Hội nghị trung ương 13: Ghế “ngon” đã có chủ – Dân chỉ biết đứng nhìn

Link Video: https://youtu.be/QoQ7oVFakWU

Hôm 9/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị Trung ương 13 đã bỏ biếu biểu quyết đề cử ứng viên cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII với “kết quả tốt đẹp”, “thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị.”

Lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh rằng quá trình giới thiệu nhân sự này được thực hiện “khách quan, công tâm.” Tuy nhiên, số lượng và chi tiết danh tính của các ứng viên không được ông Trọng hay truyền thông Việt Nam tiết lộ.

Trước đó, Hội nghị 12 vào tháng 5/2020 đã thống nhất số Ủy viên Bộ Chính trị khoá mới gồm 17-19 người, số Uỷ viên Trung ương là 200 người, gồm 180 chính thức và 20 dự khuyết (giống khóa XII). Tại Hội nghị 13, số Uỷ viên Trung ương tổng cộng dự kiến nâng lên đến 227 người.

Nhận định về ứng viên tiền năng cho chức Tổng Bí thư, ông Cù Huy Hà Vũ viết cho VOA: “Trần Quốc Vượng, một người được dư luận đánh giá là “sạch sẽ” và hơn thế nữa, đã và đang nắm những cương vị “nội chính” chủ chốt cả trong Nhà nước lẫn trong Đảng, không chỉ trở thành người kế vị tất yếu mà còn là lựa chọn tối ưu của Tổng bí thư Trọng.

Theo các nhà quan sát trả lời phỏng vấn VOA, ngoài ông Trần Quốc Vượng, những tên tuổi được xem là sáng giá nhất và được nêu ra gồm các ông Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Lương Cường, Phan Đình Trạc và bà Trương Thị Mai.

Trước khi diễn ra Hội nghị 13, báo Công an Nhân dân đăng bài cảnh báo rằng “các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, tung tin sai trái, bịa đặt. Một trong những thủ đoạn nguy hiểm, thu hút sự chú ý của nhiều người là xuyên tạc công tác nhân sự, cán bộ của Đảng để chống phá.”

Trong tuần này, giữa lúc Hội nghị Trung ương 13 đang diễn ra ở Hà Nội, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được bổ nhiệm quay trở lại chức thứ trưởng Bộ Xây dựng mà ông đã nắm giữ vào năm 2011.

Ảnh: các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết của hội nghị

Với việc “thuyên chuyển công tác” này, giới quan sát tin rằng dường như việc ông Nghị có được bầu lại trong Ban chấp hành Trung ương sắp tới hay không? sẽ chứng tỏ quyền lực của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thời điểm này được xếp ở hạng nào?

Cũng bàn về những thay đổi về nhân sự trong nội bộ đảng, Blogger Bùi Thanh Hiếu tiết lộ thêm:

Trung ương 13 chốt chủ tịch Hà Nội, bộ trưởng KHCN và bí thư TPHCM.

Chánh văn phòng trung ương đảng, nguyên sĩ quan an ninh Nguyễn Văn Nên sẽ về làm bí thư TpHCM.

Đại hội đảng bộ Tp HCM sẽ bầu 4 phó bí thư, có khả năng hai người mới là Nguyễn Thị Lệ và  Nguyễn Hồ Hải.

Đến nay thì chưa rõ Nguyễn Thành Phong ở lại hay đi đâu. Cái này phụ thuộc vào đảng bộ TP HCM.

Đáng chú y là Lê Hoà Bình được chọn làm hạt giống, cán bộ nguồn để khoá sau nữa làm chủ tịch TPHCM. Anh em mua bán quan hệ nên chăm bẵm Bình từ bây giờ, đến kỳ 14 sẽ hái quả trúng mánh lớn.”,ông Bùi Thanh Hiếu nêu nhận định.

