Cảnh báo đụng độ vũ trang Trung quốc – Việt nam trên Biển Đông năm 2020

Vấn đề Biển Đông ngày càng nóng lên, đặc biệt căng thẳng giữa 2 nhà nước cùng theo thể chế Chủ nghĩa Cộng sản đã lên cao đỉnh điểm trong thời gian qua.
Một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ mới đưa ra nhận định về khả năng xảy ra xung đột vũ trang trong năm 2020 ở nhiều “điểm nóng” trên thế giới, trong đó có Biển Đông.


Dựa trên đánh giá của các chuyên gia chính sách đối ngoại của Mỹ về 30 cuộc xung đột tiềm tàng có thể xảy ra hoặc leo thang trong năm tới, cũng như tác động của chúng đối với các quyền lợi của Hoa Kỳ, Hội đồng Đối ngoại nhận định rằng “một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran, Triều Tiên, hoặc với Trung Quốc ở Biển Đông vẫn là những điều gây ra mối quan ngại lớn nhất ở nước ngoài”.
Tổ chức, nơi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng tới phát biểu về chính sách đối ngoại của Việt Nam, nói rằng Biển Đông là một trong các “ưu tiên hàng đầu đối với Hoa Kỳ” trong năm 2020.
Với nhận định về tác động “cao” và khả năng xảy ra ở mức “vừa phải”, Hội đồng Đối ngoại đề cập tới “một cuộc đối đầu vũ trang quanh các khu vực lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một hoặc nhiều hơn các nước Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, hay thậm chí với cả Đài Loan.
Tình hình Biển Đông nóng lên những tháng cuối năm 2019 vì vụ “đối đầu” của tàu hải cảnh hai nước láng giềng phương bắc ở Bãi Tư Chính, cũng như việc tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đi vào lãnh hải mà Hà Nội nói là Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng giống như Ấn Độ, Việt Nam “không có đồng minh quân sự và buộc phải một mình đối đầu với sự xâm lược của Trung Quốc”.

Năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ Việt Nam công bố Sách Trắng Quốc phòng, trong đó Trung Quốc nhiều lần được đề cập, nhất là về các vấn đề liên quan tới Biển Đông.
Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cần được xử lý hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đại cục hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển của hai nước”, Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam đã viết như vậy.
“Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Hai bên cần tiếp tục đàm phán, hiệp thương tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Hôm 01/01, Indonesia bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một phần tranh chấp ở Biển Đông vì các tuyên bố này “không có cơ sở pháp lý”.
Trước đó, hôm 30/12/2019, Jakarta đã phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện của một tàu tuần duyên Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của họ.
Các quan chức hàng đầu của Indonesia đã lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” và triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta, nói rằng tàu tuần duyên Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Natuna.
Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 31/12/2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển của họ, và cả Trung Quốc và Indonesia đều có các hoạt động đánh bắt “bình thường” ở đó.
Bộ Ngoại giao Indonesia đã đáp trả mạnh mẽ và kêu gọi Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý và biên giới rõ ràng” về các tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này, dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết: “Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS 1982 công nhận.”
Jakarta cũng nhắc lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải với Philippines đã bị Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague bác bỏ năm 2016.

Trước đó, hôm 1.10.2019 Trung Quốc đã trình làng tên lửa hạt nhân chiến lược xuyên lục địa có tên gọi Đông Phong 41 với tầm bắn lên tới 15.000km, làm các chuyên gia nhận định là một “tín hiệu” gửi tới các nước tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, và thậm chí cả Mỹ.
Trong cuộc duyệt binh nhân 70 năm ngày lập nước với sự tham dự của 15 nghìn binh sĩ, hơn 160 máy bay cùng với gần 600 các thiết bị quân sự, giàn tên lửa Đông Phong 41 này đã được chở qua quảng trường Thiên An Môn với sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc khác.
Một số chuyên gia nhận định rằng ngày quốc khánh “là dịp để họ bộc lộ rõ hơn, khẳng định hơn nữa tất cả sự đe dọa của họ”

Một giả thuyết quan trọng được đặt ra là nếu căng thẳng hiện nay ở Biển Đông dẫn đến xung đột toàn diện, thì dường như ngày càng có khả năng mục tiêu mà Trung Quốc tấn công đầu tiên sẽ là Việt Nam.
Hai bên đã đối đầu với nhau tại khu vực Bãi Tư Chính giàu nguồn năng lượng, mà không bên nào có vẻ muốn lùi bước. Trung Quốc vẫn chống lại việc những bên tranh chấp khác khai thác các nguồn tài nguyên tại những các vùng biển đang tranh chấp, nhưng cuộc đối đầu hiện nay với Việt Nam có thể phục vụ mục đích chiến lược kép cho Bắc Kinh.
Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng lập luận rằng nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Biển Đông, đối thủ được lựa chọn rất có thể sẽ là Việt Nam.

Việt Nam là một thành viên ASEAN và có quyền phủ quyết. Trong khi các nước như Cam Pu Chia hay Lào muốn có một ngôn ngữ mềm mỏng hơn với Trung Quốc, thì Việt Nam cũng có quyền yêu cầu có một ngôn ngữ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, nếu không thì Việt Nam có quyền phủ quyết, sẽ dẫn đến đổ vỡ về mặt ngoại giao, những bế tắc trong các cuộc họp ASEAN, một điều mà không ai mong muốn.
Nếu Việt Nam cứng rắn, mạnh mẽ hơn, thì nếu không đạt được toàn bộ ý nguyện của mình, thì ít nhất cũng bảo vệ được một phần. Còn nếu như Việt Nam không lên tiếng, không đưa ra các lập trường cứng rắn thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị thiệt thòi.
Hiện nay Việt Nam còn có Mỹ, một đối tác tiềm năng trong tương lai, có thể giúp Việt Nam cân bằng hơn trong tương quan. Nhưng chính điều này lại dẫn đến việc bùng nổ mâu thuẫn trên Biển Đông.

Việt nam là một đất nước đã trải qua hàng nghìn năm Bắc Thuộc, trong cả quá trình lịch sử, quân bành trướng bá quyền phương bắc vẫn luôn tìm mọi cách thôn tính Việt nam, điều đó thấy rõ qua những cuộc chiến xâm lược gần đây nhất vào năm 1974 Trung quốc tấn công Quân đội Việt nam cộng hòa và cướp quần đảo Hoàng Sa,
Năm 1979 Trung quốc xua quân tấn công vào các tỉnh phía bắc Việt nam, giết hại hàng vạn phụ nữ, trẻ em, người già và các chiến sĩ Quân đội nhan dân Việt nam.
Gần đây nhất, vào năm 1988, 64 chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt nam cũng bị Trung quốc giết hại trên đảo Gạc Ma – thuộc chủ quyền của Việt nam.
Tất cả những điều đó nói lên, Việt nam cần luôn cảnh giác trước Nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Sự an toàn của gần 100 triệu người dân Việt nam, sự thịnh vượng của Đất nước chỉ có thể được đảm bảo khi Hà Nội vứt bỏ Chủ nghĩa Cộng sản để trở thành đồng minh của Mỹ và các nước Dân chủ, Tự do trên thế giới.

Lê Trung Khoa – Thoibao.de từ Berlin, CHLB Đức. / Truyền hình thực tế 5.1.2020

Kasse animation 7.8.2023