Việt Nam có phá bỏ nguyên tắc để tham gia liên minh quân sự?

https://www.youtube.com/watch?v=m4Rbc8d0G5g

Mỗi khi Trung Quốc có những hành động gây hấn ngang ngược ở Biển Đông thì câu chuyện Việt Nam có nên phá bỏ chủ trương không liên minh với nước nào đó nhằm mục đích chống lại nước thứ ba để chuyển hướng sang liên minh với nước khác để bảo vệ chủ quyền đất nước lại được đem ra bàn luận.

Ngày 23/4, BBC mở cuộc trao đổi có chủ đề “Biển Đông và an ninh khu vực trong mùa COVID-19” với các học giả Việt Nam đang làm việc tại các đại học ở Mỹ. Cả 2 khách mời đều cho rằng Việt Nam không nên liên minh quân sự với bất cứ nước mạnh nào kể cả Mỹ, và cũng không có nước nào có thể hậu thuẫn Việt Nam trong lúc này.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu lịch sử và Trung Quốc học từ Đại học Maine nêu quan điểm:

Tôi nghĩ Việt Nam không nên liên minh với một nước mạnh, nhất là liên minh với Mỹ. Tăng cường sự hợp tác về an ninh với Mỹ là tốt, nhưng mà liên minh sẽ cho Trung Quốc cái cớ để làm áp lực với Việt Nam đủ mọi việc.”

Chúng ta phải nên nghĩ rằng ngoài Biển Đông còn đất liền nữa, mà đất liền, vấn đề về quân sự, về kinh tế v.v… rất là lớn, Trung Quốc có cớ, thể lực để mà đánh Việt Nam theo kế gọng kìm.”

Việt Nam nên suy nghĩ chín chắn trong vấn đề có liên minh hay là không, nhưng mà tôi nghĩ củng cố an ninh của mình bằng cách tăng cường sự hợp tác với các nước trong khu vực và Mỹ hay Úc là vấn đề tốt thôi.”

Trong trường hợp Trung Quốc có hành vi được cho là lấn tới, thậm chí có hành động quân sự với Trường Sa và trên Biển Đông như đã từng tiến hành các năm 1974, 1988 trước đây, Giáo sư Long cho rằng: “Việt Nam phải kêu gọi các nước vì an ninh chung, vấn đề liên minh là vấn đề xưa rồi, chẳng hạn như là Mỹ liên minh với Philippines hay là liên minh với Đài Loan, hay là với Hàn Quốc, đó là thời chiến tranh Lạnh… Bây giờ thời đó đã đi qua rồi, có thể trong tương lai xa sẽ trở lại, nhưng mà bây giờ đi đến vấn đề liên minh thì tôi nghĩ rất là nguy hiểm.”

Từ Đại học George Mason, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế phát biểu: “Việt Nam, liên minh quân sự với nước nào để chống Trung Quốc, thì giải pháp ấy là không thực tiễn.

Giáo sư Hùng phân tích: “Việt Nam muốn liên minh thì liên minh với ai? Đông Nam Á, không ai muốn liên minh với Việt Nam cả. Những nước lớn như Ấn Độ thì cứ theo chính sách lờ mờ, trung lập, có thể hiện nay là hơi chống Trung Quốc một chút. Nhưng mà truyền thống của Ấn Độ là cứ đứng ngoài diễn thuyết về đạo lý cho người khác thôi, chứ không dính dáng vào.

Nhật Bản, hiến pháp rất giới hạn việc đó. Thành ra những nước mà đáng có thể giúp cho Việt Nam ở trong vùng thì không có.

Mỹ hiện nay là một đồng minh không khả tin, là bởi vì thứ nhất trong chính sách nội bộ đối với Trung Quốc thì đã chưa đồng nhất rồi. Mỹ luôn luôn tính toán. Liên minh thì phải có lợi cho Mỹ. Tức là hai bên cùng có lợi, tức là khi nào tích sản thì gọi là liên minh, còn nếu là tiêu sản, làm hại cho mình, thì không liên minh nữa. Vì thế, nếu Việt Nam dùng Mỹ để liên minh để chống Trung Quốc, thì Mỹ lại sợ rằng nếu trong trường hợp này Việt Nam gan lên, thì Mỹ lại tự nhiên phải đi vào đánh nhau với Trung Quốc, Mỹ sẽ không muốn phải vì Việt Nam mà chiến tranh với Trung Quốc.

Cho nên tình hình hiện tại cho thấy giải pháp đó không thực tiễn. Việt Nam cũng không muốn và không ai muốn chuyện đó xảy ra trong lúc này.”

