Berlin trong cơn dịch Vũ Hán

Bến tàu điện phía trước chợ Đồng Xuân Berlin, CHLB Đức.

Cô bạn học người Nga mang đến lớp hai chai cồn, cô đặt trên bàn, mọi người không ai nói gì, họ xức cồn rửa tay.

Có lẽ ai đó cũng muốn nói về dịch cúm Vũ Hán, nhưng họ chờ xem người khác nói. Rút cục chẳng ai nói gì, lớp học không còn không khí vui vẻ như mọi khi.

Tôi ra xe lấy chai xịt khuẩn loại 1 lít, mới sáng trên đường đi học, tôi ghé vào siêu thị mua 4 chai. Cầm chai xịt vào lớp, tôi nói mời người đứng dậy ra ngoài, khi mọi người ra hết, tôi xịt khắp phòng, bàn ghế, cửa sổ, cửa ra vào. Tôi ra cả nhà vệ sinh xịt.

Đến chiều học về, tôi ghé siêu thị định mua thêm, nhưng không còn chai xịt loại đó. Ở dãy bán chất tẩy, rửa, khử trùng mọi khi chả ai đứng. Hôm nay đến chục người cả ta lẫn Tây và Tàu đứng săm soi từng giá kệ tìm kiếm chai xịt khuẩn.

Chai xịt diệt khuẩn ( Ảnh: Blogger Người Buôn Gió)

Nước Đức hùng mạnh và chủ quan, trước đây một tháng, họ vẫn nghĩ rằng con viruts Vũ Hán còn xa xôi lắm, khó có thể đến được nước Đức này. Nhưng những ổ dịch từ La Mã đã bùng phát, đế chế một thời hùng mạnh La Mã đã trở nên già cỗi vào đầu thế kỷ 21. Cuối cùng là đành chấp nhận làm tiền đồn cho một đế chế đang lên từ phương Đông, đó là Trung Hoa. Trong chiến lược vành đai, con đường nhằm tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc trên thế giới, Trung Hoa chọn La Mã làm bàn đạp tiến vào châu Âu.

Những nhà máy, công xưởng mang những thương hiệu thời trang nổi tiếng của La Mã dần dần người Trung Hoa chiếm thị phần, nhiều nhà máy mới của người Trung Hoa được mở trên đất La Mã. Những ông chủ Trung Quốc bệ vệ, khệnh khạng dẫn gia đình đi ăn tiêu, mua sắm trên những khu phố sang trọng của La Mã.

Bây giờ thì cơn dịch Vũ Hán đã tràn đến nước Đức, tốc độ tăng lên chóng mặt từng ngày, đã hai nghìn người nhiễm bệnh.

Người Đức ngạo mạn, họ vẫn làm như ra vẻ coi thường cơn dịch. Nhưng thực sự bên trong sâu thẳm, nỗi lo đã lớn dần. Lệnh cấm xuất khẩu những mặt hàng như khẩu trang, trang bị phòng hộ đã được ban ra nghiêm khắc. 500 nghìn Euro tiền phạt và 6 tháng tù cho ai có hành vi lén lút mang những mặt hàng này ra khỏi nước Đức.

Nước sát trùng, diệt khuẩn đã khan hiếm.

Không ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Tí Hớn nói với bố, ở lớp con nhiều bạn đã nghỉ học, nhà trường nói ai cảm thấy lo lắng, có thể nghỉ học.

Tôi ra chợ người Việt ở Berlin, chợ Đồng Xuân mua gạo và đồ ăn, khu chợ mọi khi đông đúc, nhộn nhịp giờ vắng tanh. Những người bán hàng chỉ nói đến cơn dịch, mấy hôm trước có ai đó đồn rằng trong chợ đã có người nhiễm. Những vị doanh nghiệp tai to mặt lớn người Việt ở chợ đã phải mở cuộc họp báo để trấn an đó là tin đồn nhảm. Nhưng dù thế thì chợ vẫn vắng hơn ngày thường đến mấy lần.

Một mầu tê tái và ảm đạm bao quanh Berlin, tôi có cổ phần ở tiệm nails, massage, sushi. Khỏi nói thì ai cũng biết, những ngành nghề này của người Việt đang gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Có bao nhiêu người Việt không giấy tờ đang đi làm thuê lén lút sẽ không có việc làm, bao nhiêu chủ nhà hàng nhỏ mượn tiền để kinh doanh, hàng ngày đứng nhìn nhau với người làm, nói chuyện giết thời gian?

Nước Mỹ đã cấm các chuyến bay từ châu Âu đến nước họ.

Chuyện chẳng thể coi thường nữa rồi.

Luật sư Nguyễn Văn Đài và Blogger Người Buôn Gió ( Bùi Thanh Hiếu ) tại Berlin.

Blogger Người Buôn Gió – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023