Cũng về phương cách quyết định nhân sự trong các kỳ đại hội Trung ương Đảng, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu đưa ra bài bình luận với tựa đề “THAY ĐỔI PHONG THUỶ” với nội dung như sau:

Vấn đề mấu chốt của Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 13 là nhân sự. Các mục khác không quan trọng. Vì các chỉ tiêu rồi sẽ thay đổi hàng năm. Những chỉ tiêu 2030, 2045 là viết để mà viết chứ không có giá trị thực tiễn. Ở nước ta, nhân sự viết các chỉ tiêu chứ không phải các chỉ tiêu quyết định lựa chọn nhân sự.

Chốt 227 nhân sự cho 200 vị trí (tỷ lệ là 1,135/1) – đây là tỷ lệ bầu cử kỳ lạ không có ở nước nào trên thế giới áp dụng.

Nó thấp xa so với tỷ lệ tối thiểu 2 chọn 1, tức là cần tối thiểu 400 đề cử cho 200 vị trí.

Ảnh: Giám đốc sở xây dựng Lê Hoà Bình được chọn làm hạt giống, cán bộ nguồn để khoá sau nữa làm chủ tịch TPHCM

Nhưng nhân sự cho 4 vị trí quan trọng nhất vẫn đang di chuyển vòng quanh trên bàn cờ mà chưa biết điểm dừng. Nó chờ vào ngoại lệ.

SỰ NGUY HIỂM CỦA NGOẠI LỆ LÀ TIẾP TỤC ĐẺ RA NGOẠI LỆ

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tháng 1/2016, lãnh đạo Văn phòng Trung ương cho hay các Ủy viên Trung ương khoá XI được giới thiệu tái cử phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn là không quá 60 tuổi; Ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư khóa XI tái cử không quá 65 tuổi.

Ngoài tiêu chuẩn trên, Trung ương khoá XI đã giới thiệu năm nhân sự là trường hợp đặc biệt – quá tuổi tái cử theo quy định, nhưng vẫn được giới thiệu để cơ cấu vào khóa mới.

Trong đó một nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bốn nhân sự ủy viên Trung ương, gồm ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Công an; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (hiện là Phó chủ tịch Quốc hội) và ông Huỳnh Phong Tranh, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ (được giới thiệu nhưng không trúng cử)”

Cái “đặc biệt” của Đại hội trước đang sinh ra cái “đặc biệt” cho Đại hội sau. Câu hỏi đang được quan tâm là tại Đại hội XIII sẽ có bao nhiêu trường hợp “đặc biệt” vượt 65 tuổi?

NGOẠI LỆ LÀ LUẬT CHƠI KHÔNG SÒNG PHẲNG

Không đội bóng nào đạt chức vô địch World Cup nhờ ưu tiên “trường hợp đặc biệt”. Không ai dành huy chương vàng Olympic nhờ “ngoại lệ”. Đấu trường vô địch không có tiêu chuẩn ngoại lệ. Những đấu thủ chân chính không bao giờ chấp nhận sự ưu tiên.

Chỉ có kẻ yếu mới đòi hỏi ưu tiên. Cuộc chơi có ngoại lệ là cuộc chơi không sòng phẳng.

Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị.

CÓ NƯỚC NÀO BẦU LÃNH ĐẠO THEO KHUNG TUỔI KHÔNG?

Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới quy định chọn lãnh đạo đất nước từ địa phương đến trung ương theo khung tuổi. Cụ thể là quy định tỷ lệ phần trăm % trúng Ủy viên Trung ương theo lớp tuổi dưới 50, 50-60, 61-65 và trên 65.

Căn cứ vào thực tế những nhiệm kỳ vừa qua, cũng như xuất phát từ thực trạng đội ngũ Ủy viên TƯ khóa 12 và khả năng để vào TƯ khóa tới, TƯ quy hoạch độ tuổi dưới 50 tuổi là từ 10 – 15%, 61 tuổi trở lên 10%, còn lại chủ yếu là độ tuổi 51 – 60

Ai đã “phát minh” ra công thức trong quản trị quốc gia thì dưới 50 tuổi chỉ có 10-15% người tài, còn 75-80% người tài nằm trong khung tuổi 50-60, 10% người tài thuộc 61-65 tuổi, và người tài nhất nước là sau 65 tuổi?

