Đại hội 13: Vì sao Đảng không công khai kết quả nhân sự tại các hội nghị trung ương?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=b09H9BVK0hk

Câu trả lời tưởng như đơn giản: Đảng lãnh đạo toàn diện, công tác cán bộ là nội bộ. Tuy nhiên, sự bí hiểm như “trò chơi quyền lực”với những luật chơi phức tạp như các quy định về “tiêu chuẩn” hay “bầu cử, ứng cử”… đang thu hút sự chú ý của dư luận trong quá trình Đảng chuẩn bị nhân sự cán bộ lãnh đạo cao cấp cho Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 13.

Kết quả nhân sự không những không được công khai mà lại còn thuộc danh mục “tuyệt mật”.

Bài viết của Tiến sỹ Phạm Quý Thọ lý giải vấn đề nhân sự lãnh đạo đảng dưới góc nhìn thể chế việc sàng lọc, sắp xếp nhân sự đảng trong bối cảnh chuyển giao quyền lực đang gặp khó khăn.

Liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ

Để có thể chủ động “kiểm soát tình hình”, trước đại hội Đảng chính thức thường có phiên trù bị được tổ chức, trong đó quyết định ai sẽ giữ vị trí nào, trong cấp uỷ ở địa phương và cơ sở, và Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành ở trung ương.

Trong những nhiệm kỳ gần đây những hội nghị về cán bộ lãnh đạo chuẩn bị cho đại hội đảng ngày càng kéo dài và căng thẳng cho đến “phút chót”, đặc biệt trong chuyển giao thế hệ lãnh đạo và các chức danh “tứ trụ”: tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.

Sau những bất ổn thể chế chính trị trong hai nhiệm kỳ gần đây, công tác cán bộ đảng nói chung và việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng 13 nói riêng được đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Phú Trọng, người có thâm niên ở nhiều vị trí cao cấp của Đảng, nắm giữ hai nhiệm kỳ ở cương vị Tổng bí thư khoá 11 và 12, và từng trải qua giai đoạn “bất ổn” đã phát biểu: “Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ”.

Như đã biết, Ban chấp hành Trung ương khoá 12 trong năm 2020 đã tiến hành ba kỳ hội nghị về công tác cán bộ. Hội nghị 12 được tổ chức vào tháng 5/2020 “để thảo luận, cho ý kiến về: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII của Đảng”.

Hội nghị TƯ 13 – đầu tháng 10/2020 “đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII”.

Hội nghị TƯ 14 – tháng 12/2020 đã “bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII”.

Ảnh 1: báo trong nước gần đây đồng loạt đưa tin rằng “Phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật”

Tuy nhiên, Hội nghị 14 đã kết thúc trước kế hoạch và không phải là “cuối cùng” như dự kiến, mà theo thông báo, sẽ có Hội nghị 15 trước thềm Đại hội 13 cận kề, dự định tổ chức vào 25/1 đến 2/2 năm 2021,  để “cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ” những “trường hợp đặc biệt” tham gia BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII sẽ được trước khi trình BCH Trung ương khóa XII.

Ngoài ra, ngày 30/12/2020, hàng loạt báo mạng chính thống của nhà nước đưa tin về Quyết định: “Phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là “tuyệt mật” khiến dư luận đồn đoán về mức độ căng thẳng chuyển giao quyền lực.

Trò chơi quyền lực

Trong bối cảnh bất ổn thể chế, những yêu cầu về công khai kết quả nhân sự trở thành món hàng “xa xỉ”.

Những lý lẽ mọi việc cần công khai để “dân biết, dân kiểm tra, giám sát” như Đảng đã cam kết, và sự tham gia chính trị của quyền người dân được quy định trong Hiến pháp… trở nên lạc lõng, được cho là “không phù hợp”, thậm chí bị chỉ trích có “biểu hiện dân tuý”.

Như “trò chơi quyền lực” việc lựa chọn, bố trí nhân sự cấp cao của đảng ngày càng trở nên phức tạp, trong đó người chơi, nhất là người đứng đầu có vai trò quan trọng, có phẩm chất “đặc biệt”, sử dụng mọi cách kể cả thay đổi luật chơi để đạt mục đích.

Hơn thế, nếu đích đến là “vương quyền” thì sự chuyển giao sẽ nghiêm trọng hơn.

Các phương án nhân sự cấp cao được Bộ Chính trị cân nhắc và dự kiến trước khi trình Ban Chấp hành trung ương quyết định, Quy định 224/TƯ năm 2014 về bầu cử và ứng cử, loại bỏ tranh cử khiến cho việc bầu cử ở Đại hội đảng toàn quốc trở nên hình thức.

Việc bầu các chức danh nhà nước như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, các bộ trưởng… tại Quốc hội được tiến hành theo cơ chế “đảng cử, dân bầu” cũng chỉ là “hợp pháp hoá” các quy trình nhân sự của Đảng.