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần phải làm gì? Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm: “Trên thực tế, bất cứ luật pháp cũng phải hậu thuẫn được bằng sức mạnh, thành ra phải có một tương quan lực lượng tốt đẹp, thuận lợi nào thì mới có thể ngăn chặn được Trung Quốc.”

Ảnh: Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN lần thứ 7 ngày 04/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan

Về tương quan lực lượng, nước có thể đối trọng nhất với Trung Quốc là Mỹ và Mỹ hiện nay ở trong rắc rối đó. Thí dụ về mặt lý thuyết thôi, Mỹ thấy Việt Nam là quan trọng và Mỹ cũng cần đến cái đó, thì thực sự Việt Nam có thể vận dụng khối các quốc gia Đông Nam Á, với điều kiện là khối đó thuần nhất. Hai cái đó tương tác với nhau, nếu mà khối Đông Nam Á thuần nhất, cùng cố gắng chống Trung Quốc, thì lại giúp cho Mỹ can thiệp nhiều hơn và can dự nhiều hơn.

Ngược lại, Mỹ càng can thiệp ít hơn, các quốc gia kia càng chia rẽ hơn, là vì họ phải tính rằng nếu Trung Quốc trở thành một lực lượng trội ở khu vực đó, nếu Mỹ mà không giúp họ, họ phải tìm cách thích ứng với một quốc gia lớn hơn mình.

Đó là lý do hiện nay mà chúng ta thấy các quốc gia không có quyền lợi thiết thực về Biển Đông thì tìm cách “rón rén” đi dây, nếu Mỹ tiến thì tôi tiến theo, Mỹ lùi thì tôi phải tiếp ứng Trung Quốc.

Thành ra chúng ta thấy hai yếu tố đáng để ý. Thứ nhất là sự đoàn kết Đông Nam Á và thứ hai, sự can dự của Mỹ. Hai cái có tác dụng hỗ tương với nhau. Và trong trường hợp Đông Nam Á, mà theo phương thức đồng thuận thì không bao giờ làm được cái gì lớn cả. Đồng thuận chỉ có tính cách mẫu số chung nhỏ nhất, cái mà ít người chống đối nó thôi. Còn vì thế phải có quyết liệt.

Nếu muốn vận động cái đó thì dĩ nhiên phải vận động một khối nào đó nó trở thành một sự thúc đẩy, những nước quan trọng mà thúc đẩy. Thì những nước đó có quyền lợi chung, có thể nên vận dụng những nước có quyền lợi chung đó. Và một trong những nước rất quan trọng mà tôi nghĩ là khó lôi họ vào là Indonesia. Indonesia là nước rất mạnh, đông dân. Nếu họ có quan tâm đến thì tốt hơn, nhưng theo ước tính của tôi thì Indonesia có đường lối riêng của họ, khó đưa vào. Thì chỉ còn vài nước nhỏ thôi – Philippines, Malaysia, như Việt Nam, là những nước có quan hệ, trên lý thuyết, nên vận động những nước đó và nhất là vận động cả Singapore nữa. Thành ra, nếu có sự ủng hộ thêm của Singapore, sẽ tạo thêm uy tín, sức mạnh quốc tế – quyền lợi mềm của họ, nên vận động.

Do đó, chúng ta thấy mỗi nước đều có quyền lợi riêng, cho nên về lý thuyết thì nên vận động, nhưng mà về thực tiễn, thì tôi thấy cuộc vận động đó rất là khó khăn.”

Tiến sĩ Anders Corr, một chuyên gia về Biển Đông, từng hoạt động trong ngành quân báo tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ lại bày tỏ quan điểm hoàn toàn khác biệt trong một bài phân tích được tạp chí Mỹ The National Interest công bố hôm 07/11/2019, sau sự kiện Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và đoàn tàu hải cảnh tháp tùng vào gây hấn trong khu vực Bãi Tư Chính.

Ảnh: Bài phân tích của Tiến sĩ Anders Corr công bố trên tạp chí The National Interest hôm 07/11/2019 có tựa đề “Việt Nam có thể là đồng minh mới của Mỹ chống lại Trung Quốc

Ông cho rằng để đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, Việt Nam cần phải có một chiến lược thích ứng, trong đó yếu tố cực kỳ quan trọng là liên minh với Hoa Kỳ, nước duy nhất hiện nay có đủ lực để ngăn chặn Trung Quốc.

