Việt Nam: Nền kinh tế “dị dạng” đẩy người dân lún sâu vào khủng hoảng

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=IWnwfzLdNns

Gần 8 triệu người đã bị mất việc do COVID-19, trong đó số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập lên tới hơn 17 triệu người. Thậm chí hồi đầu tháng 7 vừa qua truyền thông Việt Nam còn lan truyền một con số thống kê “gây ám ảnh kinh hoàng”: cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Nhưng giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là triệu chứng trên bề nổi do COVID-19 gây ra, vấn đề thực chất đến từ cấu trúc bất hợp lý của nền kinh tế Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2020 đã ghi nhận những con số thảm hại mang tính kỷ lục.

Tổng cục Thống kê cho biết từ khi cơ quan này thống kê GDP từ năm 1991 thì chưa bao giờ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất như vậy với quý II ở mức 0,36% và 6 tháng đầu năm 2020 ở mức 1,81%.

Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia Dương Mạnh Hùng được dẫn lời nói mức tăng trưởng nửa năm đầu 1,81% cũng “kém cả kịch bản thấp nhất” mà cơ quan này đã đặt ra trước đó.

Ông Hùng nhận định: “Mục tiêu tăng trưởng [cả năm] 6,8% là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh, đứt gãy chuỗi ứng trên toàn cầu hiện tại. Để đạt được mục tiêu trên 2 quý cuối năm phải tăng trưởng trên 10%.”

Mặc dù chưa có tăng trưởng âm nhưng số liệu GDP này là mức thấp nhất kể từ thời kỳ Đổi mới, bằng nửa của GDP năm 1986.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã phải nhấn mạnh “nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết” và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói thêm: “Chống suy thoái kinh tế như chống giặc”.

Ảnh: Biểu đồ Lực lượng lao động quý I và quý II các năm giai đoạn 2011-2020 do Tổng cục Thống kê cung cấp, ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay

Nhưng nhìn vào thực tế thì thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu thì Việt Nam vẫn chưa theo kịp nền kinh tế khu vực và trên thế giới.

Trong ASEAN, dân số Việt Nam tuy đứng thứ 3 trong ASEAN, nhưng quy mô kinh tế mới chỉ đứng thứ 6.

Một tính toán của McKinsey năm 2018 cho thấy GDP đầu người của Malaysia cao gần gấp đôi so với Thái Lan, và cao gấp ba tới năm lần so với thu nhập trung bình của Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Giáo sư, Tiến sĩ Patarapong Intarakumnerd, từ Viện nghiên cứu Chính sách Quốc gia (National Graduate Institute for Policy Studies, GRIPS), Tokyo, Nhật Bản nhận định với BBC rằng so với Malaysia và Việt Nam, khu vực công của nhà nước yếu hơn về khả năng hoạch định và thi hành chính sách. Nhà nghiên cứu phân tích: “Sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương không đủ tốt. Ví dụ nếu ta so sánh với Trung Quốc, tuy có kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tương tự nhưng chính quyền địa phương của họ khá tự chủ.”

Tiến sĩ Mai Fujita, chuyên gia từ Viện các nền Kinh tế đang phát triển (Institute of Developing Economies) có trụ sở tại thành phố Chiba, thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thì nhận định: “Năng suất lao động của Việt Nam có vẻ đi sau các nước trong vùng, cho thấy Việt Nam chỉ mới có tiến bộ hạn chế trong đổi mới mô hình tăng trưởng.”

Bà nói thêm: “Mặc dù có nỗ lực cải cách hành chính để việc kinh doanh thông thoáng hơn, vẫn còn lo ngại không chắc nó đã đủ bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng.”

Tiến sĩ Mai Fujita cũng chỉ ra: “Một diễn tiến quan trọng giai đoạn 2016-2020 là sự trỗi dậy của các nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn trong các khu vực mà nhà nước kiểm soát chặt chẽ… Có vẻ các nhóm này khó phát triển nếu không nhận được mức độ hậu thuẫn chính trị nào đó.”

Kinh tế gia Bùi Kiến Thành, cựu cố vấn của lãnh đạo chính phủ Việt Nam qua nhiều giai đoạn cho rằng nguồn gốc của sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam đến từ vấn đề ý thức hệ xã hội chủ nghĩa.

