Sao đảng viên, công chức Việt Nam ngại và lười học lý luận?

Một băng rôn cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ, tránh hình thức, khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận…là chỉ thị của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa sau hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bế mạc vào chiều 28/3.

Trong tư cách Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, của mỗi tổ chức Đảng, đồng thời cũng là vinh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

Vì sao trong khi kêu gọi quán triệt Nghị Quyết Đại hội Đảng XIII, được đánh giá là kết thúc thành công, thì trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lại yêu cầu ‘khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận’

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, cho rằng:

Cái này phải hỏi mấy ông tuyên giáo, tuyên huấn đó. Ngồi mà nghe nói đi nói lại những điều đã biết rồi thì người ta cũng ngán. Thường khi thông qua Nghị Quyết thì có quá trình đưa các dự thảo ra rồi góp ý kiến nghị, sau là giải thích theo tinh thần của Nghị Quyết đó, xong thì chấp hành rồi đi về chứ ít khi nào có thảo luận gì thêm. Vì như vậy nên nhiều người tới cho có mặt rồi tìm cách đi ra cà phê cà pháo. Câu mà ông Tổng Bí Thư nói rằng ‘đảng viên bây giờ nhạt Đảng lơ Đoàn’ thì đó cũng là một thực trạng thực tế

Còn về hình thức thì kỳ này gọi là giảng trực tuyến, địa phương câu vô mạng đều nghe được hết. Kỳ này người ta nói có một triệu đảng viên cùng nghe, thì nó mang hình thức là đến đó, có mặt, điểm danh, ký tên rồi cuối cùng là biến chứ không ngồi nghe lại cái đã biết. Có chuyện đó thôi”.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng, ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ lập lại tuyên ngôn sáo mòn, cũ kỹ, có tính áp đặt cả hơn nửa thế kỷ nay rồi.

Cái mới có chăng, theo ông Nguyễn Khắc Mai, là chuyện ‘tránh hình thức, khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận’ mà ông Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra như thừa nhận gián tiếp sự lơ là, chểnh mảng trong hàng ngũ cán bộ đảng viên, đặc biệt vào khi ở đâu cũng thấy tài liệu sách vở về đường lối chính sách đảng và  chế độ:

Có một chuyện khô hài là hồi tôi còn làm việc thì tôi được cử làm thư ký một đề tài gọi là Chính Sách Thế Hệ Trẻ, trong đó có vấn đề làm sao khuyến dụ bọn trẻ nó chịu khó học Mác – Lê Nin, học Hồ Chí Minh vân vân… Nhân trò chuyện với anh Nguyễn Khắc Viện lúc anh còn sống, thì anh Viện nói đùa rằng bây giờ mình phải tìm cách ra một lệnh cấm việc học tập nghiên cứu Đảng thì bọn trẻ mới tò mò, giống như ngày xưa Pháp nó cấm mình đi nghiên cứu Mác- Lê Nin thì bọn mình đã hăm hở tìm cách tìm tòi để xem Mác- Lê Nin nó là thế nào”.

Từ thí dụ này, ông Nguyễn Khắc Mai dẫn đến nhận định tiếp của ông rằng muốn cán bộ đảng viên đừng lười học tập và đừng ngại lý luận thì phải biến những gì họ cần học cần biết thành hiện thức và có sức thuyết phục:

Lý do chính là không hấp dẫn, cái nghi ngờ khoa học không có giải đáp và lại không cho phép đặt câu hỏi hoài nghi. Nghị quyết, lý luận, vân vân.. đều là một chiều, là nói lấy được. Năm trước nói vậy rồi năm sau  cũng nói vậy, thay đổi vài ba thuật ngữ vớ vẩn thôi. Bản thân Nghị Quyết hoặc lý luận Mác – Lê Nin đầy dẫy mâu thuẫn, có ai dám đặt những mâu thuẩn đó ra để giải đáp không

Ngay cả những câu nói kinh điển của Mác mà bây giờ các đảng cộng sản cầm quyền còn  không dám đưa ra, không dám tuyên truyền. Có những lý thuyết trái khoáy với đường lối, tư tưởng, quan điểm hiện đại của Nhà Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam  này. Học theo lối cũ, nhồi nhét mà không phát huy cái tư tưởng suy nghĩ độc lập của cán bộ thì con người sẽ phản ứng, sẽ chán”.

Lý do chính là không hấp dẫn, cái nghi ngờ khoa học không có giải đáp và lại không cho phép đặt câu hỏi hoài nghi. Nghị quyết, lý luận, vân vân.. đều là một chiều, là nói lấy được. Năm trước nói vậy rồi năm sau  cũng nói vậy, thay đổi vài ba thuật ngữ vớ vẩn thôi. – Nguyễn Khắc Mai

Với phương châm ‘lấy xây làm chính, lấy đẹp dẹp xấu’, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị rằng, cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp thực hiện việc quán triệt tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Ông nhắc lại, lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức phổ biến, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền phù hợp với đối tượng cán bộ, đảng viên hiệu quả thiết thực, tránh hình thức, khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên.