Ông đánh giá trong những lần gây sự trước đây, từ vụ Hoàng Sa năm 1974, cho đến vụ Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988, Trung Quốc luôn là kẻ gây sự trước, và kết quả là Việt Nam vừa bị mất người, vừa bị mất lãnh thổ.

Để chống lại Trung Quốc, tiến sĩ Anders Corr cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược mới trong đó có 4 thành tố quan trọng.

Một là liên minh với các quốc gia có thể răn đe Trung Quốc ở mức cao nhất là răn đe hạt nhân, ví dụ như với Mỹ, Pháp và Anh.

Hai là liên minh với các quốc gia có đủ năng lực triển khai nhanh chóng lực lượng quân sự thông thường (quy ước) để răn đe Trung Quốc, ví dụ như Hoa Kỳ;

Ba là sử dụng thành quả tăng trưởng kinh tế để nâng cao mức chi tiêu quân sự để răn đe Trung Quốc ngay tại chỗ, ví dụ như thông qua việc mua thêm tàu ngầm, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không;

Và bốn là dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên minh kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất của Trung Quốc.

Tiến sĩ Anders Corr khẳng định khi mà Ấn Độ, Nga, Úc mà Việt Nam đã kêu gọi hỗ trợ không thể là đối tác liên minh cốt lõi; ASEAN chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nên lơ là trước hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông; thì chỉ có Mỹ có đủ điều kiện để hỗ trợ Việt Nam chống Trung Quốc

Nga, Úc và Ấn có thể là đối tác chiến lược hữu ích cho Việt Nam, nhưng các nước đó không đủ khả năng làm một đối tác liên minh cốt lõi vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để một mình đánh bại Trung Quốc.

Nga có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và cả Nga lẫn Ấn Độ đều là các cường quốc hạt nhân có khả năng quan trọng để triển khai lực lượng quân sự thông thường đối phó với Trung Quốc, nhưng hai nước này không đủ sức mạnh về mặt kinh tế hay quân sự để đối đầu với Bắc Kinh. Cả hai đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, trong thực tế do Trung Quốc lãnh đạo. Do đó, hai nước này không thể trở thành đồng minh cốt lõi đáng tin cậy cho Việt Nam.

Úc là một đồng minh đáng tin cậy tiềm tàng, nhưng lại không có sức răn đe hạt nhân hay quy ước cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Úc cũng không đặc biệt mạnh về mặt ngoại giao, quân đội Úc còn thiếu phương tiện so với Trung Quốc, và nhất là Úc chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều hơn là Hoa Kỳ, Pháp hoặc Anh Quốc.

Khoảng 40,8% hàng xuất khẩu của Úc được bán sang Trung Quốc, điều đó giải thích tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Úc vốn có ảnh hưởng trên sân khấu chính trị Úc. Ngược lại, Hoa Kỳ, Pháp và Anh có ít hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nếu tính theo tỷ lệ trong GDP của họ, do đó các nước này chịu ảnh hưởng chính trị ít hơn từ Trung Quốc. Mỹ, Anh và Pháp cũng có thế mạnh là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

ASEAN đã giúp đỡ rất ít cho Việt Nam trong bối cảnh các nước thành viên ngày càng chịu ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh, và phủ quyết mọi chỉ trích thực sự về Trung Quốc. Các nước này chuẩn bị rất ít hay hầu như lơ là trong việc ngăn chặn các hoạt động gặm nhắm Biển Đông của Trung Quốc. Đến cả Philippines, nước duy nhất từng kiện đường 9 đoạn của Trung Quốc, cũng đang chịu ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của Bắc Kinh.

Tiến sĩ Corr khẳng định chỉ có Hoa Kỳ mới có tất cả các điều kiện để trở thành một đồng minh cốt lõi đáng tin cậy và đủ sức chống lại Trung Quốc. Các điều kiện đó là một chính sách đối ngoại độc lập với ảnh hưởng của Trung Quốc (so với các thành viên ASEAN và Nga), một sức mạnh kinh tế cần thiết để trừng phạt Trung Quốc, một sức mạnh ngoại giao cần thiết để phủ quyết Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Mỹ cũng có đủ khả năng quân sự cần thiết để triển khai sức mạnh quân sự quy ước đối phó với Trung Quốc, và sức răn đe hạt nhân cần thiết để bảo vệ chính mình khỏi sự trả đũa hạt nhân tiềm tàng của Trung Quốc.

Chuyên gia Mỹ khẳng định: Nếu không có Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc, an ninh Việt Nam không thể được bảo đảm. Sự tham gia của Hoa Kỳ là điều kiện thiết yếu cho bất kỳ liên minh hiệu quả nào chống lại Trung Quốc căn cứ vào tương quan lực lượng hiện tại.

