Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn: TP. HCM ‘đang lúng túng’ trước Covid-19

Link Video: https://youtu.be/HLWoWhc2Cao

Thành phố Hồ Chí Minh dường như vẫn ‘đang lúng túng’ trong việc tìm ra phương án đối phó hiệu quả với tình hình dịch bệnh, một chuyên gia dịch tễ từ thành phố Sydney, Úc, nói với BBC News Tiếng Việt.

Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, vốn đã được áp dụng tại thành phố kể từ 9/7, được tiếp tục gia hạn thêm 14 ngày, bắt đầu từ 2/8.

Lệnh giới nghiêm được áp dụng bổ sung từ hôm 26/7, theo đó người dân không được phép ra khỏi nhà từ 6 giờ tói đến 6 giờ sáng hôm sau.

Tuy nhiên, các biện pháp này dường như chưa giúp giảm bớt các ca lây nhiễm, và thành phố tiếp tục là nơi bị Covid-19 tấn công nặng nề nhất.

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 26/7, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên ngành dịch tễ học, Đại học New South Wales và là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Australia, nhận xét rằng thành phố cần có những điều chỉnh thích hợp trong cách phòng chống dịch.

GS Nguyễn Văn Tuấn: Những gì đã và đang diễn biến cho thấy rõ ràng TP. HCM đang lúng túng trước việc chọn chiến lược chống và kiểm soát dịch.

TP. Hồ Chí Minh áp lệnh giới nghiêm để đối phó Covid-19

Không thể nào giảm số ca nhiễm xuống 0, bởi vì khi có một ca nhiễm phát hiện được thì đã có 5 đến 10 ca nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện, là các trường hợp chỉ có triệu chứng quá nhẹ hoặc không triệu chứng.

Sau đó, TP. HCM đã chuyển sang mục tiêu giảm số ca tử vong và biến chứng, đây là mục tiêu mà tôi từng góp ý ngay từ lúc đầu.

Tuy nhiên, có một mục tiêu quan trọng hơn mà thành phố cần làm, đó là cần phải bảo toàn hệ thống y tế.

Thứ nhất là cần phải lên phác đồ nhập viện và nhận dạng những người nhiễm mà có nguy cơ cao. Giới chức y tế nay mới bắt đầu chuyển sang cho nhập viện những ca nặng, còn các ca F0 nhưng không bị nặng có thể để chăm sóc tại nhà. Đáng lẽ chính sách đó nên được áp dụng từ nhiều tuần trước rồi.

Thứ hai là cần phải tiêm chủng ngay lập tức cho nhân viên y tế, gồm cả y tế tư nhân. Trong miền Nam, y tế tư nhân rất mạnh, và đây là những người có thể đóng vai trò rất quan trọng, quan trọng hơn cả những người làm việc trong bệnh viện. Cần phải ưu tiên tiêm cho họ để họ chăm sóc những người cách ly tại nhà.

BBC: Giáo sư đánh giá thế nào về tình hình dịch bệnh tại TP HCM những ngày tới và năng lực y tế của thành phố?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tất cả các mô hình dự báo đều sai. Nhưng điều đó không có nghĩa những mô hình đó là vô dụng. Bởi vì những mô hình đó được đặt trong trường hợp xấu nhất.

Sử dụng những số liệu từ Cơ quan Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cung cấp, theo tính toán của tôi thì trong trường hợp xấu nhất, số ca nhiễm có thể tăng lên chừng 10.000 – 15.000 ca một ngày.

TP. HCM với cơ sở vật chất hiện nay thì chỉ có thể kham chừng 40.000 ca nhiễm một ngày.

Số giường bệnh ICU rõ ràng là không đủ. Quan trọng hơn, máy thở ở TP.HCM và tất cả các nơi tại Việt Nam đều thiếu nghiêm trọng.

BBC: Đã có những loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị Covid-19 trên thế giới cho đến nay?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Cho đến nay chưa có bất cứ loại thuốc đặc trị nào đươc phê chuẩn cho điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhưng có một số thuốc đã được tái mục đích cho Covid-19.

Đây là những loại thuốc đã qua thử nghiệm lâm sàng và có hiệu quả, giúp giảm nguy cơ tử vong, giảm mức nghiêm trọng khi nhiễm bệnh, và giúp rút ngắn thời gian bệnh nhân cần nằm viện.

Cho đến nay chỉ có 5 thuốc là nằm trong nhóm có hiệu quả như vậy, còn tất cả những loại thuốc khác mà người ta quảng cáo trên mạng là đều chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng.

Loại thứ nhất, nằm trong nhóm corticosteroid, là dexamethasone, mà ở Việt Nam gọi là Corticoid.

Một loại thuốc khác nữa là Remdesivir. Đây không phải là loại thuốc mới mà là loại thuốc cũ sử dụng cho những bệnh nhân nhiễm Ebola.

Một loại thuốc khác nữa, từng được điều trị cho các bệnh viêm khớp dạng thấp, gọi là Tocilizumab. Thuốc này cũng được tái mục đích hóa để điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

BBC: Giáo sư có nhận xét gì về thứ tự ưu tiên tiêm chủng của Việt Nam hiện nay?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Người cần được ưu tiên là nhân viên y tế, gồm cả những người làm y tế tư nhân.

