Mua thêm điện của Lào, Việt Nam ký giấy khai tử Đồng bằng Sông Cửu Long?

Link Video: https://youtu.be/tiEiu9eXIMU

Việt Nam và Lào đã ký kết ba Biên Bản Ghi Nhớ (MOU), sẽ mua từ 3.000-5.000 Megawatts điện từ các đập thủy điện của Lào trong vòng 10 năm tới. Giới khoa học môi trường lây nay chứng minh các đập thủy điện xây dựng trên dòng chính sông Mekong chảy qua Trung Quốc và Lào gây tác động bất lợi cho hạ nguồn, nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long.

Việt Nam sẽ nhập khẩu 3.000 đến 5.000 MW điện từ Lào giai đoạn 2020-2030 là tin được báo chí trong nước loan tải tuần trước, dẫn nguồn từ EVN – Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam .

Tin nói việc ký kết các hợp đồng mua bán điện đánh dấu bước tiến đáng kể trong quan hệ hữu nghị Việt Nam-Lào.

Cụ thể, hôm 28 và 29/6 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith, một loạt biên bản hợp tác đã được ký giữa EVN Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các chủ đầu tư thủy điện bên Lào.

Đó là Nhà máy Thuỷ điện Nậm Neun 1 (công suất 124MW), Nhà máy Thủy điện Nậm Mô 2 (công suất 120MW), và cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Yeuang, Nậm Tai, Nậm Sak tổng công suất 121 MW.

Từ năm 2016 Việt Nam và Lào đã thực hiện ký kết một số thỏa thuận gồm Biên Bản Ghi Nhớ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam với Chính phủ nước CHDCND Lào, liên quan đến hợp tác đầu tư các dự án thủy điện tại Lào, nhằm liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào; Hiệp định giữa Chính phủ Nước CHDCND Lào vào Việt Nam.

Việt Nam và Lào ký các thoả thuận hôm 28/6/2021 với sự chứng kiến của TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Nhà nước Lào Thongloun Sísoulith

Kế tiếp, năm 2019, Việt Nam và Lào ký Biên bản Hợp tác Phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ. Theo đó, Việt Nam sẽ nhập khẩu điện từ Lào với công suất 3.000 – 5.000 MW trong giai đoạn 2020-2030, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tính đến lúc này, qua các chủ đầu tư hai nước, một số nhà máy thủy điện Lào đã xuất khẩu điện sang Việt Nam, điển hình như Thủy điện Xekaman 1và Xekaman SanXay do Công ty Điện Việt – Lào là chủ đầu tư, cụm thủy điện Nậm Săm và cụm thủy điện Nậm Mô do Tập đoàn Phong-sub-Thạ-Vy là chủ đầu tư.

Nhà máy Thủy điện Nậm Mô 2 ở Xieng Khoang, Lào, có tổng công suất 120MW, mà Việt Nam vừa ký hợp đồng mua bán với Lào, dự kiến chính thức vận hành cuối 2022.

Vẫn nguồn từ EVN được truyền thông trong nước dẫn lại, Việt Nam đến giờ đã khai thác gần như tối đa nguồn tài nguyên thủy điện trong nước, vì thế việc mua điện từ các nhà máy thủy điện tại Lào là  cần thiết nhằm bảo toàn an ninh nguồn năng lượng quốc gia.

Dưới mắt chuyên gia thì chuyện mua điện của Lào đã rõ, song đừng quên Việt Nam từng phản đối mạnh mẽ khi Lào khởi công các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong chảy qua Lào. Câu hỏi ở đây là làm sao có thể vừa mua điện của nước bạn vừa phản đối họ về những tác hại đến môi trường và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Việt Nam không có quyền  cấm Lào xây nhà máy thủy điện ở dòng chính hay nhánh của Mekong. Sông chảy trong nước nào thì nước đó có quyền khai thác. Việt Nam chỉ có thể quan ngại hay phản đối ngoại giao thôi, là khẳng định của ông Đào Nhật Đình, một kỹ sư chuyên ngành về thủy lợi và môi trường.

