Buổi hội thảo về hiện trạng bang giao Đức-Việt sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Bà Petra Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh
Tiến sĩ Gehard Will, chuyên gia về châu Á của SWP (Tổ chức Khoa học và Chính trị)

“Dù bản thân phiên tòa ở Berlin không cứu được quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức, nhưng theo tôi, cách tốt nhất là phải tìm mọi biện pháp để bình thường hóa trở lại. Chính phủ Đức đã đưa ra một loạt các yêu cầu đối với phía Việt Nam, và việc để thân chủ tôi được quay trở lại nước Đức là một trong những đòi hỏi của Đức”, bà Schlagenhauf phát biểu.

Buổi hội thảo mang tên với 3 chữ K đứng đầu: “Kader- Korruption – Kidnapping” (Cán bộ – Hối lộ – Bắt cóc) được tổ chức tại taz Café (của Nhật báo TAZ) ở Berlin vào chiều tối thứ Tư ngày 23.5.2018 vừa qua.

Trong buổi hội thảo này các chuyên gia Đức được mời tới trao đổi ý kiến với nhau về “Hiện trạng bang giao Đức-Việt sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.

Trên bàn chủ tọa gồm có bà Petra Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh, nhà báo Marina Mai chuyên viết cho nhật báo TAZ về người Việt Nam ở Đức, Tiến sĩ Gehard Will, chuyên gia về châu Á của SWP (Tổ chức Khoa học và Chính trị). Tiến sĩ Gerhard Will đến với buổi Hội thảo này thay thế cho đồng nghiệp là ông tiến Sĩ Jörg Wischermann, thành viên liên kết tại Viện Nghiên cứu Châu Á / GIGA Hamburg với trọng tâm nghiên cứu về Việt Nam, đã bị bận bất ngờ. Điều khiển buổi thảo luận là ông Sven Hansen, Biên tập viên về châu Á của nhật báo TAZ.

Khách tham dự khá đông đảo ngồi chật kín các ghế trong phòng khiến một số phải đứng phía sau gồm một tập thể hỗn hợp Việt Đức đại diện cho các lứa tuổi và những khuynh hướng khác nhau.

Mở đầu buổi hội thảo, ông Sven Hansen mô tả lại diễn biến và hậu quả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ tháng bảy 2017 cho đến nay. Ông nhấn mạnh vào sự thay đổi trong ngôn ngữ của chính quyền Đức từ lúc đầu là „nghi ngờ bắt cóc“ bây giờ thành ra là một “hành động bắt cóc” và hành động bắt cóc này phát sinh từ mâu thuẫn quyền lợi phe nhóm trong nội bộ nhà nước Việt Nam.

Bà Petra Schlagenhauf được giới thiệu là luật Sư chuyên ngành về di dân tỵ nạn, về tội phạm, về gia đình và hành chính. Bà rất quan tâm về tình trạng pháp lý và tâm lý của người di dân và tỵ nạn. Trong công việc bà đã tiếp nhận hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh xin hỗ trợ pháp lý trong vấn đề tỵ nạn và chống lại yêu cầu dẫn độ của Việt Nam, do đó bà đã biết đến nhân vật này từ nhiều tháng trước khi ông ta bị bắt cóc và bà biết chắc rằng Trịnh Xuân Thanh không bao giờ tự ý trở về đầu thú tại Việt Nam. Bà cũng cám ơn hai nhân chứng người Đức nhìn tận mắt cuộc bắt cóc đã phản ứng hữu hiệu tại chỗ bằng cách ghi ngay số xe và gọi Cảnh Sát lập tức.

Bà luật sư Schlagenhauf nhận định, phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam chỉ là phiên kịch tại tòa. Báo chí trong nước và một số quan sát viên quốc tế, trong đó có đại diện Sứ quán Đức tại Hà Nội, chỉ được tham dự gián tiếp qua màn hình trong phòng cạnh phòng xử và màn hình thì hay bị nhiễu sóng vào đúng lúc quan trọng nhất (!!).

Luật sư Schlagenhauf nhấn mạnh, tất cả những phán quyết của Việt Nam kết án Trịnh Xuân Thanh tù chung thân đều không hợp lệ. Ông Trịnh Xuân Thanh đã bị mật vụ Việt Nam dùng bạo lực bắt cóc đem về nước. Việc bắt cóc này là một hành vi phạm tội. Việt Nam không những đã vi phạm luật Đức mà còn vi phạm Công pháp Quốc tế.Với việc thực hiện hành vi tội phạm như thế, theo Công pháp Quốc tế, Việt Nam đã tự đánh mất quyền tố tụng xét xử thân chủ của tôi”, luật sư Schlagenhauf giải thích, “Như vậy, phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh tại Hà Nội là không hợp lệ, và một khi phiên tòa không hợp lệ rồi thì đương nhiên tất cả những phán quyết tòa đưa ra sau đó cũng đều không hợp lệ”.

