Lao động mắc kẹt trong khu trọ giữa đại dịch: Sống mòn!

Link Video: https://youtu.be/U-3Og1rN_XA

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Chính phủ Hà Nội vào ngày 10/8 vừa qua đặt mục tiêu phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM trước ngày 15/9. Trong khi thành phố này đang là tâm dịch và số ca nhiễm đã lên đến con số hàng trăm ngàn, chiếm một nửa trong cả nước.

Chỉ trong hai ngày 11 và 12/8, thành phố đã ghi nhận thêm trên năm ngàn ca nhiễm mới và con số tử vong vì COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 đã lên đến hơn 3.800 trên tổng số năm ngàn ca tử vong trong cả nước.

TPHCM cũng đã hai tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố, chưa kể một số khu vực như Quận 4, Gò Vấp, Quận 12, Bình Tân, Tân Bình đã bị phong tỏa, cách ly kể từ tháng 5/2021.

Theo thống kê của giới chức y tế thành phố, nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại đợt tái bùng phát thứ 4 này được phát hiện nhiều ở các khu nhà trọ có nhiều lao động tự do, công nhân làm việc tại các nhà máy trú ngụ. Những người sống trong các khu trọ bị phong toả, cách ly gần như ở trong trạng thái “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Nhiều người lao động bị “kẹt” trong các khu nhà trọ bị phong toả (không muốn nêu tên vì lý do an toàn) chia sẻ mọi hoạt động của họ và gia đình hết ngày này qua ngày khác chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ nhỏ có vài mét vuông.

Bên em không thể đi ra ngoài được vì từ đường chính Mã Lò vào hẻm một đoạn rồi một đoạn nữa sẽ tới nhà trọ bên em. Nhà trọ bên em và các khu khác chung nguyên khu đó, có một lối ra đang bị chặn lại, bây giờ đang chặn thêm lớp ngoài nữa.

Việc phong tỏa cả tháng nay và không được đi ra ngoài do tình hình dịch bệnh thì khó khăn nhất là việc chủ động mua hàng hóa, vì chủ yếu là đặt online mà giờ đặt online người ta chỉ cho giao trong quận nên rất khó. Bữa em cũng đặt thử rồi thì chủ yếu là đặt rất lâu mới được, không có người nhận đơn.

Bên em vẫn có người kêu gọi được tài trợ nhưng chủ yếu là thực phẩm như gia vị, mì, gạo, một ít rau xanh, còn lại những thực phẩm tươi như thịt cá thì cá nhân vẫn phải tự chủ động tìm cách mua.

Xóm lao động sau chợ Long Biên im lìm, xe kéo hàng xếp thành dãy vì chợ đóng cửa chống dịch.

Hoặc như tâm sự của một công nhân đang ở trọ tại Quận Bình Tân cho biết:

Ở trong hẻm đây chứ không được đi ra đi đâu, cái này hẻm cùng, có mấy căn nhà trọ trong đây.

Lâu lâu có đồ từ thiện người ta cho gì mình ăn nấy chứ ở trong phòng trọ không đâu đi ra được. Nhờ mua đồ được thì mua, không được thì thôi.

Giờ khó khăn mà cũng không biết làm sao, cũng ráng thôi. Em ở đây hai vợ chồng, con em gửi về quê rồi. Ở đây có mấy mét vuông ở vòng vòng trong nhà hoài, không có phòng này tiếp xúc phòng kia, phòng ai nấy ở.

Nhiều người còn cho biết, họ cảm thấy hoang mang vì giới chức địa phương giăng dây tứ phía, đã vậy còn cắt cử nhóm giám sát người sống trong khu cách ly, khiến họ cảm giác như bị “cầm tù”.

Dãy trọ em có nhiều người lắm, không đi được, chỉ là có ai đem đồ hỗ trợ tới thì mình ra nhận. Trong đây thì đồ ăn không có, em đang mang bầu nữa, ở đây lâu quá, cả tháng hơn, em cũng đang khó khăn”.