Ảnh: Hội thảo “Lý luận Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội: Những giá trị bền vững, những luận điểm cần bổ sung, phát triển hiện nay” được tổ chức sáng ngày 9/11/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ông nói: “Nhưng cái yếu là quản lý nhà nước, tôi sẽ nói rõ thêm, vẫn còn ở trong một khung cảnh của lý luận Marxism, mà chưa ra khỏi được và hiện nay vẫn còn rất khó khăn, vì trong tất cả những trường Đảng, trong tất cả những hội thảo trong nước, cả trong những vấn đề quản lý cán bộ, vẫn nhắc đi nhắc lại là Việt Nam là một đất nước quản lý bởi một hệ thống suy tư của một chủ nghĩa Marxism-Leninism. Cái đấy là cái mà làm cho Việt Nam bị chùn chân rất là nhiều.”

Ông nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam xuất phát trong một môi trường xã hội chủ nghĩa, từ một nền kinh tế tập trung, từ một nguồn nhân lực không được đào tạo trong cái nôi của nền kinh tế thị trường nên 30 năm nay vẫn tồn đọng khó khăn về chuyển đổi, cải cách thể chế kinh tế, xã hội, thị trường, cũng như tồn đọng khó khăn trong vấn đề đào tạo lại nhân lực. Cơ chế tổ chức vẫn còn luộm thuộm trong hệ thống quản lý nhà nước cũ còn tồn đọng lại.

Vì vậy, việc Việt Nam cần phải làm lúc này là tự mình chủ động phát triển, đồng thời phải thay đổi, kiện toàn cơ chế quản lý nhà nước cho phù hợp và cái khó nhất là tự hoàn thiện mình, tự thay đổi.

Ông nhấn mạnh Việt Nam chưa có nền kinh tế thị trường.

Ảnh: Hội nghị khoa học “Tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn” do Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tạp chí Cộng sản phối hợp đồng tổ chức ngày 19/9/2018

Ông phân tích: “Đây là vấn đề hết sức quan trọng, về mặt tư duy, Việt Nam chưa hoàn toàn hoạt động trong kinh tế thị trường, mà mới chỉ vận hành theo kinh tế thị trường thì vậy là chưa đủ, bằng chứng và cho nên là Việt Nam vẫn đi ra nước ngoài yêu cầu các nước, các cường quốc hãy công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.”

Nhưng tự Việt Nam cũng chưa đã thực sự là một nền kinh tế thị trường, mà mới bập bẹ đi học theo cách vận hành theo kinh tế thị trường, thì đấy là điều đáng quan tâm về mặt cơ chế, thể chế mà Việt Nam cần phải có những tư duy mạnh mẽ hơn.”

Vì vậy hệ thống quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay chưa phải là một hệ thống của một nền kinh tế thị trường mà vẫn còn dư âm, dư vang lại cách thức làm việc cũ rất là khó cho doanh nghiệp hoạt động, đấy là một điểm mà doanh nghiệp đã nhiều lần họp với chính phủ và nói mà Thủ tướng đã nhiều lần phát biểu rằng sắp tới Việt Nam sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.”

Ông Thành cho rằng cái quan trọng đối với Việt Nam là hướng về nền kinh tế thị trường như thế nào, hướng về quản lý nhà nước minh bạch như thế nào.

Ông đề xuất các vị quản lý nhà nước phải giải tỏa ám ảnh của những học thuyết cũ kỹ và phải ra khỏi những cái đấy để đi vào trong nền kinh tế thị trường một cách mạnh dạn hơn.

Vấn đề mấu chốt là phải làm sao đưa Việt Nam từ một nền kinh tế tập trung qua hẳn nền kinh tế thị trường cùng với hệ thống quản lý nhà nước phù hợp.

Ngoài ra ông Thành còn nhấn mạnh đề hai vấn đề bất cập khác của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Ảnh: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại số 49 phố Lý Thái Tổ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội

Thứ nhất, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có được một hệ thống ngân hàng, một hệ thống tín dụng lành mạnh, phù hợp. Ông nhấn mạnh Việt Nam vẫn chưa có được một Ngân hàng Trung ương đúng theo trách nhiệm và quyền hạn của một Ngân hàng Trung ương.

