Phiên tòa Đồng Tâm: Đảng “đạp lên“ Hiến Pháp – Cố bức hại Nhân dân

Link Video: https://youtu.be/NRrv12cxTkE

Phiên tòa Đồng Tâm dù chưa kết thúc nhưng đã được nhìn nhận là “phiên tòa vi phạm tố tụng nhiều nhất và nghiêm trọng nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam”. Luật sư Hà Huy Sơn đã phải đau đớn nhận định rằng “phiên tòa có nhiều “bước tiến” đến chỗ phủ nhận công lý”. Cũng từ đó mà công dân Việt Nam được dịp chứng kiến những màn đổi ngôi độc đáo trong phiên tòa lịch sử này.

Phiên tòa Đồng Tâm ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử pháp đình một bị cáo đứng trên ghế chất vấn tòa án.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho các bị cáo ở Đồng Tâm đã ghi chép lại diễn biến phiên xử án liên quan đến bà Bùi Thị Nối, con nuôi cụ Lê Đình Kình, vào ngày 08/09/2020 như sau:

Đến phần xét hỏi bà Bùi Thị Nối, rút kinh nghiệm ở phần thủ tục khi chứng kiến những hành vi “vô chính phủ” của bà, thì chủ tọa phiên tòa khi gọi tên đã nói ngay bà được đứng yên tại chỗ khai báo. Nhưng đã quá trễ, chỉ chực nghe gọi tên bà đã ngồi bật dậy chạy xăm xăm lên bục khai báo, 02 nữ cảnh sát dẫn giải vội chạy theo giữ tay, bà liên tục vung tay thoát khỏi sự áp giải của cảnh sát để tiếp tục chạy lên bục khai báo. Nhưng vượt chỉ độ 05 hàng ghế, thì thêm vài cảnh sát khống chế đã kịp chặn giữ, đưa bà về chỗ ngồi.

Khi vừa về chỗ, được đưa micro thì bà chụp ngay lấy và đứng lên ghế để nói, các nữ cảnh sát lại phải vất vả kéo tay bà xuống và giữa chặt 02 cánh tay. Bà la lớn “Bỏ tay ra, xích ra, đứng xích ra …”, vung 02 tay yêu cầu họ buông tay bà.

Khi đã rảnh tay, không chờ Hội đồng xét xử hỏi, bà tuôn lời chất vấn như liên thanh, đại loại “Tại sao có luật pháp mà không thi hành ? Tại sao không bắt bố Nối (tức cụ Kình) đàng hoàng, mà lại lừa ra đồng đánh gẫy chân bố Nối ? …”. Chủ tọa cắt lời hỏi “Bà mua xăng để làm gì ?” ,, bà vẫn liên tục chất vấn những câu đôi khi không đầu, không đuôi.

Được hỏi đến lần thứ 3 :“Bà mua xăng để làm gì ?”, thì bà mới trả lời:“Mua xăng để thiêu chết bọn tham nhũng !!!”. Sau đấy, vẫn cứ phớt lờ các câu hỏi của chủ tọa, bà lại tiếp tục chất vấn tòa án theo ý mình … cho đến lúc chủ tọa “ngán ngẩm” quá, ra lệnh cho cảnh sát dẫn giải trục xuất bà ra khỏi khán phòng. Khoảng 05 đến 06 cảnh sát áp sát, khống chế đưa bà ra ngoài, bà vẫn ngoái cổ cố nói điều gì đó.”

Luật sư Mạnh cho rằng: “Trang lưu bút pháp đình sẽ phải nhớ rất lâu câu chuyện hi hữu về một bị cáo đứng trên ghế chất vấn tòa án, lần đầu tiên và chắc cũng sẽ là lần duy nhất.

Bà Nối không cao, nhưng khi đứng trên ghế, dõng dạc vung tay chất vấn tòa án, xem ra, nhiều kẻ thường nhìn xuống sẽ khó thấy tầm vóc của bà, nông dân đất Đồng Tâm…”

Ảnh 1: Bà Bùi Thị Nối phát biểu trước tòa

Luật sư Lê Luân cũng dành một bài viết riêng cho bị cáo đặc biệt này.