Do đó việc ông Thanh muốn quay trở lại Đức là một yêu cầu chính đáng và việc đưa ông Thanh quay trở lại Đức là điều có thể làm và hoàn toàn nên làm. Đó cũng là việc liên quan đến những đòi hỏi mà phía Đức đặt ra với Việt Nam và phía Việt Nam cần tuân thủ, để qua đó hàn gắn quan hệ song phương. Quan hệ giữa hai nhà nước là phải theo luật pháp chứ không thể dùng hành vi bạo lực phạm pháp như thế được, luật sư Schlagenhauf nói.

Hiện tại bà là người hỗ trợ Pháp lý cho nguyên đơn Trịnh Xuân Thanh tại Tòa án Thượng thẩm Berlin. Bà cho biết thủ tục xét xử tại Tòa án Berlin dựa trên những bằng chứng xác thực: hình ảnh thu được, 3 chiếc xe ô tô sử dụng cho vụ bắt cóc và khoảng 10 -20 nhân chứng liên lụy … Hiện tại chỉ mới có 5 nhân chứng đã hầu tòa.

Theo bà Schlagenhauf, bị cáo Nguyễn Hải Long thực sự chỉ là một “con cá nhỏ” trong vụ án quốc tế nghiêm trọng này, nhưng điều mà phiên tòa Berlin làm được là nó sẽ đưa đến kết luận cuối cùng rằng có phải đây là một vụ bắt cóc với sự thực hiện và chỉ huy của mật vụ Việt Nam hay không, để đưa ra công luận thế giới một cách rõ ràng. Tất cả những công việc chuẩn bị, lên kế hoạch, phối hợp thực hiện ra sao… phiên tòa sẽ cần phải làm rõ.

Trước khi xảy ra vụ bắt cóc, quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Đức đã đạt được nhiều tiến triển tốt đẹp. Nhưng chỉ vì vụ bắt cóc mà quan hệ đối tác chiến lược đã bị đình chỉ, một loạt các dự án hợp tác bị dừng lại. Trong tương lai sắp tới đây, quan hệ ngoại giao giữa hai nước ra sao sẽ còn tùy thuộc vào cách ứng xử của chính phủ Việt Nam.

Dù bản thân phiên tòa ở Berlin không cứu được quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức, nhưng theo tôi, cách tốt nhất là phải tìm mọi biện pháp để bình thường hóa trở lại. Chính phủ Đức đã đưa ra một loạt các yêu cầu đối với phía Việt Nam, và việc để thân chủ tôi được quay trở lại nước Đức là một trong những đòi hỏi của Đức”, bà Schlagenhauf phát biểu.

Theo tôi, sự thông minh và xử sự tốt nhất là bằng con đường ngoại giao để giải quyết chuyện này càng nhanh càng tốt. Điều đó sẽ có lợi cho cả hai nước. Đây không chỉ là quan hệ giữa Đức với Việt Nam không thôi, mà còn là quan hệ giữa Việt Nam với cả khối EU nữa, luật sư Schlagenhauf nói.

Nhà báo nữ Marina Mai, chuyên viết cho nhật báo TAZ về người Việt Nam ở Đức,

Nữ nhà báo Marina Mai, ký giả Đức đầu tiên đưa tin về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, đã trình bày về mối bang giao giữa Đức và Việt Nam trước vụ bắt cóc rất tốt đẹp trên các phương diện kinh tế, giáo dục v. v. mặc dù về phương diện nhân quyền vẫn còn nhiều khó khăn. Thí dụ điển hình là vở kịch „Der Besuch der alten Dame“, là một vở kịch cổ điển từ thời 1956 của Friedrich Dürrenmatt,  nói về sự tham lam tiền bạc, tham nhũng … mà chính Thủ Tướng Gerhard Schröder đã lên tiếng yêu cầu cho trình diễn nguyên bản tại Việt Nam, thế mà nhà nước Việt Nam vẫn ngăn cản việc trình diễn đó.