Hơn nữa, Việt Nam chưa thực sự có được một đội ngũ chuyên gia mạnh về Ngân hàng Trung ương mà mới chỉ học nơi này, nơi nọ một chút ít năng lực về ngân hàng thương mại. Đây là yêu tố nguy hiểm đối với một đất nước đang phát triển, cố cất cánh mà không có một Ngân hàng Trung ương phù hợp.

Thứ hai, đó là một vấn đề mà Nhà nước cũng đã nêu nhiều lần, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản cũng nêu ra nhiều lần, là Việt Nam phải giải quyết cho xong vấn đề làm sao diệt trừ được hối lộ, tiêu cực. Thực tế là Việt Nam còn đang đắm vào trong vấn đề tiêu cực, hối lộ, tham nhũng. Những điều đó là nguồn gốc của sự yếu kém về sức mạnh kinh tế quốc dân.

Ông khẳng định: “Ngày nào mà không vượt ra được, thì ngày ấy Việt Nam vẫn còn phải giẫm chân đắm ở dưới bùn và con Rồng Việt Nam không thể bay lên được, bởi vì nó bị trói chân, bó cánh trĩu nặng bởi những gánh nặng về vấn đề chi phí và không phù hợp, do những tổn hại về tiêu cực, lãng phí gây ra.”

Bên cạnh những yếu kém, hạn chế, Việt Nam cũng có những điểm mạnh nhất định mà giới chức lãnh đạo cần nắm bắt để phục vụ cho công cuộc cải tổ và phát triển đất nước.

Tiến sĩ Chayodom Sabhasri Khoa Kinh tế, Đại học Chulalongkorn, Bangkok chỉ ra rằng Việt Nam có nhân công trẻ, chăm chỉ, có khả năng trong lúc một số thành viên ASEAN đã bước vào giai đoạn dân số già hóa.

World Bank cho biết chỉ số Vốn con người (HCI) của Việt Nam hiện xếp thứ 48 trên 157 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ hai ở ASEAN, chỉ sau Singapore.

Dân số Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 120 triệu dân tới năm 2050.

Hiện nay, 70% dân số có độ tuổi dưới 35, với tuổi thọ trung bình gần 76 tuổi, cao hơn những nước có thu nhập tương đương trong khu vực.

Tầng lớp trung lưu đang hình thành – hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026, theo World Bank.

Ông nói: “Các yếu tố tích cực chính của Việt Nam là người dân cần cù, cải thiện trong hệ thống giáo dục và chính phủ ổn định.”

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Patarapong Intarakumnerd nhận định: “Việt Nam có lợi thế về lao động rẻ hơn nhưng có kỹ năng khá, thị trưởng lớn, ổn định chính trị, mạnh về các môn học STEM (tức là Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), hạ tầng cơ sở đang cải thiện.”

Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng quan tâm Việt Nam. Các hãng điện tử Nhật như Panasonic đã dự định đưa nhà máy, trung tâm nghiên cứu – phát triển sang Việt Nam. Việt Nam đang trở thành nơi hội tụ của các hãng điện tử và viễn thông như Samsung, Intel, Panasonic… Nó chứng minh Việt Nam đã nâng mình lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Patarapong Intarakumnerd cũng cho rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển “đa dạng“. Việt Nam đang đuổi nhanh về công nghệ (điện tử, phần mềm), kỹ thuật bậc trung (xe hơi), và các ngành tốn nhân công (cà phê, thủy hải sản).

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Mất tỷ đô, hủy khoan dầu – Bộ Chính trị Việt Nam “đầu hàng” TQ?

>>> Tái xác nhận tin Việt nam mất một tỷ Đô la bồi thường cho Repsol rời khỏi Biển Đông dưới áp lực của Trung Quốc

>>> Kinh tế thời Covid-19: ‘VN đừng mong đón đại bàng’

Mất tỷ đô, hủy khoan dầu – Bộ chính trị VN đầu hàng TQ?

Kasse animation 7.8.2023