Ông Luân viết: “Bà Bùi Thị Nối, con nuôi ông Lê Đình Kình, nói lời sau cùng, dù ngắn, nhưng làm tôi khâm phục bà, với dáng vẻ gày gò, tóc bạc trắng, bộ quần áo xộc xệch và với những trạng thái đầy căng thẳng suốt phiên toà, đến thời khắc đó lại trở nên điềm tĩnh và minh mẫn lạ thường.

Bà nói: Bố tôi đã 58 tuổi đảng, trong giữa thời bình này lại phải hy sinh với ba đồng chí khác. Bốn đồng chí hy sinh giữa lúc thế giới thanh bình, như có chiến tranh và không phải chết bởi kẻ thù. Như tôi đây, một vết đạn bắn vào ngực, đau lắm, nhưng tôi không chết. Và tôi chỉ mong chúng ta sẽ có một lựa chọn sáng suốt, một con đường mới, tốt đẹp hơn.

Bà ấy, dưới bóng hình một người đàn bà khốn khổ ít học và với một niềm mất mát lớn lao, đã nói lên những lời mà tôi biết, bà phải có trái tim và tinh thần sáng rộng lắm. Có lẽ cái tên của bà cũng là một điều gì đó của tự nhiên, vào đúng thời điểm này, cho ta thấy sự gợi mở của cái tên ấy với thực tại hiển hiện, dù bà đang đứng trước một phiên toà với những lời cáo buộc và hình phạt đang chờ đợi vào vài ngày tới.

Bà Nối, cầu nối của một điểm thời đại bị đứt gãy các hệ giá trị giữa những lớp người với nhau. Bà ấy rất mạnh mẽ và tỏ ra bị kích động thường trực suốt những ngày qua, nhưng khi đứng lên nói lời nói sau cùng, nó cho ta thấy được một tâm hồn bao dung và thấu rõ tới nhường nào.”

Ảnh 2: Bà Bùi Thị Nối trong video nhận tội được Đài Truyền hình phát sóng ngay sau thảm sát Đồng Tâm

Phiên tòa Đồng Tâm còn làm sáng tỏ bản chất của những luật sự chỉ định, những người lẽ ra phải người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại một cách có hiệu quả nhất tại tòa án trên cơ sở các quy định của pháp luật; góp phần giảm thiểu các vụ án oan sai thì những luật sư chỉ định này lại là những thành phần xúc tác cho những bản án bỏ túi, vô pháp.

Luật sư Sơn ghi nhận: “Một số Luật sư bào chữa theo chỉ định, ngang nhiên thừa nhận bị cáo phạm tội và rồi nhanh nhảu xin giảm nhẹ cho thân chủ.”

Luật sư Sơn đã lên án hành động của luật sư chỉ định như sau: “Bào chữa không tìm đến bản chất vụ án mà chỉ nhăm nhắm xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, trong khi các bị cáo không có tội. Đây thực chất là hành vi tráng men cho những sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tưởng rằng đó là làm điều thiện nhưng thực chất là đồng loã với tội ác.”

Hơn thế nữa, phiên tòa còn chứng kiến sự đổi ngôi hi hữu giữa luật sư với công tố và kiểm sát viên.

Luật sư Sơn viết: “Một “cải tiến” vượt bậc là Luật sư của bị hại hùng hồn thay luôn “chức năng” Công tố, nhiếc mắng, sỉ nhục, đe dọa các bị cáo và thay cho Tòa thực hiện chức năng giáo dục các bị cáo ngay tại tòa; và không quên giải thích pháp luật cho các Luật sư do gia đình bị cáo mời. Đại diện bị hại tiếp ứng, nhân danh thay cho nhà nước, thay cho xã hội hăm dọa các bị cáo, trắng trợn xúc phạm các Luật sư mời.

