Thượng tướng Nguyễn Văn Hiến “hầu tòa” – Quân đội chấn động

Sáng 18/5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã bắt đầu xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng các bị cáo khác liên quan đến sai phạm đất đai tại khu ‘đất vàng’ trên đường Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Quốc Phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân là người giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Việt Nam bị xử lý kỷ luật tính đến thời điểm hiện nay.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng“, quy định tại khoản 3 điều 360 Bộ luật Hình sự.

Cùng ra tòa với ông Hiến có 4 bị cáo bị xét xử về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai gồm: Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng Tài chính Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc Công ty Hải Thành).

Có 3 người khác bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc“, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phạm Văn Duyệt (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh).

Hội đồng xét xử cho phép các ông Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga ngồi ghế khai báo vì lý do sức khỏe.

Ảnh 1: Bị cáo Nguyễn Văn Hiến tại phiên tòa sơ thẩm vụ sai phạm đất đai ngày 18/5

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến liên quan sai phạm tại 3 khu ‘đất vàng’ trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM.

Đó là các khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM. Đây là các khu đất có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của QCHQ.

Khu đất số 2, ngày 13/01/2003 UBND TPHCM cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) khu đất này cho Công ty Hải Thành (thuộc QCHQ). Công ty Hải Thành ký hợp tác kinh doanh xậy dựng khu cao ốc văn phòng với Công ty Cảnh Hưng.

Ngày 30/8/2006, hai bên ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành. Hiện tại Công ty TNHH liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành đã xây dựng tòa nhà 27 tầng nổi, 4 tầng hầm, hoàn thiện 9 tầng cho thuê làm văn phòng và bán cổ phần cho một số đối tác…

Khu đất 9-11 được UBND TPHCM cấp QSDĐ cho Công ty Hải Thành ngày 13/01/2013, Công ty Hải Thành ký hợp tác với Công ty TNHH Mai Anh. Sau đó hai bên thành lập Công ty TNHH Mai Thành. Công ty TNHH Mai Thành đã xây dựng xong tòa nhà 34 tầng (năm 2013) đang cho làm văn phòng.

Khu đất số 7-9, Công ty Hải Thành ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với Công ty Yên Khánh. Cả 2 công ty góp vốn thành lập Công ty Yên Khánh Hải Thành. Ngày 18/9/2019, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã tạm giữ quyền sử dụng đất và hiện bàn giao khu đất 7-9 cho Công ty Hải Thành quản lý.

Như vậy, 2 trong 3 khu đất nói trên hiện không do QCHQ quản lý sử dụng. Cơ quan điều tra đã yêu cầu UBND TPHCM, Sở TN&MT TPHCM không làm thủ tục phát mại tài sản, mua bán, chuyển nhương, tặng, cho cả 3 khu đất này.

Trong cáo trạng của VKS Quân sự T.Ư nêu, các doanh nghiệp có được quyền khai thác, sử dụng như hiện nay, xuất phát từ việc làm vi phạm pháp luật của bị can nguyên là cán bộ QCHQ và Công ty Hải Thành. Vì vậy “Cần thu hồi quyền sử dụng đất để giao cho QCHQ quản lý. Việc thu hồi bảo đảm lợi ích hợp pháp, ổn định đời sống và phát triển kinh tế của các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật”.

Ảnh 2: Khu đất số 2 đang là tòa nhà văn phòng cho thuê  nằm ở vị trí đắc địa, ngay góc đường Tôn Đức Thắng – Ngô Văn Năm, trung tâm quận 1, TPHCM

Trong quá trình thực hiện 3 khu đất nêu trên, cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến có sai phạm là đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, của Chính phủ và Luật Đất đai 2003.

Ông Hiến cũng không kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế của Công ty Yên Khánh, không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị QSDĐ 3 khu đất, cũng như không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Sau khi ủy quyền cho Giám đốc Công ty Hải Thành ký hợp đồng, ông Hiến đã không trực tiếp kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan và Công ty Hải Thành, dẫn đến bị đối tác sử dụng Giấy chứng nhận QSDĐ mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hành doanh nghiệp, chuyển nhượng cho bên thứ ba.

Ngoài ra, ông Hiến cũng không nắm được quy định của pháp luật về việc phải nộp tiền sử dụng đất…

Sai phạm của ông Hiến và những người liên quan, dẫn tới hậu quả làm QCHQ mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước 939 tỷ đồng.

