Việt Nam: Xây tượng đài cũng “đội vốn”

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=1PSUc9bmyd8

Sau khi hoàn thành tượng đài N’Trang Lơng 67 tỷ, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục làm đường và sân xung quanh công trình với mức chi phí phát sinh thêm khoảng 90 tỷ đồng, đưa Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 trở thành công trình tượng đài có giá trị lớn nhất tỉnh nghèo Tây Nguyên này, hơn 167 tỷ đồng.

Ngày 26/12/2020 tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành công trình tượng đài N’Trang Lơng giai đoạn 1.

Truyền thông trong nước đưa tin, Tượng anh hùng N’Trang Lơng cao gần 20m đặt tại TP Gia Nghĩa, Đắk Nông. Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh (chủ đầu tư dự án), công trình đã hoàn tất việc dựng tượng và các bức phù điêu, nghiệm thu mỹ thuật.

Toàn bộ tượng đài được chế tác bằng đá xanh, trong đó phần tượng chính cao 13m và phù điêu cao 5,5m, rộng 27m. Tượng được đặt trên đỉnh đồi Đắk Nur (cách trung tâm TP Gia Nghĩa khoảng 2km).

Phần tượng chính thể hiện anh hùng N’Trang Lơng (người đã lãnh đạo người M’Nông khởi nghĩa chống thực dân Pháp đô hộ những năm 1912 – 1936).  Phần phù điêu dưới chân thể hiện bức tranh sinh hoạt hằng ngày và cuộc chiến chống lại kẻ thù xâm lược của các dân tộc Tây Nguyên.

Công trình khởi công từ năm 2015 với tổng kinh phí lên đến 167 tỉ đồng, đóng góp từ nhân dân, doanh nghiệp, ngân sách địa phương và trung ương. Trong đó, ngân sách tỉnh Đắk Nông bố trí 12,8 tỉ, còn lại là huy động từ các nguồn xã hội hóa.

Và cũng chính tại tỉnh Đắk Nông, 4 ngày sau đó, vào ngày 30/12/2020, một cổng trường đổ sập đè chết thương tâm 1 học sinh lớp 4. Điều đáng buồn là cổng trường sập lộ ra không hề có lõi thép sắt nào cả.

Ảnh 1: Tượng đài N’Trang Lơng được tỉnh Đắk Nông xây dựng với tổng kinh phí hơn 167 tỷ đồng

Facebooker Bích Nguyệt viết: “Khi các trường học không đảm bảo an toàn, thế hệ trẻ chủ nhân đất nước phải mất mạng vì chất lượng trường kém và xuống cấp thì tại sao tỉnh lại bỏ ra 167 tỷ đồng để hoàn thành tượng đài “kỳ vĩ” lúc này?”

Ngay lúc dịch bệnh và kinh tế cả nước khó khăn vô cùng, một tỉnh nghèo đói sống nhờ trợ cấp ngân sách từ tiền thuế các tỉnh khác phân bổ về mà tiêu hoang thế này, coi thường tính mạng học sinh thế này thì hết biết nói gì luôn!”

Sự việc khiến dư luận nhớ đến những câu thơ trong bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo miền Trung Trần Thị Lam:

Đất nước mình lạ quá phải không anh,

Những chiếc bánh chưng vô cùng kỳ vỹ

Những dự án cùng tượng đài nghìn tỷ

Sinh mạng con người như cái móng tay…

Nguồn tin cho biết trong ngày cuối tháng 07/2020 thời điểm đất nước đang oằn mình đối phó với đại dịch Covid-19, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã cùng một số đơn vị liên quan tới kiểm tra công trình Tượng đài N’Trang Lơng tại phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Bà Hạnh đã thúc phải làm sao cho công trình này hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Bình luận về sự việc này, facebooker Phạm Minh Vũ viết:

Đất nước đang ở giai đoạn khó khăn và đối diện nguy cơ sụp đổ nền kinh tế khi dịch Virus Vũ Hán quay trở lại, đã biến thể làm cho số người chết và người nhiễm tăng chóng mặt. Khi đợt 1 của đại dịch đã gây ra nạn thất nghiệp tăng cao, ước tính 30 triệu người bị ảnh hưởng, hơn 1 triệu người mất việc. Mặc dù các quốc gia khác như Mỹ, Úc Châu, Âu châu được chinh phủ hỗ trợ tiền mặt và lương thực thực phẩm cho công dân của họ, nhưng VN thì bịp dân trên Tivi. Y tế VN tự hào vì chiến thắng vang dội.