Ông nói các dự án thủy điện lớn (nguồn chủ động) ở Việt Nam bị chậm tiến độ rất nhiều, trong đó dự án Long Phú 1 đang gặp trở ngại trong việc mua trang thiết bị, là một điển hình.

Hiện tại, các nguồn điện tái tạo như mặt trời và gió đang phát triển nhanh, đòi hỏi cấp bách phải có nguồn chủ động để cân bằng lại các nguồn bị động đó, và thủy  điện là một lựa chọn tốt, ông Đào Nhật Đình giải thích bổ sung.

Trong khi đó, kỹ sư thủy lợi Đỗ Tùng, làm việc tại  Canada và Mỹ hơn 35 năm trong vai trò tham vấn cho cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân và cả World Bank, từng về Việt Nam dự các hội thảo do EVN tổ chức tại Hà Nội và TPHCM, trao đổi với RFA qua điện thư và cho phép đài được dẫn lại như sau:

Theo tôi biết thì trước đây Việt  Nam có phản đối Lào về các dự án Xayaburi và Don Sahong trên dòng chính Mekong. Nhưng  sau đó khi Petrovietnam được phép đầu tư vào dự án đập Luang Prabang thì người ta nghĩ rằng Việt Nam đã thay đổi lập trường, nghĩa là từ vị trí phản đối những dự án trên sông Mekong do tác hại đến đồng bằng sông Cửu Long, trở thành vị trí nhà đầu tư vào việc xây dựng một dự án lớn như đập Luang Prabang

Lập luận của VN lúc đó là nếu không tham gia thì dự án sẽ được Trung Quốc xúc tiến, và như vậy thiệt hại sẽ nhiều hơn về phía Viết Nam”.

Vẫn theo quan điểm của kỹ sư chuyên ngành Đỗ Tùng, có thể suy nghĩ của những người cầm quyền ở Việt Nam khi quyết định mua điện từ các nhà máy thủy điện của Lào, gọi là hợp tác nghiên cứu, cũng nằm trong mô thức tương tự, nghĩa là sẽ có được những điểm lợi như sau:

Thứ nhất, VN sẽ có tiếng nói trong việc điều hành những nhà máy thủy điện này

Thứ hai, giải quyết được một phần nhu cầu năng lượng trong nước theo chiều hướng dùng “năng lượng sạch để offset (bù lại) phần nào tai tiếng về các nhà máy chạy than đang vận hành hay sẽ được xây dựng

Thứ ba, có lợi về mặt chính trị trong việc tạo ảnh hưởng với nước Lào”.

Tuy nhiên, kỹ sư Đỗ Tùng phân tích tiếp, cũng có những mặt bất lợi trong quyết định nhập nguồn điện từ Lào:

Việt Nam tự đặt mình vào thế có thể nói là  nhập nhằng, không có lập trường dứt khoát. trong việc bảo vệ Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi gần 20 triệu dân sinh sống

Công nghệ thủy điện đang trở thành lỗi thời, ngoài các vấn đề về môi trường và sinh thái, thủy điện không còn tính cạnh tranh kinh tế so với các dạng năng lượng tái tạo khác, trong lúc sự biến đổi khí hậu sẽ làm rõ nét hơn sự sai biệt này, (giảm giá trị sản xuất của các nhà máy thủy điện)

Điều thứ ba, mua điện từ các nhà máy thủy điện Lào  cũng là một hình thức ủng hộ kỹ nghệ thủy điện của quốc gia này, làm cho họ mạnh hơn và tạo động lực để họ xây dựng thêm nhiều dự án thủy điện trên sông Mekong. Điều đó không khác gì tự ký giấy báo tử cho Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Đó là những ý kiến mà kỹ sư chuyên ngành Đỗ Tùng tự đánh giá là hết sức khách quan có thể của một người tương đối am hiểu vấn đề.