Hiện, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân đang thụ lý vụ án về sai phạm 3 khu đất này, trong đó cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến được xác định tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung phạt từ 7 năm đến 12 năm tù.

Ảnh 3: Khu đất số 7-9 mới quây tôn, nằm mặt tiền đường Tôn Đức Thắng, sát bên tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đang xây dựng. Trên cửa ra vào dự án có biển “Khu vực quân sự cấm vào”

Trước khi ra tòa, ông Nguyễn Văn Hiến đã bị Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khai từ khỏi Đảng (Hội nghị Trung ương 12 ngày 14/5).

Trước đó, ngày 03/9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh QCHQ đối với ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng do đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong thời gian giữ chức vụ Tư lệnh QCHQ.

Trong vụ án này, cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đã liệt kê những tình tiết giảm nhẹ mang tính định khung với các bị cáo.

Trong số các bị cáo, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến là trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhất với các tình tiết giảm nhẹ sau: tình tiết người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015); tình tiết người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong công tác (điểm V Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015). Cáo trạng cũng nêu rõ, ông Nguyễn Văn Hiến trong quá trình công tác đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng Quân đội và cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh; anh trai ruột của ông Hiến là Liệt sỹ (Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015).

Ngoài ra Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương còn đề nghị áp dụng Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với các bị cáo sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh tật trong đó có ông Nguyễn Văn Hiến.

Trong diễn biến mới nhất, chiều 18/5, tại phiên tòa sơ thẩm do Tòa án Quân sự QCHQ mở, bị cáo Nguyễn Văn Hiến là người thứ 6 bị thẩm vấn và tại đây vị cựu Thứ trưởng đã thừa nhận có khuyết điểm.

Bị cáo nói: Tôi đã xác nhận là tôi có khuyết điểm, thực hiện chức trách của mình thiếu sát sao quyết liệt. Nếu sát sao, quyết liệt hơn nữa có thể phát hiện sai sót.

Ảnh 4: Khu đất số 9-11 đang là tòa nhà văn phòng LIM, nằm ở 2 mặt tiền đường Tôn Đức Thắng – Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM

Một điều đáng lưu ý là trước khi nghỉ hưu vào năm 2016, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến ngày 23/12/2015 đã ký công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bán chỉ định không qua đấu giá khu đất 448B Nguyễn Tất Thành (Quận 4, TP.HCM) cho CTCP BĐS Riverside Park – công ty con của CTCP Bất động sản Bản Việt – pháp nhân do vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng (Thành viên HĐQT VietCapital Bank) nắm 84%. Bà Nguyễn Thanh Phượng là con gái của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Công văn do Đô đốc Nguyễn Văn Hiến ký nêu rõ: “Đơn vị chủ quản của CTCP BĐS Riverside Park là CTCP BĐS Bản Việt đã liên hệ làm việc với Quân chủng Hải quân từ tháng 4/2013 đến nay và luôn thể hiện quyết tâm, mong muốn được triển khai dự án đầu tư trên khu đất số 448B Nguyễn Tất Thành theo trình tự quy định của pháp luật. Việc bỏ ra công sức, tài chính của CTCP BĐS Bản Việt cũng như CTCP BĐS Riverside Park trong hơn 2 năm qua đã thể hiện quyết tâm mong muốn được thực hiện dự án tại khu đất số 448B Nguyễn Tất Thành.”

Về vụ việc này, Bộ Tài chính ngày 11/8/2015 có công văn số 10964/BTC-QLCS gửi Văn phòng Chính phủ, đồng ý với đề nghị của Bộ Quốc phòng về việc chuyển mục đích sử dụng 16.000 m2 đất quốc phòng do QCHQ quản lý tại Quận 4, TP.HCM (nếu phù hợp quy hoạch của Thành phố) để thực hiện bán tài sản gắn liền với đất và chuyển nhượng QSDĐ. Tuy nhiên, với đề xuất bán chỉ định cho nhà đầu tư (CTCP BĐS Riverside Park), Bộ Tài chính lưu ý việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.

Công văn do Thứ trưởng Bộ Tài chính lúc đó là ông Nguyễn Hữu Chí nêu rõ quan điểm: “Công văn số 5781 ngày 4/7/2015 của Bộ Quốc phòng không nêu lý do và sự cần thiết phải bán chỉ định. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Quốc phòng báo cáo bổ sung sự cần thiết bán chỉ định cho nhà đầu tư để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.”

Về thực trạng khu đất 448B Nguyễn Tất Thành, theo Quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của Quận 4, lô đất 16.000 m2 nằm nhìn ra Sông Sài Gòn vẫn là đất phục vụ cho mục đích quốc phòng.