Khó khăn chưa qua, thì dịch quay lại không những làm tăng thêm tình trạng nghiêm trọng vì kinh tế đang kiệt quệ mà y tế VN gần như dùng hết lực bình sinh cố gắng nhưng đã bất lực trước biến thể mới của Virus này, nên phải nhờ đội ngũ y tế Cuba sang hỗ trợ.

Dịch bệnh đang nghiêm trọng như thế, đang nguy hiểm trăm bề như thế, các quan chức lại đua nhau xây tượng đài, vừa tốn kém tiền bạc, mà lại tốn một khoảng đất kim cương.

Trong khi Bệnh viện Trung ương Quảng Nam giữa tâm bão dịch thì thiếu thốn phải xin các nhà hảo tâm đủ các thứ để chống dịch, đội ngũ y tế thiếu thốn lo lắng nhưng Chính phủ VN hầu như rất ít quan tâm, Viện nhận mẫu xét nghiệm miền Trung quan trọng thì thiếu hóa chất thì các tỉnh thành lại ngạo nghễ để xây tượng Hồ chủ tịch, công viên hàng trăm tỷ đồng ngay lúc này thì lương tri các ông bà để ở đâu? Chính phủ VN không hỗ trợ tối đa như lời của các ông các bà rêu rao, xây tượng đài ngàn tỷ, xây nhà hát ngàn tỷ thì ký cái rẹt, còn chống dịch thì lại cò cưa đùn đẩy.

Hay là xây tượng bác để khi bị nhiễm Corona chỉ cần ra ngắm bác là hết bệnh chăng?”

Ảnh 2: Cổng trường đổ sập đè chết học sinh lớp 4 tại xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông hôm 30/12/2020, trụ cổng trường xây dựng bằng gạch không có cốt sắt

Và giờ đây, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, chính quyền tỉnh Đắk Nông vừa mới duyệt chi thêm gần 90 tỷ đồng để làm sân và đường dẫn lên tượng đài anh hùng N’Trang Lơng.

Điều đáng nói là theo con số thống kê từ cổng thông tin Chính phủ tỉnh Đắk Nông, năm 2015, tổng số thu ngân sách nhà nước của tỉnh Đắk Nông chỉ hơn 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2019, tổng số thu ngân sách nhà nước của tỉnh này tăng lên hơn 2.600 tỷ đồng, vẫn trong nhóm 10 tỉnh có số thu ngân sách thấp nhất cả nước.

Tháng 04/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 514/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk để cứu đói cho Nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2020. Theo đó, tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ 326,340 tấn gạo.

Tuy nghèo, thu ngân sách ‘đội sổ’ nhưng lãnh đạo tỉnh này vẫn quyết định chi cả trăm tỷ đồng cho việc xây dựng tượng đài.

Đặc biệt là Đắk Nông thời gian gần đây không chỉ có mình tượng đài anh hùng N’Trang Lơng, , Đắk Nông cũng vừa hoàn thành tượng đá “Cá chép hóa rồng phun nước” nặng 21 tấn tại thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil. Công trình làm bằng đá cẩm thạch trắng với chi phí xây dựng hơn 11 tỷ đồng. Trước đó, công trình Di tích lịch sử Nam Nung (tại xã Nam Nung, huyện Krông Nô) được xây dựng gần 30 tỷ đồng, xây dựng xong thì bỏ hoang, không ai chăm sóc.

Dự án xây dựng tượng đài ở tỉnh Đắk Nông chỉ là một trong rất nhiều là công trình tượng đại bị lên án tại Việt Nam bởi hiện tượng phổ biến ở Việt Nam là xây những tượng đài hàng chục tỷ, cuối cùng là quá khả năng ngân sách.

Bản thân công trình Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 nếu tính con số kinh phí cho dự án ngay từ ban đầu là 50-60 tỷ đồng thì dự án đã đội vốn lên hơn 100 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao lại các địa phương đua nhau xây tượng đại mà không phải là đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đầu tư vào nhà thương, trường học hay xóa đói giảm nghèo.