Đại diện Viện kiểm sát chỉ cần làm một việc ngược đời là nhất trí với quan điểm kết tội của Luật sư cho bị hại và chỉ tóm tắt các phản biện của Luật sư mời, không đối đáp và Chủ tọa tuyên bố kết thúc tranh luận.”

Theo ghi chép chi tiết trong “Biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 09/01/2020” của luật sư Ngô Anh Tuấn, luật sư Hà Huy Sơn phản đối gì luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho các bị hại, đe dọa các thân chủ của mình và được HĐXX đề nghị ngồi xuống.

Luật sư Hà Huy Sơn và luật sư Đặng Đình Mạnh đã đề nghị luật sư Bách đi vào vấn đề chính, không lấy nước mắt người khác bằng cách đó.

Ảnh 3: Luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho các bị hại đã không chỉ biến phiên tòa thành một đám ma mà còn đi quá phận sự của một luật sư tại phiên xử án

Bên ngoài phiên tòa, dư luận cũng được chứng kiến một sự đổi ngôi ngoạn mục khác của giới báo chí trong nước, thay vì phản ánh sự thật thì lại tuyên truyền theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo thậm chí còn thay tòa kết án bị cáo.

Nhà báo Phạm Đoan Trang đã vạch mặt chiêu trò bẩn thỉu của Ban Tuyên giáo cũng truyền thông trong nước bằng bài viết “Tuyên giáo có đốm lưỡi, huyền đề…”.

Bà cho biết: “Năm 2011, khoảng một tuần trước phiên xét xử TS. Cù Huy Hà Vũ, Tuyên giáo cũng có chỉ thị đến từng tòa soạn báo, yêu cầu các báo “chỉ đưa tin, không mở rộng bình luận”, “tập trung làm nổi bật tính nghiêm minh của bản án và sự đồng tình của dư luận”, đặc biệt lưu ý “không gọi bị cáo là ‘ông’, ‘tiến sĩ’ để tránh bị bị cáo lợi dụng”… Chỉ đạo sát sạt đến thế là cùng.

Lần đó, Tuyên giáo cũng khôn, chỉ thị bằng văn bản phát đến tay các phóng viên nội chính, nhưng văn bản chỉ là một tờ giấy A4 không con dấu, không chữ ký, không đề tên cá nhân/ cơ quan lãnh đạo nào. Đâm ra nếu có phóng viên nào nổi máu “phản động” mà chụp hình quăng lên mạng, cũng khó có thể coi đó là bằng chứng về đàn áp tự do báo chí ở Việt Nam.

Lần này, Tuyên giáo, kết hợp với công an, còn chơi khôn hơn nữa, áp dụng cả công nghệ hiện đại của thời 4.0.: Theo nguồn tin của nhà báo Mạnh Kim, “mỗi văn bản chỉ đạo gửi các báo đều được ‘đánh dấu’ bằng một cách nào đó để an ninh có thể dò ra và biết chính xác văn bản rò rỉ từ nguồn nào”.

Nội dung chỉ đạo thì vẫn sát sạt như thế, ví dụ: “Không đưa tin, tường thuật chi tiết về diễn biến phiên tòa, nhất là bào chữa có nội dung cực đoan; đưa đậm tin về lời nhận tội, sự ăn năn hối cải xin hưởng khoan hồng của pháp luật cũng như chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước với đối tượng thành khẩn, ăn năn hối lỗi qua kết quả phiên tòa; không đưa tin, bài viết suy diễn, kết luận chủ quan tạo luồng dư luận phức tạp về phiên tòa và bản chất vụ việc; kiểm soát chặt chẽ các bình luận (comment) trong tất cả các tin bài về phiên tòa”.”