Trước thương vụ bất thành tại Quận 4, nhóm nhà đầu tư Bản Việt lại may mắn thâu tóm được 11.975 m2 đất quốc phòng có vị trí đặc biệt đắc địa tại 3A-3B Tôn Đức Thắng (Quận 1).

Ảnh 5: Phối cảnh tổ hợp văn phòng – thương mại – căn hộ để bán tại 3A-3B Tôn Đức Thắng, Quận 1, TPHCM, vốn là đất của Bộ Quốc phòng. Dự án được cho là có 36 căn hộ cao cấp, với giá bán có thể lên tới hơn 3 triệu USD 1 căn, đắt nhất Việt Nam

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng chục tướng, tá quân đội và công an khác bị kỷ luật, xử lý vì để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý đất đai, làm kinh tế.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên cộng sản tuyên bố bỏ đảng, cho rằng số tướng tá quân đội bị truy tố vẫn còn hơi ít, thật ra tướng tá quân đội tham nhũng, lợi dụng danh nghĩa, lợi dụng quân đội, chiếm đoạt tài sản nhân dân còn nhiều, chứ không phải chỉ mấy ông tướng đã lộ diện ra. Giáo sư Nguyễn Đình Cống phản đối quân đội làm kinh tế, vì nếu làm kinh tế, những tướng tá sẽ bóc lột sức lao động của những binh lính, những người đi làm nhiệm vụ quân sự, và cướp bóc tài sản quốc gia.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, giải thích thêm: “Việc quân đội Việt Nam sau chiến thắng, trở nên một quân đội kiêu dũng, một quân đội chiếm đoạt rất nhiều thứ. Xong người ta lại bày ra chuyện quân đội làm kinh tế, tôi có theo dõi các binh đoàn làm kinh tế cả bên xây dựng cũng như khai thác ở Tây Nguyên chẳng hạn, những việc làm ấy đem lại những lợi ích rất to lớn cho một số tướng lĩnh. Ngay cả chuyện người ta giao cho quân đội cả cái sân bay Tân Sơn Nhất, xong họ lấy đất đai của sân bay để làm sân golf, rồi họ chia nhau ra cấp cho các tướng tá. Việc làm như vậy quả thật đem lại lợi ích to lớn cho hàng ngũ tướng tá. Một số trong đó lợi dụng để tham nhũng, thành ra những tư bản đỏ. Chuyện đó người dân biết lâu rồi, người ta đấu tranh rồi, nhưng gần đây mới có một số chuyện lộ ra, một số tướng tá bị truy tố.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ quan điểm về việc quân đội làm kinh tế như sau: “Tôi nghĩ phải chấm dứt ngay việc quân đội làm kinh tế, quân đội là để bảo vệ đất nước, tham gia cứu nạn, chẳn hạn tham gia chống dịch COVID-19, đó là nhiệm vụ chính chứ không phải là làm kinh tế. Cái này là ý kiến đã được tranh luận rất lâu rồi, và nhiều người trong lãnh đạo cũng đặt vấn đề như thế chứ không chỉ có dân. Nhưng vẫn có thế lực muốn quân đội làm kinh tế, tôi không nói đến chuyện sản xuất vũ khí, chuyện 100% quốc phòng, mình không kể đến ở đây. Nhưng kinh doanh bất động sản, hay viễn thông… thì tôi nghĩ quân đội không nên làm một chút nào cả, cái đó phải chuyển ngay ra khỏi bàn tay của quân đội, cái đấy là ý kiến của tôi từ trước đến nay vẫn như vậy.”

Theo Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn đô đốc, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, chức năng của quân đội là bảo vệ tổ quốc, đất nước và nhiệm vụ đó là hết sức nặng nề, hết sức lớn. Do đó cho nên hầu như quân đội của các nước đều tập trung vào quốc phòng là chính. Riêng ở Việt Nam, bây giờ chuyển hóa là cả một quá trình, nên quá trình này ông nghĩ phải làm thật nghiêm túc. Và theo ông, có lẽ đến một giai đoạn nào đó chuyện quân đội làm kinh tế cũng phải xem xét lại một cách nghiêm túc.

Ảnh 6: Ngày 01/6/2019 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel nhân kỷ niệm 30 năm thành lập. Đây là một trong những doanh nghiệp quân đội được coi là thành công nhất của Việt Nam

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

FLC – Trịnh Văn Quyết bị đòi nợ, đòi nhà

Kasse animation 7.8.2023