Bắt Tiến Sĩ Phạm Đình Quý – Bí thư Đảng lộng quyền, tiểu nhân

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=8u35MALT-Ds

Đúng một tuần trôi qua kể từ hôm võ sư – TS Phạm Đình Quý, giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng, bị công an Đắk Lắk bắt cóc, trưa nay, bố của TS Quý, võ sư Phạm Đình Trang cho biết, ông Quý bị bắt cóc từ tối 23/9, nhưng đến ngày 30/9 gia đình ông mới nhận được thông báo của công an… gửi qua đường bưu điện!

Gia đình ông Trang nhận được hai phong bì, đề người gửi là Công an tỉnh Đắk Lắk, người nhận là ông Phạm Đình Trang, có dấu của bưu điện Đắk Lắk đóng ngày 27/9/2020.

Văn bản được gửi là thông báo về việc bắt người bị tạm giữ trong “trường hợp khẩn cấp”.

Trong khi dư luận xung quanh vụ bắt cóc TS Quý ngày càng gay gắt, hôm nay có thêm một diễn biến mới, cho thấy khả năng phe nhóm Đắk Lắk sẽ không xuống thang – đó là Tạp chí Môi trường và Xã hội bị đình bản 2 tháng và bị phạt hành chính 50 triệu đồng vì đã “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng” trong bài viết: “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố ‘đạo’ luận án, gian dối học thuật?” đăng trong số đặc biệt 16/2020. Tạp chí này cũng phải thu hồi ấn phẩm có bài viết cung cấp thông tin vụ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đạo văn.

Thông tin về vụ đình bản tạp chí Môi trường và xã hội khiến dư luận “lề dân” hoang mang và bi quan. Có ý kiến cho rằng ông Bùi Văn Cường sẽ được điều động về Bộ 4T làm lãnh đạo, nên Cục báo chí mới xắn tay áo lên giúp ông. Người dân càng được dịp “sáng mắt, sáng lòng”, chứng kiến người tố cáo sai phạm bị bắt cóc, rồi bây giờ tiếp tục chứng kiến tờ báo đưa tin về sai phạm bị đình bản, bị phạt tiền.

Nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận định rằng “Đaklak sai bét nhè rồi”. Trên Facebook cá nhân của mình ông viết như sau:

Một tuần đã trôi qua, scandal C.A Đaklak bắt cóc vợ chồng TS Phạm Đình Quý, giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng vẫn trong thế lùm xùm, như cái xương mắc trong họng ông Bùi Văn Cường, Ủy viên TƯ đảng, Bí thư tỉnh ủy Đaklak cùng C.A tỉnh này. Nuốt không vô, khạc chẳng ra.

Những tưởng quyền uy của một Ủy viên TƯ đảng cùng danh nghĩa công an tỉnh Đaklak có thể che lấp hành vi rừng rú, họ ngang nhiên chà đạp trắng trợn lên luật pháp hiện hành.

Nhiều người đã lên tiếng, gọi đây là hành vi của phường lục lâm thảo khấu, chứ không phải công an, lại càng không nên có ở một Ủy viên TƯ đảng, Bí thư tỉnh ủy.

Họ phân tích, C.A Đaklak đã hình sự hóa một vấn đề dân sự. Đành rằng ông Cường có thể chọn cách kiện dân sự, nhưng cách lập luận chỉ được kiện dân sự như vậy chưa kín cạnh.

Ảnh 1: TS Võ sư Phạm Đình Quý và bên trái là ảnh chụp thông báo Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được ký ngày 27-9, tức là sau khi đã bắt giữ TS Quý được 4 ngày

Bộ luật Hình sự có điều 156 về “Tội vu khống“, với hình phạt tối đa là 2 năm tù và bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần.

Nhưng nghiệt ngã thay, vào năm 2017, cơ quan thẩm quyền của Đại học Hàng hải đã có văn bản kết luận ông Cường có sao chép (15%) để làm luận văn của mình.

Như vậy, việc đạo văn là có thật. Ts Quý không vu khống.

Dường như không vững tin hành vi bắt TS Quý là đúng pháp luật, nên ban đầu C.A Đaklak tuyên bố họ “mời làm việc” chứ không phải bắt tạm giam. Bị dư luận, báo chí và cộng đồng mạng phản ứng dữ dội, sau vụ bắt giữ trái phép vài ngày họ xoay sang khởi tố vụ án (không rõ đã khởi tố bị can và ra quyết định tạm giam, được VKS Đaklak phê chuẩn chưa? Coi chừng khởi tố bị can ẩu, tạm giam trái pháp luật thì ăn cho đủ khi phải bồi thường!).