Tài khoản facebook tên Thảo Ngọc lý giải: Nếu các công trình khác như đường sá, cầu cống hay nhà cửa mà rút ruột nhiều quá thì sau khi đưa vào sử dụng sẽ bị xuống cấp và lòi ra ngay. Như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi 34,5 ngàn tỷ, vừa làm xong đã bị hỏng do…trời mưa. Đã có hàng chục ‘đồng chí’ bị kỷ luật.

Còn tượng đài thì vô thưởng vô phạt, dù là ai thì cũng chỉ là cục bê tông không biết nói, vì vậy tha hồ rút ruột chia nhau. Công trình càng lớn thì các quan ‘đớp’ càng nhiều.

Ảnh 3: Tượng đá Cá chép hóa rồng ở thị trấn Đắl Mil (Đắk Nông)

Facebooker này nhận định qua việc người ta đua nhau xây tượng đài cho thấy các nhân vật lịch sử đặc biệt là hình ảnh ông Hồ Chí Minh đã bị lợi dụng tối đa. Họ coi hình tượng ông Hồ Chí Minh như miếng thịt lợn, đem “lật đi lật lại”, đem chiên để thi nhau chấm mút.

Cũng may là ông chết rồi nên không biết độ nóng của dư luận chửi bọn lợi dụng ông như thế nào. Nếu ông còn sống chắc ông chửi thẳng ba đời nhà chúng nó đưa ông ra làm tấm bình phong che chắn cho chúng tham ô tiền thuế của dân.

Nếu Tố Hữu còn sống, không biết ông sẽ nghĩ gì về thế hệ đàn em bây giờ đang ra sức làm cái điều mà trước đây ông mạt sát, mắng chửi và cho là nhảm nhí xằng bậy không nhỉ? Tố Hữu từng lên án Mao Trạch Đông cho xây “tượng đồng phơi những lối mòn”.

Còn bây giờ, tượng đài không “phơi” ở những lối mòn như bên Trung Quốc, mà nằm chình ình trên những khu đất rộng hàng mấy chục héc-ta. Vì vậy dù dân Sơn La, Đắk Nông và những nơi khác dân không chết đói tức thì như thời Mao, mà có chết là chết từ từ. Nhưng trước khi nhắm mắt xuôi tay thì họ cũng đã được an ủi bằng cách đi ngắm tượng đài cho đỡ đói.

Cái tượng đài đẹp nhất, vĩnh cửu nhất không phải là những khối bê tông cao mấy chục mét trên diện tích mấy chục héc-ta. Mà là tượng đài ở trong lòng dân.

Vì: “Thương dân  dân lập bàn thờ

Hại dân dân đái sập mồ thối xương”.”

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng, khi trả lời RFA, cũng nhận định:

“…đây là cơ hội để họ có thể tham nhũng, họ có thể xà xẻo tiền. Rất nhiều địa phương nhiều nơi thích xây quảng trường vì rõ ràng việc xây quảng trường mình nghĩ họ sẽ ăn được nhiều tiền từ đấy vì rất khó nghiệm thu đánh giá giá trị công trình, tiền chi ra chi vào thế nào, rất trừu tượng.”

Nguyên Bộ trưởng Thương Mại Lê Văn Triết giải thích về việc những tượng đại tiền tỷ liên tiếp lên ở Việt Nam như sau:

“…những người muốn xây là họ muốn lấy le, tôi có tượng này tượng nọ để xưng hô với các địa phương khác, nhất là những người muốn có thế để nhảy vào cuộc, tham gia vào đại hội các cấp, đại hội toàn quốc… họ bất chấp tiền nong đó, họ cố bòn rút để làm chứ đâu phải họ tự bỏ tiền ra làm.”

Cần phải nói thêm là kể từ thời điểm ngày 25/07/2012, lãnh đạo trung ương và địa phương tỉnh Đắk Nông đặt đá xây dựng Tượng đài anh hùng N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên dự kiến hoàn thành vào năm 2014 với kinh phí xây dựng khoảng 50-60 tỷ đồng, công trình này liên tiếp có những sai phạm.

Công trình này nổi tiếng trong dư luận những năm 2017 khi “tượng một đằng, móng một nẻo”.