Không có gì đáng ngạc nhiên là cái nhìn của một nhà phản biện, kỹ sư Trần Bang, từng tham gia xây dựng nhiều nhà máy thủy điện trong nước cho tới năm 2010, sau trở thành nhà hoạt động xã hội và môi trường. Theo ông, chuyện ký kết những Biên Bản Ghi Nhớ để mua thêm điện từ các nhà máy thủy điện Lào vừa mang ý nghĩa kinh tế vừa nặng phần quan hệ chính trị:

Bởi theo tôi được biết thì Quy Hoạch Điện VII của Việt Nam gần 20 năm trước đã có tính đến nhập khẩu điện từ Lào, chủ yếu từ Thuỷ Điện trên sông Mekông, vì giá rẻ và vì mối ‘quan hệ đặc biệt Việt- Lào

Công suất điện Việt Nam hiện nay tương đối đáp ứng nhu cầu, không còn tình trạng cắt điện vào giờ cao điểm. Nhưng theo công suất điện trên đầu người của Việt Nam so với các nước phát triển Âu, Mỹ thì còn thấp, Việt Nam vẫn cần đầu tư phát triển nguồn  điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng tăng

Việt Nam tham gia thầu và đầu tư thủy điện ở Lào từ khoảng hơn 20 năm trước đến nay, ông Trần Bang cho biết tiếp, vì thế việc ông Nguyễn Xuân Phúc và EVN ký mua điện của Lào có thể chỉ là thực hiện chiếm lược kinh tế chính trị của Việt Nam với Lào đã được chuẩn bị, đã và đang thực hiện từ trước:

Lào kinh tế kém, chỉ có vài lợi thế trong đó có Thuỷ Điện, nếu Việt Nam không giúp đầu tư xây dựng và tiêu thụ điện của Lào thì rất có thể Thuỷ điện và cả những cái khác của Lào rơi vào tay Trung Quốc. Như vậy Việt Nam sẽ bị trống lưng (phía Lào, với vài ngàn Km biên giới ) trong chiến lược đối phó với sự bành trướng thế lực từ phía Trung Quốc

Quy Hoạch Điện VII và Quy Hoạch cũ hơn trước đó, vẫn lời kỹ sư Trần Bang, ít chú trọng đến môi trường mà chỉ tập trung vào tốc độ tăng sản lượng điện đáp ứng nhu cầu tăng của nền kinh tế, giá cả thấp, nguồn tiền đầu tư dễ tìm. Đây một phần là do hệ quả, ông nói, của thời điểm công nghệ năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời…hãy còn rất đắt, cộng với tầm nhìn giới hạn về quy hoạch.

Bên cạnh đó, vẫn theo lý giải của kỹ sư Trần Bang, sự phản đối từ các tổ chức bảo vệ môi trường đối với các công trình hồ đập thủy điện quá mức cho phép trên dòng Mê Kong cũng như trên các sông lớn khác… luôn luôn mâu thuẫn với kế hoạch phát triển kinh tế, năng lượng của nhiều chính phủ, trong đó có Việt Nam:

Phát triển bền vững thiên về bảo vệ môi trường, và phát triển nóng thiên về Đô La/ đầu người, luôn mâu thuẫn, chỉ các nước văn minh, tự do dân chủ các phe mới tranh đấu với nhau và thay nhau lãnh đạo để tạo phát triển hài hoà, bớt đi tác động xấu về môi trường

Nếu Việt Nam không mua điện của Lào và một đối tác khác mua thì người ta sẽ có kế hoạch tiêu thụ điện, phát điện trong từng tháng, từng năm. Nhưng kế hoạch phát điện của thủy điện bao giờ cũng đi với việc xả nước và tích nước. Nếu Việt Nam tham gia được trong việc mua điện thì cũng sẽ tham gia được việc điều tiết, tích nước và xả nước. Để đối tác khác nhày vào mua điện, xây dựng và điều tiết dòng chảy thì còn có khăn nhiều hơn cho Việt Nam”.

Hiện EVN Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm về các hợp đồng mua bán điện với Lào. EVN là cơ quan độc quyền trong việc phân phối, điều tiết, cung cấp  điện lớn nhất của Nhà Nước Việt Nam.

Thanh Trúc

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/evn-signed-mous-to-buy-power-from-laos-hydropower-plants-08172021094449.html

Kasse animation 7.8.2023