Theo quy định tố tụng hình sự hiện hành, nếu C.A đã có trong tay quyết định khởi tố bị can và quyết định tạm giam, đã được VKSND Đaklak phê chuẩn, trước khi tiến hành bắt giữ, C.A phải thông báo cho gia đình, ĐH Tôn Đức Thắng, và phải có chứng kiến của đại diện nhân dân nơi vợ chồng TS Quý cư trú. Và việc bắt tạm giam chỉ áp dụng khi nếu để nghi can tại ngoại, có thể tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội, hoặc xóa dấu vết tội phạm, hay nghi can có thể bỏ trốn, nếu khung hình phạt là nặng (tử hình, chung thân, 20 năm…). Đằng này, TS Quý  công khai gửi đơn tố cáo ông Cường đạo văn đến các cơ quan hữu quan ở TW và báo chí, khá lâu rồi, mức hình phạt nặng nhất của tội vu khống chỉ là 2 năm. Rõ ràng, việc bắt tạm giam TS Quý không phải là biện pháp ngăn chặn cần thiết, mà là một kiểu lộng quyền, trả thù tiểu nhân, dằn mặt tùy tiện, bất chấp pháp luật.

Nhưng C.A Đaklak, để đẹp lòng quan đầu tỉnh, đã bất chấp mọi quy định của pháp luật tố tụng hình sự, bất ngờ bắt giữ trái pháp luật vợ chồng TS Quý trong lúc họ đi ăn tối ở một nhà hàng tại TP HCM, trước sự ngỡ ngàng của mọi thực khách tình cờ có mặt và chủ quán. Đã vậy, sáng hôm sau, họ thả vợ TS Quý, bắt cam kết không được cho ai biết vụ bắt cóc.

Ảnh 2: Kết quả kiểm tra chống sao chép bằng phần mềm TURNITIN của Đại học hàng hải Việt nam ghi tỷ lệ sao chép là 12% nhưng lộ ra mâu thuẫn rằng sao chép từ nguồn Internet là 6% và nguồn luận văn khác là 9%, lẽ ra 6% cộng với 9% phải bằng 15%

Cần biết rằng, theo quy định hiện hành của pháp luật, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

 Trong các thủ tục tố tụng hình sự của công an, không có khái niệm “mời làm việc“. Đây là trò nhập nhèm, lừa đảo, lạm quyền của cơ quan điều tra C.A, đã thành quốc nạn phổ biến, do Bộ C.A và các cơ quan bảo vệ pháp luật dung dưỡng.

Trách nhiệm xử lý vụ bắt giữ người trái pháp luật này trước hết thuộc về Cục Điều tra của VKSND Tối cao. Trên toàn quốc, chỉ có cơ quan này mới có thẩm quyền và trách nhiệm điều tra, truy tố các hành vi thuộc về nhóm tội “xâm phạm hoạt động tư pháp” (đối tượng vi phạm pháp luật là cán bộ, công chức trong các ngành C.A, VKS, tòa án, thi hành án).

Nếu thực hiện nghiêm túc chức trách, Cục phải lập tức ra Quyết định khởi tố vụ án “bắt giữ người trái pháp luật“, khởi tố các bị can liên quan. Đó là cách tốt nhất để giữ cho bộ mặt chế độ đỡ lem luốc thêm và tránh mắc phải “Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Đ369- BLHS).

Lạ lùng thay, cả tuần qua, khi cộng đồng mạng và truyền thông nước ngoài rầm rộ phản ánh, báo chí trong nước cũng lên tiếng, các cơ quan bảo vệ pháp luật hữu trách TW vẫn mũ ni che tai. Dường như uy tín đảng, nhà nước, danh dự quốc thể đối với họ có là cái gì?!” nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra kết luận.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ sự bất bình về vụ việc này:

Mình thấy người ta tố cáo sai phải đưa ra tòa án, kiện lại anh ta nói sai, bêu xấu tôi là không đúng, phải xử phạt anh ta. Luật lệ của Việt Nam cũng có luật để trừng trị những người tố cáo sai, vu cáo làm ảnh hưởng nhân cách, quyền lợi người ta thì tại sao lại không sử dụng luật mà lại chơi ‘luật rừng rú’, nhưng người Tây Nguyên họ văn hóa, văn minh ghê gớm lắm nên lên đấy là phải học văn hóa người ta mà sống, không phải biến mình thành thứ man rợ rừng rú mà ứng xử.”