Trong quá trình xây dựng công trình này có nhiều sai sót trong thiết kế, thi công. Phần móng chịu lực thiết kế ban đầu chỉ hơn 1.100 tấn nhưng phần tượng đài và phù điêu lại lên đến 2.052 tấn.

Tỉnh Đắk Nông phải bỏ phần móng ban đầu và bổ sung gần 1,8 tỉ đồng để làm móng mới. Kết luận thanh tra sau đó chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác đánh giá hồ sơ dự thầu và quản lý dự án, quản lý chất lượng thi công công trình.

Một câu chuyện khác khiến công trình cũng trở nên nổi tiếng là chính quyền tỉnh đã huy động tiền lương của cán bộ nhân viên để làm tượng đài.

Báo chí trong nước loan tin công trình “Tượng đài N’Trang Lơng và Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936” được khởi công vào tháng 05/2015, đặt tại đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa trên diện tích 5,9 hécta. Tổng mức vốn đầu tư 146 tỷ đồng, trong đó một phần nhỏ từ ngân sách, còn nguồn chính từ quyên góp “xã hội hoá”.

Do hiệu quả huy động quyên góp từ khối doanh nghiệp đến nay còn hạn chế, vì các doanh nghiệp cũng đang rơi vào giai đoạn khó khăn, nên tỉnh đang quyên góp thêm từ tiền lương của cán bộ công nhân viên để xây dựng tượng đài. Mức độ quyên góp tuỳ từng giai đoạn, nhưng tỉnh cố gắng hoàn thành vào năm 2018.

Dư luận gọi đây là một ý tưởng dã man, ngu xuẩn hay điên rồ bởi khi mà các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì liệu lương của công nhân, viên chức có đủ sống không mà đòi quyên góp?

Điều đáng buồn là câu chuyện về tượng đài ở tỉnh nghèo Tây Nguyên Đắk Nông chỉ là một diễn biến thường thấy ở hầu khắp các địa phương trên đất nước Việt Nam ngày nay.

Đau xót nhất mà thực trạng “bên cạnh một tượng đài bỏ hoang là một bệnh viện dang dở” mà Facebooker Anh Đào lột tả:

Trong khi có những bệnh viện, bệnh nhân phải “chui gậm giường” thì có những bệnh viện ngàn tỉ đang “đắp chiếu”! Trong khi có những bệnh viện phải đắp chiếu vì thiếu vốn thì có những tượng đài vẫn cứ được dựng lên.

Xin bắt đầu từ câu hỏi “Tượng đài cho ai?” mà một tờ báo vừa đặt ra sáng nay, trước sự “thất thủ” của tượng đài 147 tỉ đồng N’Trang Lơng. Những người phê duyệt chắc chắn sẽ trả lời rằng “cho nhân dân” – một dạng thức trả lời không thể phản bác, không thể kết luận đúng sai.

Nhưng với nhiều người dân, có tượng đài cũng tốt mà không (hay chưa) thì cũng chẳng bớt khổ hơn. Một cách sát sườn, tôi tin có lẽ nhiều người nghèo không cần đắn đo nhiều sẽ trả lời bệnh viện mới là để cho dân.

Câu chuyện bệnh nhân phải chui gậm giường ở BV Ung Bướu TPHCM chẳng hạn, có trong đó cái gì đó giống như là cam chịu, bất lực. Bất lực từ phía những bệnh nhân – nạn nhân, bất lực từ phía những người quản lý ngành y tế.

Nhưng cần phải sòng phẳng: Không phải là không có những bệnh viện được xây mới, mà bởi chúng chìm lấp đâu đó trong mênh mông bể sở của sự đầu tư dàn trải, cũng còn bởi thứ tự đầu tiên trong xây dựng cơ bản cũng được cào bằng đâu đó.”

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Lo dân lật đổ – Đảng diễn tập bảo vệ Đại hội 13

>>> Kết thúc điều tra giai đoạn một với Tất Thành Cang, giai đoạn hai sẽ đến Lê Thanh Hải?

>>> Đảng “mơ” liêm chính – Cán bộ nhận quà

Việt Nam được nêu trong tài liệu mật về chiến lược an ninh của Nhà Trắng


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023