Ảnh 2: 8 gương mặt nổi bật trong Bộ chính trị đều đã quá tuổi theo qui định

Bởi vậy, Hội nghị Trung ương 15 có ý nghĩa đặc biệt khi “đáp áp” của trò chơi “vương quyền” sẽ được quyết định.

Có thể nhận biết các tiêu chuẩn và loại cán bộ lãnh đạo nào sẽ là “luật chơi” chủ yếu của “trò chơi quyền lực” trong điều kiện tập trung quyền lực bằng cách tăng cường chỉnh đốn đảng, chống suy thoái và tham nhũng trong nội bộ.

Trước hết, sự trung thành với đảng, phục tùng tuyệt đối chỉ thị cấp trên phải được đặt lên hàng đầu, mà biểu hiện cụ thể là phải trực tiếp tham gia vào quá trình này.

Bởi vậy, nhân sự đảng chuyên trách, đặc biệt trong các cơ quan nội chính, kiểm tra kỷ luật, tổ chức đảng, tuyên giáo, dân vận, và tất nhiên, cả công an và quân đội là những thành phần “đương nhiên” và sẽ chiếm ưu thế trong danh sách Bộ Chính trị.

Ngược lại, sự suy thoái của các nhà kỹ trị, lãnh đạo kinh tế vẫn tiếp tục là “nỗi ám ảnh” đối với “vương quyền”.

Họ sẽ không có nhiều không gian để tạo ra “nhóm lợi ích” hay “phe phái”.

Trong nhiệm kỳ khoá 12 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm và hàng năm đều tham dự các Hội nghị Chính phủ với các địa phương.

Mới đây, tại Hội nghị năm 2020 ông đã có bài phát biểu nhắn nhủ “… các cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay quyền và tiền, và một tài sản khổng lồ của đất nước, lại đang sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực…” và trong nhiệm kỳ 12 “đã có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số đồng chí bị xử lý hình sự.

Đáng lưu ý là, trong số đó có đến 53 đồng chí công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang…”.

Mới gần đây, hai uỷ viên Bộ Chính trị, những nhà kỹ trị kinh tế, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước và nguyên Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đã bị kỷ luật cảnh cáo.

Sau cùng, “trường hợp đặc biệt” sẽ là đích đến của “trò chơi vương quyền”, là bước lùi so với “tiêu chuẩn chung” nhưng sẽ là “bất ngờ” đối với nhiều dự đoán khi sự cân bằng của đồng thuận theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo bị phá vỡ.

Tóm lại, công tác nhân sự của đảng gắn liền với bản chất chế độ trong đó quyền lực là mục đích tự thân.

Ảnh 3: các đại biểu và lãnh đạo Đảng giơ tay biểu quyết trong hội nghị Trung ương 14 mới đây

Chế độ đảng toàn trị ra đời bởi cách mạng bạo lực, quyền lực là mục đích tự thân để tổ chức đời sống xã hội được theo một kế hoạch duy nhất dựa vào chủ nghĩa tập thể, và khát vọng đã biến nó trở thành tuyệt đối.

Cải cách và mở cửa để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường đã loại bỏ công cụ này, nhưng vẫn duy trì hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa để duy trì quyền lực.

Đây chính là căn nguyên của bất ổn thể chế, có thể sẽ lặp lại mang tính chu kỳ.

Mặc dù các nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỉ 19, như Lord Acton và Jacob Burckhardt đã từng chỉ ra quyền lực là cái ác tuyệt đối, nhưng quy tắc chính trị thực tế là các nhà lãnh đạo làm bất cứ điều gì để giữ quyền lực, lợi ích quốc gia chỉ là bình phong.

Để đạt được mục tiêu, những người lãnh đạo phải tạo ra quyền lực, và sự thành công tuỳ thuộc vào mức độ quyền lực mà họ giành được.

Lãnh đạo cần làm gương công khai tài sản và để dân giám sát!

Nghị định số 130/2020 của chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước ban đầu dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020.

Nhưng theo ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế cho báo chí biết, vì tính chất phức tạp của nghị định, nên chưa thể hoàn thành vào cuối năm 2020, mà sẽ bắt đầu từ ngày 1/1 và hoàn thành trong quý 1 năm 2021.

Những quy định mới trong Nghị định 130 sẽ cho phép ‘xác minh ngẫu nhiên với bất cứ người nào và không vì lý do gì’.

Ông Đinh Văn Minh giải thích nghị định này sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng chống tham nhũng, vì cho phép các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ một cách ngẫu nhiên.