RFA có liên lạc với Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn để hỏi rõ hơn về điều luật bắt giữ người trong luật pháp hiện hành và nhận được trả lời:

Riêng trong trường hợp ông Quý thì việc cơ quan điều tra tỉnh Đắk Lắk bắt ông Quý thì về phương diện pháp lý là hoàn toàn không có cơ sở để bắt vì ông Quý đang đeo đuổi một vụ về khiếu nại, tố cáo.

Ảnh 3: bản luận án tiến sỹ của ông Bùi Minh Cường tự nhiên biến mất khỏi trang Web của VIỆN ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM và sau khi dư luận nêu ý kiến quá nhiều thì nay lại đột nhiên xuất hiện, tuy nhiên chưa rõ là nội dung có bị thay đổi hay không

Việc khiếu nại, tố cáo của ông Quý thì lại chưa có sự kết luận là ông tố cáo đúng hay sai. Cơ quan công an điều tra vội nhảy vào để bắt ông tội vu khống.

Tội vu khống chỉ bắt trong trường hợp người ta tố cáo sai, còn đây sự tố cáo chưa kết luận. Riêng trong trường hợp ông Quý việc đặt vấn đề có sự trù dập đối với người khiếu nại, tố cáo là có cơ sở.”

Bên cạnh đó, Luật sư Mạnh cũng chỉ ra những vi phạm về thủ tục cũng như những điểm vô lý trong trường hợp bắt giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý của phía Công an tỉnh Đắk Lắk. Ông nói:

Những trường hợp bắt khẩn cấp được dùng khi hành vi tội phạm mang tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và được căn cứ vào mức hình phạt từ 7 năm trở lên. Trong khi đó tội danh theo Điều 156 thì hình phạt nặng nhất, cao nhất là 7 năm, nên nếu áp điều này vẫn là không đúng. Cái thứ hai là (vi phạm) cả quy định việc bắt giữ. Theo anh theo dõi và biết thì ông bị bắt vào 23 tây nhưng mãi đến 27 tây thì họ mới ra văn bản thông báo. Lẽ ra khi bắt thì họ phải thông báo ngay cho gia đình nhưng đến 4 ngày sau họ mới báo. Vi phạm không chỉ thủ tục bắt mà cả thời hạn thông báo cho gia đình biết.”

Nhà văn Đoàn Bảo Châu bình luận trên Facebook cá nhân rằng:

Lương tri của bạn đang thức, đang ngủ, đang đi chơi hay chết hẳn rồi?

Sáng nay dự định làm việc riêng nhưng sự việc tiến sỹ võ sư Phạm Đình Quý cùng học trò Hoàng Minh Tuấn bị bắt khẩn cấp bởi tố cáo Bùi Văn Cường, bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, đạo luận án tiến sĩ khiến tôi cảm thấy như mắc nợ, không thể không viết.

Ảnh 4: bài báo đăng trên Tạp chí Môi trường và Xã hội với tựa đề: “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố ‘đạo’ luận án, gian dối học thuật?”. Trong đó có ghi: luận án Tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường có 3 chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình xuất bản trước đó. Ngoài ra, Luận án còn có tình trạng trích dẫn tài liệu ngụy tạo như: Ghi trích dẫn tài liệu số 48, 49, 57 (tài liệu nước ngoài), nhưng thực tế hình vẽ và cách diễn giải thì lại lấy từ tài liệu tiếng Việt của Nguyễn Hữu Quyền với nội dung giống từng câu, từng chữ, từng hình vẽ với Nguyễn Hữu Quyền… Và nhiều nội dung khác mô tả rất chi tiết

Tôi không hề biết tới họ trước đây nhưng sự việc ngang trái này khiến tôi cảm thấy bất an bởi mức độ lạm quyền trầm trọng của công an Đắk Lắk.

Một xã hội muốn tiến tới công bằng, văn minh, thượng tôn pháp luật thì quyền lực không thể được dùng một cách tuỳ tiện như vậy được.

Điều đáng buồn hơn nữa là báo chí cũng vào hùa để biện minh cho việc bắt bớ này là hợp lý, họ nói rằng đây là việc bắt giữ khẩn cấp với người bị tạm giữ chứ không phải bắt khẩn cấp. Với tôi thì có uốn éo câu chữ thế nào, bản chất cũng vậy thôi.

