Link Video: https://youtu.be/D8jH89pU0oo
Dân Sài Gòn đùa bảo nhau chúng ta đang được nghỉ Tết lần thứ 3. Kỳ nghỉ Tết bất đắc dĩ thứ 2 bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/7 và kỳ nghỉ Tết ép buộc thứ 3 bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/8.
Nhưng khác với kỳ nghỉ Tết thực sự, khi đồ ăn thức uống nhà nào cũng ê hề, trong kỳ nghỉ Tết thứ 3 không ai muốn này, dân Sài Gòn quay cuồng lùng mua mọi thứ!
Trưa “mùng 5” của kỳ nghỉ Tết thứ 3, bà má của Văn – anh chàng khờ trong xóm, ngồi bó gối trên bậc cửa, than với tôi: “Nhốt trong nhà mấy tháng nay, ê ẩm hết cả người em ơi. Sống gì khổ quá, thèm thứ gì cũng không có mà mua, đem bắn tui đi cho rồi!”. Tôi hỏi “Chị đã nhờ tổ trưởng đi chợ hộ chưa?” – “Không cần em ơi, khỏi phiền, nhà còn gì ăn nấy.”
“Khỏi phiền” chỉ là một cách nói, vì tôi biết phải bó gối trong nhà gần hai tháng, má con Văn khó khăn lắm rồi.
Mòn mỏi ngóng ‘đi chợ hộ’
Mãi đến hôm 26/8 – “mùng 4 Tết“, bà tổ trưởng chỗ tôi xuất hiện với thông báo ai cần mua cái gì thì ghi ra giấy đưa cho bà, nhưng đừng mua nhiều quá.
Vì một tuần chỉ được đi chợ hộ một lần, tôi ghi nhanh 3 món sắp hết trong nhà và đưa ngay cho bà.
Qua ngày 27/8, bà tổ trưởng kêu mọi người ra đầu hẻm tự nhận hàng của mình và gửi tiền. Trong túi hàng của tôi chỉ còn 2 món vì món thứ 3 đã hết, tôi hoan hỷ nhận và cảm ơn bà.
Không riêng gì tôi mà hầu như túi hàng của bất kỳ ai cũng không đầy đủ, chỉ vì siêu thị đã hết hàng, như một trái dừa, một bịch kim chi, một vỉ trứng gà, một túi rau thơm – những thứ mà chỉ cần mở cửa chợ, người dân tha hồ chọn lựa.
Chỗ tôi ở thế là may mắn, khi phường khoán cho từng tổ tự tính với nhau, không áp dụng bất kỳ phiếu đăng ký mua hàng nào giống như các phường khác.
Bạn tôi ở Bình Tân kêu giá combo do siêu thị soạn và phường đưa xuống cho dân chọn giá vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng rất cao, vì cách gộp chung hàng như vậy chỉ có lợi cho siêu thị, còn người dân không thể loại trừ thứ họ không cần.
Một người bạn khác ở quận 5 kể phường đưa xuống danh sách có 8 combo khác nhau, mà combo nào cũng ghi chung chung, không hề có tên nhãn hiệu hàng, ai dám mua?
Người bạn ở Thủ Đức mới thảm, khi nhà đông trẻ em cần uống sữa nhiều mà đường link Bách Hóa Xanh cán bộ đưa xuống cho đăng ký mua “combo“, bạn vào website rồi vào cả group Zalo của Bách Hóa Xanh nhắn tin mà chẳng có hồi đáp vì… quá tải!
Với lý do như thế, sau gần hai tháng ‘mua lén, bán chui’ ở những cửa hàng không chính danh gần nhà, giờ dân Sài Gòn còn quay cuồng hơn với cơn khát đủ thứ hàng.
Vốn dĩ quen với nếp sống cứ bước ra đường là có người bán hàng, dân Sài Gòn sắm tủ lạnh cũng chỉ trữ được thực phẩm cả tuần hoặc 10 ngày là nhiều, đừng nói sắm tủ cấp đông!
Trong điều kiện các siêu thị ngưng cung hàng online, còn nhiều cửa hàng thực phẩm, tạp hóa… nhỏ lẻ không được phép hoạt động, người dân chỉ còn cách vào các chợ online của quận, tìm các cá nhân ‘bán lậu’ có thể ship hàng tận nhà.
Sau ngày 23/8, số người có nhu cầu mua trên chợ online quận tăng vọt, còn người bán giảm đi nhiều vì khó kiếm shipper ‘dám căng mình’ vượt chốt.
Sau ngày 23/8, chính quyền cấm shipper hoạt động ở TP.Thủ Đức và 7 quận, huyện, còn lại 14 quận, huyện chỉ cho phép shipper giao hàng trong quận, huyện nhưng lại trừ thực phẩm!
Nỗi khổ ‘giấy đi đường’
Chiều 27/8, thông tin trên các báo về việc TP.HCM thu được 3 tỷ đồng trong bốn ngày “thiết quân luật” vì có 2.400 người ra đường với lý do không chính đáng. Tất cả các báo đều không nêu chi tiết ít ra là vài trường hợp bị phạt, để công luận xem xét việc phạt đó là đúng hay tùy tiện.