Gia đoạn 20-50 tuổi là thời kỳ trí tuệ minh mẫn nhất, sáng tạo nhất, sung mãn nhất của mỗi người. Tại sao lại quy định dưới 50 tuổi chỉ có 10-15% được phép cơ cấu vào UVTƯ?

Từ khi nào và ai đã đưa ra khung tuổi như trên vào bàu cử các chức vụ đứng đầu các tỉnh thành, các bộ ngành, chính phủ, quốc hội, và vị trí TBT?

Tuổi 40-50 không còn là trẻ, mà đã lên ông, lên lão. Quy định dưới 50 tuổi chỉ có 10-15% được phép cơ cấu vào UVTƯ là rào cản hạn chế các tài năng trẻ tham gia vào lĩnh vực quản trị quốc gia.

TRANH CỬ SÒNG PHẲNG

Quản trị đất nước là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Đủ 21 tuổi là có quyền ứng cử vào các vị trí quản trị đất nước. Không thể dùng khung tuổi tác làm tiêu chuẩn để gạt bỏ.

Nếu cứ quy định như Việt Nam hiện nay, thì sẽ không có Thủ tướng nước Áo 31 tuổi, và nữ Thủ tướng Phần Lan 34 tuổi sẽ không bao giờ có cơ hội thi thố tài năng.

Bởi không giới hạn tuổi tác mà TT Donald Trump 74 tuổi và ông Joe Biden 78 tuổi đang ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2021-2024.

Những người trên 65 tuổi, không cần phải là trường hợp ngoại lệ, mà vẫn có quyền ra tranh cử, miễn là một cuộc tranh cử sòng phẳng công khai, trên tập cử tri hàng triệu người trên toàn quốc.

AI QUYẾT ĐỊNH NGOẠI LỆ Ở ĐẠI HỘI XIII?

Bài toán ‘Ai sẽ thay thế TBT – CTN  Nguyễn Phú Trọng?’ đang dẫn đến bài toán ‘Có bao nhiêu ngoại lệ ?’ Chưa xác định được ngoại lệ thì chưa tiến hành Đại hội XIII. Sẽ còn có HNTƯ 14 nữa.

Càng nhiều ngoại lệ càng mất đi cơ hội của lớp trẻ hơn. Cuộc chơi tuy được điều khiển bởi một số người, nhưng quyền quyết định cuối cùng phụ thuộc vào lá phiếu của các Đại biểu Đại hội XIII.

THAY ĐỔI PHONG THUỶ

Số đông quan tâm đến ai sẽ là người đứng đầu, không phải vì ai nổi trội hơn, mà vì ai sẽ bớt bảo thủ hơn trong tiến trình cải cách.

Không phải là cuộc chơi sòng phẳng của số đông, lại không ai nổi trội hơn, có lẽ nên áp dụng luật chơi luân phiên. Bắc – Trung – Nam thay nhau luân phiên giữ vị trí TBT. Ít nhất thì cũng công bằng hơn phương án cố định. Ở mặt khác, đó cũng là cách thay đổi phong thuỷ.

Nhiều người sốt ruột. Một số đang cố cưỡng lại mệnh trời.” TS Nguyễn Ngọc Chu nêu quan điểm.

Từ Đài Bắc, Đài Loan, luật gia Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp Chí nêu ra nghịch lý rằng Đảng họp mà dân chi tiền, ông nói:

Một là tất cả những người đang đi dự Hội nghị trung ương đều đang hưởng lương từ tiền thuế của người dân, cái ghế họ ngồi họp, cái vé máy bay họ bay đến, cốc nước họ uống, bữa cơm họ ăn trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị đều từ tiền thuế của người dân, không có từ nơi nào khác cả, khoản đảng phí của họ rất ít.

