Biển Đông “sôi sục” – Mỹ cùng đồng minh chặn TQ

https://www.youtube.com/watch?v=xtODIwCC2hI
Link Video :https://www.youtube.com/watch?v=xtODIwCC2hI

Những ngày này tình hình Biển Đông trở nên sôi động trên diễn đàn quốc tế với liên tiếp những động thái của các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên vùng biển quốc tế quan trọng này.

Gần đây nhất là việc Mỹ gửi công hàm phản đối Trung Quốc về Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 03/6/2020 thông báo nước này đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối các yêu sách được cho là “phi pháp và nguy hiểm” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Công hàm của Hoa Kỳ gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mục đích là ủng hô lập trường của Malaysia gửi cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa bác kháng thư của Trung Quốc ngày 12/12/2019, và phản đối các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước về Luật Biển năm 1982 đồng thời yêu cầu Tồng thư ký Liên Hiệp Quốc lưu hành đến tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Giới quan sát bình luận lý do mà Mỹ đợi đến tận 6 tháng mới gửi công hàm phản đối Trung Quốc là vì Mỹ muốn các quốc gia có liên quan trong khu vực lên tiếng trước, cụ thể là Malaysia, Việt Nam, Phillipines và Indonesia.

Qua đây, Mỹ bày tỏ sự ủng hộ các nước trong khu vực bảo vệ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Phán quyết của Toà Trọng Tài tháng 7/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Ảnh: Mỹ gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách ‘bất hợp pháp’ của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 01/6/2020

Trước đó không lâu, ngày 26/5, Indonesia đã có công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc nêu rõ sự ủng hộ của chính phủ nước này đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực xử Philippines thắng kiện Trung Quốc.

Tháng 12 năm ngoái nhiều tàu của Trung Quốc tràn vào vùng biển quanh quần đảo Natuna khiến Indonesia phải triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta đến để phản đối, đồng thời triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu ra khu vực. Các tàu Trung Quốc đã rời đi vào tháng 1 năm nay, sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo ra thăm một căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna nhằm khẳng định chủ quyền của Indonesia.

Trong cuộc họp báo ngày 06/5, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng các diễn biến gần đây ở Biển Đông có thể có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa lúc toàn cầu đang cùng nỗ lực chống dịch COVID-19 và cho biết Indonesia vẫn tiếp tục theo dõi chặt các diễn biến trên Biển Đông. Đồng thời, bà nhấn mạnh tầm quan trọng phải duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Tiếp đó, trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 04/6 mới đây, Ngoại trưởng Retno Marsudi nói: “Các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia… Chính phủ Indonesia luôn nhất quán trong lập trường của mình.”

Indonesia là nước lớn nhất trong khu vực và là một quốc gia thành viên sáng lập ASEAN. Các tuyên bố chủ quyền của Indonesia ở Biển Đông không mâu thuẫn trực tiếp với các yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia quanh quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông có chồng lấn với đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố. Có thể nói, Indonesia là quốc gia ít bị đe doạ nhất trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Nhưng sự lên tiếng của Indonesia có ý nghĩa quan trọng. Đất nước vạn đảo đã nhận thấy sự cần thiết phải ra mặt bảo vệ luật pháp quốc tế tại khu vực cùng các nước khác để có thể bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của chính mình.

Sự kiện này đánh dấu một thất bại trong chiến lược chia rẽ các nước trong ASEAN của Trung Quốc trong suốt những năm qua.

Thiện cảm của dư luận Indonesia đối với Trung Quốc cũng được cho là ngày càng giảm đi. Hồi tháng trước, công chúng Indonesia đã phẫn nộ về vụ việc các thuyền viên nước này bị ném xác xuống biển sau khi tử vong trên các tàu cá Trung Quốc. Các thuyền viên được cho là đã chết vì làm việc quá sức.

Ảnh: Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm một căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna – giáp với Biển Đông – hồi tháng 1. Đây là khu vực mà Indonesia có nhiều căng thẳng với Trung Quốc

Đồng minh thân cận của Trung Quốc tại ASEAN là Philippines cũng có những động thái quyết liệt trong những ngày gần đây.

Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, Jose Manuel Romualdez hôm 03/6 khẳng định nước này quyết định tạm không hủy Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ.

Những hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc làm giới lãnh đạo Philippines quan ngại và không muốn cắt đứt hoàn toàn liên lạc quân sự với Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ đã tỏ ra quan tâm hơn với vùng Biển Đông qua những tuyên bố cứng rắn và sự hiện diện dồn dập của cả hải quân và không quân với những lực lượng quân sự tối tân như tàu chiến và máy bay ném bom trong những tháng vừa qua.

Trước đó, Philippines đã trao hai công hàm ngoại giao phản đối viêc tàu Trung Quốc đã chĩa súng radar vào tàu Philippines tại vùng biển Tây Philippines và đã “tuyên bố môt phần lãnh thổ của Philippines là một phần của tỉnh Hải Nam,” đồng thời ủng hộ Việt Nam và chỉ trích việc tàu Trung Quốc đâm chìm môt tàu đánh cá Việt Nam hồi đầu tháng Tư.