Là một người đứng ngoài tôi có những quan sát sau:

Khi tố cáo ai đạo văn, thường người đứng ra tố cáo đã có bằng chứng trong tay, tiến sỹ võ sư Phạm Đình Quý khẳng định là luận án tiến sĩ của Bùi Văn Cường có ba chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình được xuất bản trước đó. Tiến sỹ Quý cho rằng ông Cường đã sao chép từ các công bố khác nhưng lại không trích dẫn nguồn tài liệu và trích dẫn tài liệu ngụy tạo. Luận văn này trên trang của ĐHHH được kéo xuống rồi lại đưa lên lại vài ngày sau khi dư luận đặt câu hỏi.

Sao phải loay hoay như vậy? Làm thế nội dung còn nguyên bản không?

Là một người lấy bằng tiến sỹ ở Trung Quốc, tôi tin là Phạm Đình Quý có đủ khả năng để thẩm định một luận án và khi đưa ra đơn tố cáo là có cơ sở. Phạm Đình Quý là một võ sư, xuất thân từ một gia đình có truyền thống võ học mà đặc điểm của người võ nói chung rất trọng danh dự và chính trực.

Ảnh 5: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nơi Tiến sỹ Phạm Đình Quý đang giảng dạy

Bùi văn Cường, người bị tố cáo đạo văn tiến sỹ hoàn toàn có thể chứng minh cho sự chính trực của mình nếu tiến hành khởi kiện để làm rõ trắng đen.

Tôi hiểu cái chức bí thư tỉnh uỷ nó to đến đâu và quyền lực đến đâu, việc dùng công an để bắt khẩn cấp người tố cáo mình là trong tầm tay nhưng đấy không phải là một cách làm đường hoàng và thượng tôn pháp luật.

Người nào đã đi trong con đường học hành ở Việt Nam thì sẽ hiểu là chất lượng tiến sỹ ở Việt Nam đến đâu, sự sao chép bừa bãi, nội dung nhợt nhạt đến đâu. Việc một luận án có những điều sao chép, ấy không phải là một làm cá biệt ở Việt Nam mặc dù trên mặt bằng hàn lâm của quốc tế, điều ấy là vô cùng tệ hại.

Điều đáng buồn, đáng sợ ở đây là việc dùng quyền lực để “cả vú lấp miệng em”, bịt đi tiếng nói của người dũng cảm, dám nói lên sự thật. Nếu đất nước này cứ bị quyền lực chi phối một cách vô pháp như vậy thì đấy là một thực trạng vô cùng đáng buồn, vô cùng đáng sợ bởi nó sẽ khiến giới trí thức chưa kịp thức đã phải giả vờ ngủ, lương tri chưa kịp đứng lên đã phải núp kín trong sự an toàn hèn nhát. Cả một đạo đức dân tộc, cả một tinh thần chính trực của một dân tộc sẽ bị cùn mòn và sa đoạ.

Tôi thường tự hỏi là mình có dở hơi quá không khi mà một sự việc không hề liên quan mà nó lại có khả năng chi phối thời gian và tâm sức của mình đến mức vậy. Nhưng nếu tôi chọn cách sống an toàn hèn nhát thì liệu tôi sẽ nhìn nhận bản thân như thế nào? Một cá nhân được coi là thất bại khi xã hội khinh bỉ anh ta nhưng nếu bên trong anh ta còn có lòng tự trọng thì đấy chỉ là sự thất bại bề ngoài, nhưng nếu anh ta khinh bỉ chính mình, đấy mới là một cái chết toàn phần bên trong.

Tôi không kêu gọi các bạn làm gì to tát, tôi chỉ kêu gọi các bạn hãy tự hỏi lương tri, lương tâm của mình đang ở đâu, đang thức, đang ngủ, đang bị bỏ quên, đang đi chơi hay đã chết hẳn rồi?

Xin hãy quan tâm tới sự việc nghiêm trọng này. Xin cảm ơn!” Nhà văn Đoàn Bảo Châu đưa ra quan điểm.

Ảnh 6: Tiến sỹ Lê Vinh Danh (bên trái), Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, và Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường, khi ấy đang giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Hà nội có chủ tịch mới – Đảng cử mà dân không bầu

>>> Đại hội 13: Đảng lại cho dân “ăn bánh vẽ”

>>> Đại hội 13: Phe cánh trong đảng nhộn nhịp chia phần

Vụ bắt Tiến Sĩ Phạm Đình Quý: Dân „chia tay“ Đảng

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023