Ảnh 4: Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần đây thường xuất hiện với hình ảnh đi không vững khiến nhiều người phải đỡ, do đã từng bị đột quỵ hồi năm ngoái. Tuy nhiên mới đây hồi tháng 8-2020, Thủ tướng cũng mới ban hành quyết định rằng thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cấp cao là tối mật

Bất cứ người nào cũng có thể bị xác minh, vào bất cứ lúc nào và không vì lý do gì.

Ông Minh cho rằng đây là cảnh báo cho tất cả những người muốn che giấu tài sản bất minh.

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn hôm 5/1, cho biết ý kiến của mình:

Nói vậy chứ có làm được gì đâu, có ai kê khai gì, lâu lâu có chỗ nổi cộm thì lại lôi ra… rồi lập hồ sơ, mở phiên tòa, rồi lại kết luận gây hậu quả nghiêm trọng do kém ý thức tổ chức… chứ có giải quyết gì đâu. Theo tôi muốn giải quyết vấn đề này phải nghiêm minh từ bên trong, từ trên xuống, nghiêm tức trong tổ chức thực hiện. Chứ không phải muốn nói gì thì cứ nói đại một cái, đưa ra văn bản này, văn bản nọ, nói thế thì ai nghe, ai làm, chả đi đến đâu, họ hết việc làm rồi…”

Theo ông Lê Văn Triết, nếu kê khai mà tài sản bị tẩu tán hay che giấu không khai sự thật, vi phạm quy định, nghị định về kê khai tài sản… thì phải bị xem xét để xử lý, như vậy mới công bằng trong xã hội, mới nghiêm minh trong việc kê khai tài sản và minh bạch trong việc sở hữu tài sản.

Việc xác định cán bộ phải kê khai tài sản theo Vụ trưởng Pháp chế Đinh Văn Minh, sẽ được thực hiện theo hình thức bốc thăm, chứ không phải tất cả cán bộ sẽ lần lượt phải kê khai tài sản. Điều này khiến dư luận lo ngại nghị định này cũng sẽ đi theo vết xe đổ của việc hô hào kê khai tài sản cán bộ trước đây.

Ảnh 5: Nhà báo Trương Châu Hữu Danh chụp ảnh trước biệt phủ hai mặt tiền của bí thư tỉnh Phú Yên

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, hiện là thành viên nhóm Lập quyền dân, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 5/1, nhận định:

Vấn đề kê khai tài sản cán bộ được đặt ra từ lâu, nhưng làm một cách hời hợt, không nhất quán, kiểu như làm cho có chuyện…

Thành ra dân không tin, bởi vì kê khai tài sản bất minh tỷ lệ rất thấp, chỉ có một hai trường hợp kê khai không đúng, người ta cho rằng đấy là trò tào lao đánh lừa dân. Bở vì bây giờ ai cũng thấy quan chức lãnh đạo từ huyện, từ xã đến tỉnh thì họ giàu kinh khủng, nhưng cách kê khai của họ làm dân không tin vào chuyện này. Họ cho rằng việc này là bày ra cho có vẻ là minh bạch rõ ràng, nên người ta không tin lắm vào biện pháp này.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, đầu tiên hết phải kê khai tài sản của những người thuộc Bộ Chính trị, những người này phải làm gương công khai rõ ràng, thì người dân mới tin được. Ông nói tiếp:

Thứ hai nữa, trong kê khai tài sản thì dấu hiệu bất minh rất rõ, một chủ tịch huyện mà có thể làm một tòa lâu đài nguy nga thì phải biết là tiền ở đâu? Bố mẹ anh có mỏ vàng để lại, hay anh có tài sản gì để có thu nhập như thế… thì cần làm cho rõ. Những việc kiểm tra tài sản lâu nay theo tôi là làm không tốt, làm một cách rất là trớt chát, như vị ở Yên Bái chẳng hạn… Tôi nghĩ phải làm một cách nào đó để dân có thể giám sát, nếu dân chỉ ra tài sản bất minh thì phải điều tra nghiên cứu đến nơi đến chốn nguồn gốc tài sản ở đâu…”

Đây là một vấn đề lớn hiện nay, liệu chính quyền có dám để cho dân giám sát? Mà với cung cách, thể chế chính trị như hiện nay thì không có giám sát, vì phủ bên phủ, huyện bênh huyện… Và như thế nó chứng tỏ một sự yếu kém của năng lực quản trị đất nước hiện nay.”

Ảnh 6: Biệt phủ Yên bái của gia đình Giám đốc sở Tài nguyên môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý, một thời xôn xao dư luận, nay đã chìm xuồng

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Đảng mục nát – Chính phủ đề xuất cấy nhân tài

>>> Việt Nam vẫn loay hoay với việc công khai tài sản quan chức

>>> Nguyễn Phú Trọng cho xử 3 nhà báo độc lập để trả thù?

Xử Vũ Huy Hoàng mà thiếu Hồ Thị Kim Thoa, điềm báo thất bại cho ông Trọng?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023