Ông cũng đề nghị các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, có sự thống nhất với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp trên và của cấp mình, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ.

Đối với blogger Tuấn Khanh, một cây viết phản biện, đây là những ngôn từ rất kêu:

Nghe rất hoa mỹ, rổn rảng nhưng thực sự trong đó chỉ một nội dung thôi. Thứ nhất là đường lối của đảng phải sâu sát, chặc  chẽ, không được lơi lỏng

Thứ hai, một đoạn quan trọng ông Nguyễn Trọng Nghĩa muốn nói là chú trọng đấu tranh phản bác cái quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm ‘lấy xây làm chính, lấy đẹp dẹp xấu’, cũng cố niềm tin vững chắc vào mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc

Đây là cái đoạn cho thấy những người cộng sản bây giờ không còn đủ khả năng đối thoại với thế giới thật bên ngoài. Bởi mình đã thấy trên mạng xã hội khi một Nghị Quyết, một dự án, một câu nói đưa ra đều bị phản bác, không phải bởi tập tính gọi là ‘anti social’ đâu, mà vì bản thân những cái đó cũng không thuyết phục được người ta, người cộng sản muốn nói lại cũng không nói được”.

Phải chăng đó là hậu quả của điều mà ông Nguyễn Trọng Nghĩa gọi là hình thức, là lười học tập và ngại lý luận. Theo blogger Tuấn Khanh đó chỉ là một phần, trong lúc nguyên nhân sâu xa chính là sự bất hợp lý trong vấn đề tuyên giáo:

Thực sự cộng sản Việt Nam ở giai đoạn cầm quyền rồi thì họ bắt đầu lơ là cái quan trọng nhất là cái vũ khi lý luận vốn trong chiến tranh là một công cụ sắc bén để tạo ra mội tiền đề tấn công, phản công, thậm chí là chiến thắng tinh thần trước khi có chiến thắng thực địa. Nói một cách khác, họ bắt đầu cảm thấy hoàn toàn mất đi cái vũ khí tuyên truyền, lý luận”.

Do vậy, blogger Tuấn Khanh trình bày tiếp, nhận xét của ông Nguyễn Trọng Nghĩa về sư lơ là trong học tập quán triệt để có thể lý luận chẳng khác nào một lời cảnh báo hay kêu cứu vậy:

Rõ ràng khi kêu lên như vậy là đảng đã thất bại về mặt xã hội trước các dư luận quần chúng nhân dân. Hai là lực lượng bảo vệ đảng về mặt lý luận và tuyên truyền giờ đây không đủ. Họ đang mệt mỏi và không còn đủ khả năng để đối phó dư luận quần chúng ngày càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong xã hội bạch hóa ở thời đại Internet”.

Ông trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa còn lưu ý là cần đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập và thực hiện nghị quyết một cách thường xuyên; biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc và không hiệu quả.

Ý cuối cùng mà Tuấn Khanh muốn nói là một quốc gia mà không có đủ hệ thống những người trí thức thật sự để giải thích đủ và đúng hành động của lãnh đạo, của chế độ. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đang nhìn thấy cái nguy cơ sắp tới là mặt trận tuyên truyền hoàn toàn vỡ trận. Dù có 90.000 dư luận viên, dù có 10.000 AK47 gì đó thì cũng vô giá trị bởi cả một hệ thống tuyên truyền dù được nuôi lớn bao nhiêu đi nữa cũng sẽ sụp đổ”.

Dưới mắt ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương ĐCSVN, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, vốn chủ trương cán bộ đảng ủy phải là người miền Bắc và phải có lý luận, kế đến là trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, nên can đảm trực diện và cố giải quyết tình trạng gọi là ‘hình thức, ngại học tập, lười học lý luận’ trong hàng ngũ cán bộ đảng viên hiện thời:

Thật ra cơ bản kết luận chính thức của những người lãnh đạo các thời kỳ đều khẳng định đường lối đảng, tư tưởng Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay  ho thế nhưng khó vào thực tiễn. Họ đã nhận thấy nhưng không tìm được cách giải quyết vấn đề này””

Điển hình Nghị Quyết Đại Hội XII, ông Nguyễn Khắc Mai viện dẫn, lãnh đạo Việt Nam cứ xoáy vào 3 bước đột phá trong lúc trên nguyên lý thì:

Đã nói đột phá thì chỉ có một và tìm cho được cái Số 1 đó để giải đáp. Bây giờ anh lại tham tới mức 3 đột phá thì không còn là đột phá nữa. Thế thì liệu cấp dưới có dám bàn vấn đề này không? Tôi gọi đó là phương thức bái lạy và tuân thủ, tức là cấp dưới nghe cho vui vậy thôi, giả vờ tâm đắc ‘ nghe các anh nói thì chúng em sáng ra’…  thế thôi!”.

Không dám lý luận, ngại phản biện để xây dựng là sự bi đát của tình hình sinh hoạt chính trị và tuyên giáo trong đất nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Khắc Mai kết luận.

Thanh Trúc

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-party-members-and-civil-servants-in-vn-not-enthusiastic-about-learning-socialism-ideology-03312021110013.html

Kasse animation 7.8.2023