Khu em trong hẻm 12 Lam Sơn, phường 2, Tân Bình, ở trong hẻm của toàn thể dân lao động, phòng trọ có 28 phòng, khu đấy giờ lập nhóm sát nhau trong cùng hẻm, giờ đang giăng dây”.

Bây giờ cách ly không cho đi ra khỏi khu ở, khó khăn lắm, đi làm cũng không được.

Đi đứng bất tiện, đi đâu cũng không được, muốn ra ngoài mua cái này, cái kia, đi chợ cũng không được, như đi mua thịt cá hay rau cải gì thì không có, chỉ được hỗ trợ bao nhiêu ăn bấy nhiêu”.

Khó chồng khó

Vừa khốn khó vì không được ra ngoài đi làm, mua đồ ăn, những người ở trọ còn cho biết họ gần như “quẩn trí” vì hóa đơn tiền thuê nhà, chi phí hàng tháng vẫn đến đều đặn, không thiếu kỳ nào:

Mỗi tháng đóng tiền phòng, tiền này kia, mua cái gì cũng mắc mà không đi làm. Em có ba người, mỗi tháng đóng 4 triệu mấy tiền phòng nhưng có dì cứu trợ em”.

Ở nhà cả tháng vẫn phải chi tiêu mà không có nguồn thu nhập nào, gần cạn nguồn tài chính”.

TPHCM vào ngày 5/8 vừa qua đã triển khai gói hỗ trợ lần hai hơn 900 tỷ đồng nhằm giúp những người đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tuy thành phố cho hay gói một đã hoàn thành 100% vào ngày 3/8 và gói hai phải xong trước ngày 10/8, nhiều người dân cho hay vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

Do đó, nhiều người cho rằng thay vì ngồi chờ nhận hỗ trợ, họ chỉ trông ngóng mong sớm có kết quả test nhanh lần cuối, để nơi mình sống sớm được dỡ bỏ lệnh phong tỏa cho cuộc sống đỡ áp lực.

Bây giờ em không biết chừng nào hết dịch, chừng nào mới được thả ra để đi làm, chứ vậy hoài thì chắc có lẽ không có gì ăn, có gì nấu đó. Nói chung ăn hột vịt, hột gà hỗ trợ, đồ khô chứ không có gì”.

Khu em trước mắt phải test thêm lần nữa và xác nhận không có ca dương tính sẽ được đi ra ngoài, có thể đi làm việc, có giấy thông hành, còn gia đình có phiếu đi chợ.

Những khu trọ đã test 4, 5 lần như bên em tình hình phong tỏa cũng đã lâu thì ưu tiên những khu phong tỏa lâu, test cho họ lần cuối xác nhận có ca dương tính nào nữa hay không để có thể dỡ phong tỏa cho người ta đi lại. Biết là đi lại bây giờ khó khăn, ra ngoài cũng có khả năng bị lây nhiễm nhưng đối với ai có nhu cầu đi làm thì người ta vẫn có thể đi ra ngoài được”.

Hôm 10/8, ông Lê Minh Tấn –Giám đốc sở Lao động TBXH TPHCM cho biết gói hỗ trợ 900 tỷ sẽ được đẩy nhanh thực hiện để đến ngày 15/8 tất cả người trong diện được hỗ trợ sẽ nhận được tiền. Tuy nhiên ông Tấn lưu ý không phải người lao động ở xóm trọ, khu phong tỏa nào cũng được hỗ trợ mà ai thực sự khó khăn mới được hỗ trợ và không phân biệt tạm trú hay thường trú. Kinh phí được chuyển trực tiếp hoặc chuyển khoản cho bà con.

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/workers-stuck-in-hostels-in-the-middle-of-the-pandemic-08122021150130.html

Kasse animation 7.8.2023