Việt nam

Một ngày sau bản án cho cô ĐoanTrang, nhà phản kháng Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm đã bị kết án tù 10 năm và 6 năm.

Bà Tâm góp mặt, như một phụ nữ đòi dân chủ tự do, cùng với Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…

Có lẽ Đảng Cộng Sản sợ các phụ nữ đấu tranh nhiều hơn nam giới. Vì khi họ lên tiếng nói ảnh hưởng sẽ mạnh hơn.

Những nhà lãnh đạo đầu tiên đòi độc lập cho dân tộc Việt Nam là các Bà Trưng và Bà Triệu. Quân Hán, quân Ngô đã đánh bại các bà. Nhưng Lịch sử mãi mãi ghi danh các vị nữ anh hào.

Lời nói sau chót của Phạm ĐoanTrang nói đến một phiên tòa của lịch sử: “Các anh, các chị có thể bỏ tù tôi và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay; nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ.

Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được.”

Sau khi đọc tin bản án 9 năm, Phạm Thị Hoài đã nhìn lại lịch sử nước Đức, nơi cô đang sống, nhắc lại một lời tuyên án: “Không có gì ô danh một dân tộc văn hiến hơn là khoanh tay chấp nhận sự cai trị của một tập đoàn lãnh đạo vô trách nhiệm và chỉ tuân theo những bản năng tăm tối. Nếu dân tộc này đã mất hết mọi phẩm giá cá nhân và chỉ còn là một đám đông vô hồn và hèn nhát, vâng, nếu vậy thì dân tộc ấy xứng đáng diệt vong.”

Đó là lời của cô sinh viên Sophie Scholl, 21 tuổi, kêu gọi người Đức chống Đức Quốc xã. Cô bị bắt và bị giết. Nhưng lời buộc tội của cô đã được lịch sử ghi nhớ.

Ảnh: Ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm

Phạm Đoan Trang cũng tuyên án. Sau cùng, Lịch Sử sẽ phê phán. Đảng Cộng sản sẽ không thoát tội trước phiên tòa của Lịch Sử.” Giáo sư Ngô Nhân Dụng nêu quan điểm.

Tại sao Đảng sợ Phạm Đoan Trang, có lẽ đó chính là tâm thế nhất quán và kiên cường của cô từ trước cũng như trong quá trình bị giam giữ trong tù, phần nào được thuật lại trên Facebook của Luật sư Ngô Anh Tuấn:

“– Trong suốt quá trình làm việc, bà Trang không hợp tác, không khai nhận và chưa từng nhận tội, thế nên nếu có clip nhận tội được tung ra dưới bất kỳ hình thức nào thì đó có nghĩa là nó bị cắt ghép, không đúng sự thật;

– Bà Trang đã từng bị biệt giam nhưng sau đó được giam chung với những thường phạm khác. Cuộc sống trong phòng giam rất khắc nghiệt, bà đã phải đánh nhau 07 lần nhưng bà vui vẻ kể rằng mình đều là người giành chiến thắng, dù là người yếu thế hơn;

– Trong một số lần lấy cung, điều tra viên có hỏi: “Nếu như án phạt sắp tới được tuyên rất nhiều năm, bà có nguyện vọng đi định cư ở nước ngoài không?”. Bà trả lời thẳng: “Không! Tôi chưa bao giờ có ý định đó!”. Bà Trang cũng cho biết thêm, bà không chấp nhận là vật để đổi chác với nước ngoài;

“Tôi không có câu kết nào cho bài viết này. Tôi nghĩ rằng gạch đầu dòng nào trong những câu chữ trên cũng đủ là câu kết cho một câu chuyện dài và những điều bà Trang nói có thể động tới tâm can của những người có lương tri. Với tính cách, tư tưởng và hành động của mình, nếu muốn chọn lựa một cuộc sống bình yên cho bản thân, cho gia đình, chắn chắn bà Phạm Đoan Trang đã không chọn cách quay về Việt Nam sau khi đã có cơ hội sống ở nước ngoài, điều này khiến nhiều đấng mày râu cũng phải cúi đầu.” Luật sư Ngô Anh Tuấn bộc lộ tâm sự:

“Với tôi, bà Trang là một cây bút thông thái, cần mẫn, chính trực nhưng cũng giống như một số người khác và phần nào đó là chính cả bản thân tôi, có lẽ chúng tôi đã sinh ra nhầm thời.”

Ảnh: Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang được trao giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Vụ nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án: Bộ Ngoại giao Mỹ và quốc tế phản đối

>>> Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế: ‘Kính phục Đoan Trang, lên án chính phủ Việt Nam’

>>> Dốt nát cộng với độc đoán sẽ thành giết người

Nguy hiểm cho ai?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023