Tuy nhiên, Mỹ chỉ ưu tiên cho những đồng minh có giá trị tương tự về dân chủ và nhân quyền. Vì vậy, để có được không chỉ liên minh với Hoa Kỳ, mà cả việc Hoa Kỳ sẵn sàng hy sinh cho Việt Nam, chấp nhận rủi ro trước một cường quốc hạt nhân, Việt Nam ít ra cần phải có những cải tiến dần dần nhưng ổn định về dân chủ và nhân quyền.

Từ sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014 cùng với những hành động hiếu chiến đi kèm, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore đã nhận định Việt Nam cần chuyển hướng sang chính sách liên minh.

Nhà nghiên cứu đưa ra bốn lý do cho sự chuyển hướng này là:

Thứ nhất, hiện nay nền tảng của chính sách không liên minh – liên kết của Việt Nam đã trở nên không còn phù hợp hoặc phản tác dụng. Chính sách không liên minh – liên kết chỉ phù hợp với từng giai đoạn lịch sử như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Đây chỉ là lựa chọn tốt khi an ninh Việt Nam không bị đe dọa trong khi nhiều năm trở lại đây Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng tại Biển Đông. Và việc không liên minh – liên kết chỉ hợp lý khi nội lực của Việt Nam đủ mạnh; tuy nhiên, tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc lại quá chênh lệch.

Thứ hai, Trung Quốc đã phá vỡ “điểm cân bằng” trong quan hệ song phương và buộc Việt Nam phải thay đổi chiến lược. Nói cách khác, Việt Nam không còn đường lùi, hoặc phải quy thuận theo Trung Quốc, hoặc phải tìm cách để ứng phó lại.

Thứ ba, Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi để chuyển sang chính sách liên minh. Vị thế quốc tế và nội lực của Việt Nam hiện nay khác với thời kỳ trước bình thường hóa với quan hệ ngoại giao rộng mở, có quan hệ kinh tế hai bên cùng có lợi với hầu hết các nước trên thế giới, có quan hệ bình thường và ngày càng phát triển với các cường quốc lớn và tầm trung. Đặc biệt, Việt Nam đã là thành viên của tất cả các tổ chức chủ chốt của khu vực và thế giới. Vì vậy chúng ta vừa có điều kiện và mạng lưới quan hệ thuận lợi để hình thành các liên minh, vừa có đủ không gian ngoại giao để thoát thế bao vây, cô lập của Trung Quốc nếu bị trả đũa.

Thứ tư, môi trường chiến lược khu vực và thế giới hiện nay có lợi cho sự chuyển hướng của Việt Nam đặc biệt là Việt Nam có ưu thế chính nghĩa so với Trung Quốc; có đồng minh tự nhiên là các nước cùng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Philippines, Nhật Bản hay những quốc gia có những lợi ích chiến lược mâu thuẫn với Trung Quốc như Ấn Độ và Hoa Kỳ…

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất cam kết không liên minh quân sự, không dựa vào nước này để chống nước kia, Ukraina cũng đã từng như thế khi nền chính trị luôn bị con gấu Nga khống chế, áp lực lên phần đất này. Tuy nhiên Ukraina đã thấy dã tâm của Nga và quốc hội nước này đã mạnh dạn quyết định bãi bỏ cam kết tự mình trói mình ấy. Vào ngày 23/12/2014 Quốc hội Ukraina đã có số phiếu áp đảo 303/8 ủng hộ bãi bỏ quy chế không liên kết mà nước này đã thông qua vào năm 2010 lúc ấy dưới sức ép của Nga nhằm ngăn cản Ukraina gia nhập NATO.

Việc Việt Nam có nên thay đổi lập trường trung lập, không liên minh và nếu liên minh thì liên minh với ai và dưới hình thức nào để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dưới sự bành trướng của Trung Quốc vẫn sẽ là tiêu điểm để các lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Hà Nội và người dân cả nước tiếp tục thảo luận để đi đến quyết định cuối cùng.

Nhưng liệu ông Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Ủy viên Bộ Chính trị có thay đổi để tạo bước ngoặt về đường lối, hay vẫn mù quáng tin vào cam kết “16 chữ vàng” và “4 tốt”? thì chúng ta sẽ tiếp tục cùng quan sát kỹ nhóm người này trong thời gian tới.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=7Abl8Ocdj7c
TQ sắp „dạy cho VN bài học“ trên Biển Đông?
Kasse animation 7.8.2023