Nhóm thứ hai cần ưu tiên là những người trên 60 tuổi, có nơi nói là trên 65 tuổi, tại vì đa số 70% các ca nhiễm là xảy ra ở những người trên 60 hay trên 65 tuổi.

Nhóm thứ ba là những người tuy không phải ở độ tuổi cao đó nhưng họ lại có nguy cơ lây nhiễm cao vì phải tiếp xúc rất nhiều người, ví dụ như những người làm buôn bán lẻ, hay cảnh sát.

Số ca nhiễm của những người dưới 12 tuổi rất là thấp. Ngay cả những em bị nhiễm thì cũng bình phục rất nhanh. Do đó, tôi không thấy lý do gì cần phải đưa những người trẻ tuổi như vậy vào danh sách cần phải phân bố vaccine.

Nhưng đây là một vấn đề rất khó, vì những người lên danh sách đó có thể có một ý tưởng nào đó mà mình không biết được.

BBC: TP.HCM và Hà Nội đã tiến hành phun xịt khử khuẩn trên diện rộng để ngừa Covid-19. Giáo sư đánh giá thế nào về việc này?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Đa số những ca nhiễm xảy ra trong nhà, tiếng Anh gọi là indoor.

Indoor không phải chỉ là trong nhà ở mà trong các tòa nhà, văn phòng công sở.

Các nghiên cứu được thực hiện ở Trung Quốc, Châu Âu chỉ ra rằng 99% những ca nhiễm là lây lan trong không gian kín, tức là trong nhà, trong building, chứ không phải là ngoài trời.

Ngoài trời cũng có nhưng nó rất ít, dưới 1%.

Hơn 99% ca nhiễm xảy ra trong không gian kín (indoor)

Do đó, mình phun xịt ở ngoài đương nhiên không đem lại hiệu quả gì.

Theo tôi biết, tại Việt Nam nhiều người trong giới y tế công cộng, y khoa cũng lên tiếng như vậy nhưng mà không hiệu tại sao ở Sài Gòn người ta làm chiến dịch đó, rồi ở Hà Nội người ta cũng có chiến dịch đó.

Mình thực hiện chiến dịch mà không dựa vào chứng cứ khoa học thì rất dễ dẫn đến lãng phí, thậm chí còn nguy hiểm cho dân chúng, vì những hóa chất đó có thể gây tác hại cho những người bị như COPD, tức là nghẽn tắc đường phổi.

Theo tôi nghĩ thì không nên làm.

BBC: Theo Giáo sư, TP HCM cần làm gì để chống dịch bền vững?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Cần phải có một chiến lược lâu dài chứ không phải là cách đối phó như hiện nay.

Câu hỏi được đặt ra là bao nhiêu phần trăm dân số cần phải được tiêm chủng vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng?

Con số mà Việt Nam hay thường đưa ra là 70%, nhưng theo tính toán của tôi thì cụ thể thì không phải 70% mà có thể phải đạt ít nhất là 80%, tùy thuộc vào hệ số lây lan và hiệu quả của vaccine.

Vấn đề quan trọng là mình làm sao tạo ra được cộng đồng miễn dịch 80% dân số ở Việt Nam. Trong vòng vài tuần thì không thể nào triển khai được điều này. Ngay cả đến cuối năm nay, Việt Nam cũng không đủ vaccine và không đủ nguồn lực để triển khai vaccine cho một số lượng đông như vậy.

Chúng ta phải có chiến lược lâu dài. Nếu lockdown vĩnh viễn thì rất khó, nên tôi nghĩ các biện pháp y tế công cộng, giãn cách xã hội thì vẫn cần được áp dụng. Trong tương lai thì chúng ta vẫn còn phải sống với kiểu giãn cách xã hội này lâu dài, chứ không chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Bên Úc họ đã nghĩ đến chuyện đó rồi.

Thứ hai nữa là tôi nghĩ với những người nào đã được tiêm vaccine đầy đủ, thậm chí tiêm vaccine 1 liều thì mình cũng nên để cho người ta đi làm. Như chúng tôi phải ở nhà không thể làm việc vì được cả. Không nên bắt chước theo Úc này vì họ hiện khá khắt khe.

Và nếu chúng ta tập trung cho những cá nhân [được ưu tiên tiêm vaccine] như tôi đã nói thì chúng ta mở cửa kinh tế một phần là chuyện hoàn toàn có thể và chúng ta cũng nên làm như vậy.

Đúng là khi mở cửa kinh tế thì số ca nhiễm cũng sẽ tăng như ở Mỹ, ở Anh. Nhưng ta nên lưu ý rằng những ca phải nhập viện mới đây [ở các nước đó] thì 95% là chưa tiêm vaccine.

Cho dù có bị nhiễm virus corona thì chúng ta vẫn phải sống chung với nó, giống như sống chung với cúm mùa vậy.

Tiêm vaccine là chiến lược rất quan trọng, hàng đầu, cộng với giãn cách xã hội thì mới kiểm soát dịch bệnh về lâu dài và không làm tổn hại đến kinh tế.

Ngun: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58046689

Kasse animation 7.8.2023