Ảnh 4: Trụ sở Ban Tuyên Giáo Trung Ương, 2B, Hoàng Văn Thụ, Phường Quán Thánh, Quận Ba Đình, Hà Nội nơi điều khiển và kiểm duyệt hoạt động của truyền thông trong nước phục vụ sự lãnh đạo toàn diện của chính quyền cộng sản

Những bài báo như bài báo có VTCNews với tựa đề “Hôm nay, TAND TP Hà Nội xét xử những kẻ giết người man rợ ở Đồng Tâm” được đăng ngày 07/09/2020 chính là bằng chứng cụ thể của một nền báo chí suy đồi dưới sự kiểm duyệt của chính quyền cộng sản.

Luật sư Sơn đã nhận định: “Báo chí mà từ bỏ cái bổn phận phản ảnh sự thật để làm công cụ tuyên truyền là báo chí bất lương. Nó làm mù con mắt của xã hội. Nó nuôi dưỡng tội lỗi. Nó chính là đồng phạm của tội phạm, vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của tội ác.”

Nhà hoạt động Đỗ Việt Khoa cũng đồng tình khi viết “báo chí tiếp tay cho sự tàn bạo dối trá của chính quyền, của tòa án trong vụ Đồng Tâm”.

Chính bởi thực trạng này mà các luật sư bào chữa cho các bị cáo Đồng Tâm ngoài trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp  cho thân chủ còn tự mình đảm nhiệm thêm trọng trách lan tỏa thông tin diễn biến phiên tòa đến với công chúng. Trong đó, luật sư Ngô Anh Tuấn là người đã ghi chép một cách chi tiết nhất và chia sẻ trên facebook cá nhân các bài viết có tựa đề “Biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 09/01/2020”. Cùng với những chia sẻ của các luật sư khác, đây chính là những nguồn thông tin trung thực, khách quan duy nhất mà công chúng có thể tiếp cận để cập nhật tình hình phiên tòa đặc biệt này.

Ấy vậy mà đến hôm 10/09 khi buổi xử kết thúc, luật sư Ngô Anh Tuấn đem USB mà tòa án cho mượn để sao chép vào máy tính thì bị một nhóm công an (cả thường phục và sắc phục) ngăn lại, hạch sách: “USB này của ai?”. Sau đó, bắt đầu màn gây khó khăn và đe dọa cướp đồ. Thấy tình hình căng thẳng, hai luật sư còn lại chưa kịp rời tòa án là luật sư Đặng Đình Mạnh và luật sư Nguyễn Văn Miếng ra can, thì cũng bị đám công an gây sự và bẻ tay lôi ra ngoài. Đi được vài bước, mấy kẻ mặc thường phục thẳng cánh xô các luật sư từ trên cầu thang xuống.

Sự táo tợn, manh động của cơ quan chấp pháp” lộ liễu đến mức đó cho là nhằm ngăn chặn các luật sư lan truyền thông tin phiên xét xử ra bên ngoài.

Luật sư Lê Hà Luân đã viết: “Có vụ xô xát trong toà án, khi các nhân viên công lực giữ chặt USB không cho các Luật sư chép lại.

Một nhân viên công lực mặc thường phục xô đẩy LS Mạnh và LS Miếng.

Tuy nhiên, các anh phải hiểu rằng việc làm đó là vô ích, nội dung chiều nay ghi trong USB không có gì đâu. Chỉ có lời nói cuối cùng của các bị cáo, cũng đã được ghi chép bằng tay, trên giấy và sẽ được tập hợp lại sau.

Chỉ là muộn hơn một chút mà thôi.”

Ảnh 5: Ảnh chụp một bài báo của truyền thông trong nước về phiên tòa Đồng Tâm để thấy nhà báo đã thay tòa kết án những bị cáo là kẻ giết người khi mà phiên tòa mới bước vào ngày xét xử đầu tiên

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Vụ án Đồng Tâm – Hãy thực nghiệm hiện trường: Bị cáo Lê Đình Chức đã đâm 3 công an như thế nào?

>>> Cụ Lê Đình Kình bị bắn chết bằng súng MP5K của Đức

>>> Đồng Tâm – “Chuông gọi hồn” cho chế độ Cộng sản phi nhân tính

Đồng Tâm: Án theo ý Đảng – Tòa quyết “Trảm” Dân

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023