Và toàn bộ tất cả những kinh phí tổ chức tất cả các Hội nghị trung ương, rồi tất cả những hội nghị ở địa phương, Đại hội ở địa phương và Đại hội toàn quốc diễn ra vào đầu năm tới, tất cả đều từ tiền thuế của người dân. Người dân là người chi trả cho tất cả những sự kiện đó.

Ảnh: Một đại hội Đảng bộ cấp xã với trang trí hoa tươi lòe loẹt

Thứ hai nữa, cơ chế mà họ gọi là làm nhân sự của đảng nó là một cơ chế hoàn toàn đóng, chỉ có đảng viên mới được tham gia mà thôi.

Thế thì ở đây có một điều vô cùng trái khoáy, toàn thể người dân đóng tiền cho đảng hoạt động và đi họp, nhưng chỉ có đảng viên mới được quyền tham gia vào quy trình làm nhân sự của họ mà thôi. Đó là điều theo tôi hoàn toàn bất hợp lý, không có một cái gì hợp lý ở đây cả.

Điểm thứ ba tôi quan tâm là cơ chế làm nhân sự của họ là một cơ chế cực kỳ ngược đời. Làm nhân sự thì làm sao người ta làm cho nguồn tuyển dụng của mình dồi dào và chất lượng cao, số lượng và chất lượng.

Thế thì về số lượng họ hạn chế chỉ trong phạm vi 4 triệu đảng viên mà thôi, họ bỏ qua hoàn toàn mấy chục triệu người còn lại, đó là điều hoàn toàn bất hợp lý…”

Đại hội của Đảng là đại hội của dân?

Từ Leeds, Anh quốc, nhà báo tự do, Song Chi nhận xét thêm:

Người dân chỉ đứng ngoài như đóng tiền thuế và ngó mà thôi, không biết ai như thế nào cả. Thành ra rất buồn cười ví dụ như vừa rồi ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nói một câu rằng ‘Đại hội của Đảng cũng là đại hội của nhân dân“.

Không, tôi không nghĩ thế, chẳng hề là Đại hội của nhân dân gì cả, là vì nhân dân hoàn toàn không có tí quyền gì vào đấy cả, dân không có quyền được biết gì hết cả.

Ví dụ như ai như thế nào, tính cách họ ra sao, năng lực họ như thế nào, đời tư rồi sức khỏe ra sao…, người dân hoàn toàn không biết gì cả, cho nên ở đây…

“… Họ có cảm giác như là ở trọ trên quê hương mình, họ không được tham gia vào chuyện ấy, còn chuyện đi bỏ phiếu cũng là đi bỏ phiếu cho có hình thức mà thôi, còn người Việt Nam hoàn toàn không được tham dự gì vào chuyện ấy cả.

Cho nên về chuyện nhân sự đảng, nếu họ có quan tâm thì chỉ có bàn tán vỉa hè là ông này lên, ông kia xuống, liệu sẽ vẫn tiếp tục là ba người hay là bốn hay là quay trở lại mô hình ‘Tứ trụ’ v.v…

Nhưng tôi thấy cũng có điều họ quan tâm đó là đảng có thay đổi hay không, hay là đường lối vẫn cứ tiếp tục độc đảng như vậy, đảng có một chút xíu nào dân chủ hóa hay không, thì đó mới là điều mà người dân quan tâm.” nhà báo tự do, Song Chi nhận định.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Lối thoát cho Đảng Cộng Sản Việt Nam: Tạ lỗi trước nhân dân và vứt bỏ CN Marx-Lenin

>>> Người Việt lệch pha với thế giới về quan niệm chính trị?

>>> Bắt Phạm Đoan Trang – Trọng, Phúc, Lâm cùng “đạp” lên Hiến Pháp

Lối thoát cho Đảng: Tạ lỗi trước nhân dân và vứt bỏ CN Marx-Lenin

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023