Trước 0 giờ đêm 23/8, trong khi dân chúng đổ xô đi mua thực phẩm thì trong các sở/ban ngành, hàng dài người xếp hàng chờ đợi để được cấp giấy đi đường có hạn sử dụng trong một tuần.
Chỉ hai hôm sau, ngày 24/8 chính quyền lại ra lệnh từ 0 giờ 25/8, tất cả giấy cũ hết hiệu lực, phải đổi sang giấy đi đường do công an cấp.
Bà chủ trại hòm mà tôi quen biết đã gần như nổi điên khi ngày 24/8 vừa lấy xong mớ giấy đi đường chưa kịp đưa nhân viên sử dụng đã phải tất tả đi đổi giấy khác, mà lần này giới hạn chỉ có 10 giấy cho một trại hòm có hơn 40 nhân viên.
Điều trớ trêu nữa là loại giấy đi đường do công an cấp chỉ có giá trị từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, nên bà bảo “Xin vui lòng… chết trong khung giờ quy định thì bên mai táng mới phục vụ được“.
Bà thòng thêm: Xin các gia chủ nên miễn cho việc chọn giờ liệm, chọn giờ… thiêu hay chôn, mà cứ tuần tự xếp hàng chờ đến lượt.
Cũng vì vướng mắc không có giấy đi đường, hàng trăm đội nhóm từ thiện ở Sài Gòn đã tự động giải tán, không dám hoạt động giao cơm, giao thực phẩm cứu trợ người dân trong các xóm trọ nghèo, các khu cách ly.
Hôm 27/8, công an thành phố tuyên bố không cấp giấy đi đường cho các nhóm từ thiện nhỏ lẻ cung cấp oxy và các suất ăn, có nghĩa là đóng luôn cánh cửa cuối cùng của người nghèo và những bệnh nhân trở bệnh nặng cần cấp cứu tại nhà.
Người nghèo đã khổ càng thêm khổ. Còn các bệnh nhân cần oxy cấp cứu vốn trông cậy vào các nhóm cung cấp ATM Oxy miễn phí giờ biết gọi cho ai?
Nỗi phấp phỏng về mọi thứ ngoài tầm tay
Giờ dân Sài Gòn khỏe mạnh không chỉ thèm ăn đủ thứ quà sáng, quà chiều, quà tối mà còn phấp phỏng lo lắng: sợ các thiết bị điện và đường ống nước trong nhà bị trục trặc; sợ máy tính hỏng; sợ điện thoại hư; sợ trở bệnh (ngoài Covid) bất thình lình…
Nhà tôi hai tuần nay máy lạnh trở thành máy nóng mà không có thợ điện lạnh nào gần nhà để nhờ sửa. Ông thợ tôi quen sống ở quận khác, dù có muốn giúp cũng đành chịu.
Có buổi sáng, mở cái bếp điện từ nấu ăn, tôi hú hồn vì thấy nút bấm bỗng nhiên bị đơ không hoạt động. Giờ có tiền trong túi cũng vô dụng, vì có mua được cái khác để thay đâu?
Ai có thể yên tâm ở nhà trong khi cơm áo gạo tiền đều không có thứ gì?
Tôi nhớ đến anh thợ quen cắt tóc cho mình gần hai tháng nay không hành nghề được, có hai con nhỏ, trong đó một đứa bị bệnh nan y cần phải chăm sóc, mà đợt dịch thứ tư này chỉ nhận được 10kg gạo, 1 thùng mì gói và 200.000 đồng từ phường, còn đợt dịch trước đó chỉ được cho 1 triệu đồng.
Tôi nghĩ tới cô giúp việc theo giờ mọi lần vẫn có việc đều ở xóm tôi, mỗi giờ 60.000 đồng, giờ đành thúc thủ trong nhà với hai đứa cháu mất cha mà chưa nhận được gì từ khu phố hay phường.
Mới nhất, một đứa cháu bán bánh mì kẹp ở một phường thuộc Quận 6 cho biết lần đầu tiên từ khi dịch đến nay mới được gọi lên phường nhận trợ cấp: họ trao tiền mặt 1,2 triệu đồng và một túi quà (gồm gạo, mì, trứng, khoai lang, đồ hộp, nước mắm) của mạnh thường quân nhưng chỗ ký nhận lại ghi 1,5 triệu đồng!
Vào những buổi sáng sớm hay chiều tối, nhiều nhà trong xóm tôi bỗng vang lên tiếng kinh cầu nguyện. Có nhà vẳng tiếng kinh và bài giảng từ sư thầy, có nhà vẳng tiếng thánh lễ trực tuyến hoặc nhạc Thánh ca Công giáo.
Không nói ra, nhưng có vẻ như ai cũng đang có nỗi sợ hãi trước cuộc sống có quá nhiều bất trắc ở phía trước.
Song May