Malaysia gần đây cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein hôm 23/4 nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình ở Biển Đông giữa lúc có tin tàu khảo sát Trung Quốc và tàu Malaysia giằng co trong khu vực tranh chấp.

Ông Hishammuddin nhấn mạnh mọi tranh chấp nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình. Ông Hishammuddin phát biểu: “Dù luật pháp quốc tế bảo vệ tự do lưu thông, sự hiện diện của các chiến hạm và tàu khác ở Biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, có thể dẫn tới những tính toán sai lầm gây ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.”

Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein lưu ý: “Việc chúng tôi chưa đưa ra tuyên bố chính thức không có nghĩa là chúng tôi không có phản ứng nào trước tất cả các diễn biến đề cập ở trên. Chúng tôi đã liên lạc cởi mở và liên tục với các bên liên quan, trong đó Trung Quốc và Mỹ.”

Ông Hishammuddin đưa ra tuyên bố trên sau khi các nguồn tin an ninh của Reuters ngày 21/4 tiết lộ hai chiến hạm Mỹ USS America và USS Bunker Hill hiện diện ở Biển Đông, gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do công ty dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành.

Trong một diễn biến liên quan, tại phiên họp Quốc hội ngày 18/5 vừa qua, Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah cho rằng Malaysia cần chú ý tới các hoạt động gia tăng của các cường quốc ở Biển Đông.

Theo Quốc vương Al-Sultan Billah Shah, chiến lược quốc phòng của Malaysia cần tính đến tầm quan trọng của ngoại giao quốc phòng, một chính sách đối ngoại thực tế, các điều ước quốc tế và vị thế địa chính trị của đất nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Nhà vua Malaysia nói: “Các hoạt động gia tăng của các cường quốc ở Biển Đông gần đây cần phải được chú ý… Do đó, Malaysia cần phải luôn nhạy cảm với khu vực trên biển, đồng thời xây dựng một chiến lược hỗ trợ cho khát vọng địa chính trị của chúng ta.”

Trở lại với động thái gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản Trung Quốc của Hoa Kỳ hôm đầu tháng 6, giới quan sát hy vọng sự kiện này đánh dấu một giải pháp mới trên Biển Đông do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Sau việc rút khỏi TPP cùng nhiều động thái thể hiện sự giảm quan tâm đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump cùng chính sách “Nước Mỹ trên hết” thì công hàm của Mỹ gửi lên Liên Hiệp Quốc đã chính thức khẳng định quyết tâm can dự tích cực hơn vào tranh chấp Biển Đông của siêu cường này.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ nhận định rằng: “đây là mở đầu một trang mới ở Biển Đông, vừa có hy vọng giải quyết tranh chấp hòa bình vừa có nguy cơ của chiến tranh nếu Trung Quốc không tự kiềm chế”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Maine cũng cho rằng: “Các động thái của Hoa Kỳ, của một số nước ASEAN và của các nước có liên quan gần đây cho thấy rằng đang có bước ngoặc trong việc cùng nhau bảo vệ an ninh và lợi ích chung trong khu vực Biển Đông nói riêng và Châu Á Thái Bình Dương nói chung.”

Tuy nhiên, con đường nào cũng có chông gai và thử thách.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý: “Dù sao, các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cần tỉnh táo nhận định khả năng và cam kết thực sự của Hoa Kỳ khi Tổng thống Donald Trump phải chú trọng đến nhu cầu tranh cử trong khi phải đối phó nạn dịch COVID-19, một nền kinh tế xuống dốc, và các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc.”

Còn Giáo sư Ngô Vĩnh Long đề xuất: “Vì đang là chủ tịch ASEAN và thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy nhận thức, cũng như tiến trình, trong việc thiết lập các chính sách và cơ chế hợp thời và hữu hiệu cho các mục đích trên.”

Và hơn hết, các quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cần đoàn kết với nhau và hết sức tỉnh táo trước những âm mưu thâm độc chia rẽ của Trung Quốc. Như việc Trung Quốc luôn muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực bằng lập luận rằng Mỹ là một đế quốc ở bên kia thế giới nhưng can dự vào tranh chấp trong khu vực Biển Đông để thủ lợi và rằng sự lên tiếng hay can thiệp của Mỹ đã và đang gây rối và làm mất ổn định trong khu vực.

Bởi Trung Quốc nhận thức được rõ ràng rằng nếu Mỹ chùn chân trong việc giúp bảo vệ luật pháp quốc tế và an ninh trong khu vực thì Trung Quốc sẽ có thể uy hiếp các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như các quốc gia có nhu cầu tham gia giao thông trên khu vực Biển Đông.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Răn đe Trung Quốc – Mỹ điều B-1B lao ra Biển Đông

>>> Quốc tế kêu gọi ‘loại Trung Quốc’ khỏi Hội đồng Bảo an LHQ

>>> Lo sợ “sụp đổ” – Trung Quốc cấm biểu tình

https://www.youtube.com/watch?v=yRUqGtYil-0
Răn_đe TQ – Mỹ điều B-1B lao ra Biển Đông
Kasse animation 7.8.2023