Nhà báo Marina Mai phân tích cộng đồng người Việt tại Đức bao gồm nhóm người tỵ nạn đã đến nước Đức đầu tiên, sau đó là nhóm người lao động hợp tác thời Đông Đức cũ, và cuối cùng là nhóm người đến Đức sau khi bức tường Berlin sập đổ. Nhóm đến cuối cùng gồm có người ở hợp pháp và bất hợp pháp, đó là nhóm người mà đa số còn gặp khó khăn trong vấn đề cư trú.

Bà Marina Mai nêu ra vấn đề Đại Sứ quán Việt Nam tại Đức có những chương trình kế hoạch giám sát hoạt động của các Hội Đoàn người Việt, nhất là các hội đoàn ở miền Đông nước Đức, nhằm làm cho họ bị lệ thuộc vào chế độ ở quê nhà. Ngoài ra Đại sứ quán Việt Nam còn tạo ra một mạng lưới theo dõi trong cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Nhà báo Marina Mai cũng đề cập đến các đe dọa bạo lực của nhà nước Việt Nam nhắm vào các nhà báo và cộng đồng người Việt hải ngoại, dưới áp lực này có người đến giờ vẫn trốn tránh và muốn giấu tên.

Nhà nước Việt Nam chẳng những thúc đẩy các doanh nhân Việt kiều giàu có đem tiền về đầu tư trong nước mà còn tổ chức lôi kéo các giới trẻ thuộc thế hệ 2 hay 3 dưới hình thức tổ chức Trại Hè tại Việt Nam và gầy dựng một mạng lưới xã hội để kết nối họ.

Nhà nước VN phát triển hệ thống truyền hình VTV4 để đem văn hóa chính trị trong nước đến 7 triệu Việt kiều, tăng số lượng nhân viên ngoại giao trên các nước trên thế giới và xây dựng hội đoàn trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Trước vụ bắt cóc thường có các cán bộ cấp lớn đến hội họp tại chợ Đồng Xuân tại Berlin hay Leipzig kêu gọi Việt kiều đầu tư về Việt Nam, sau vụ bắt cóc thì việc tổ chức ăn uống kêu gọi đầu tư tại những nơi có đông Việt kiều hầu như đã biến mất .

Ông Gerhard Will là một nhà Xã Hội Học và làm việc trong Viện Khoa học và Chính trị tại Berlin thuộc nhóm nghiên cứu về Đông Nam Á.  Theo ông tham nhũng là một căn bệnh xã hội cũng như những tội phạm xã hội khác. Điều khác biệt là xã hội làm gì để chống lại căn bệnh này. Ở Việt Nam việc đấu tranh chống tham nhũng đã được nêu lên từ năm 2006 trong Đại Hội Đảng lần thứ 10 dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đấu tranh đã gắn liền với truyền thống Đảng CSVN từ năm 1976 với những khẩu hiệu thanh trừng nội bộ, tập trung quyền lực.

“Đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ có nghĩa là đấu tranh quyền lực trong nội bộ đảng, là một dụng cụ để củng cố quyền lực. Đó là động lực chính trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, nhà nước Việt Nam cũng không ngờ tới phản ứng quyết liệt của chính phủ Đức sau khi vụ bắt cóc xảy ra và Việt Nam phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng”, tiến sĩ Gerhard Will nói.

Sau vụ bắt cóc chính phủ Đức đã có những biện pháp trừng phạt như trục xuất 2 nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán VN tại Berlin, đóng băng quan hệ đối tác chiến lược với VN, đình chỉ miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam và Hiệp định Thương mại giữa VN và Liên Âu (EU) cũng bị trì hoãn v.v. Những biện pháp này đã không xảy ra trong chính trường nước Đức từ trên 10 năm nay.

Hành động bắt cóc người lại còn lan rộng đến các nước trong châu Âu như vụ lạm dụng (hay nói nhẹ đi là sử dụng) chuyên cơ của chính phủ Slovakei. Cuối năm 2017 người ta đã điều tra việc có người sử dụng thông hành giả để bay trong chuyến bay đó, bây giờ Đại Sứ quán Việt Nam tại Slovakei lại “chối nhăng, chối cuội” là không có người bị bắt cóc trên chuyên cơ này.

Theo tiến sĩ Gerhard Will, nước Đức quan niệm rằng, nếu nước Việt Nam ổn định thì sẽ tạo một ảnh hưởng tốt đẹp trong vùng Đông Nam Á, vì vậy nước Đức đã đặt mối bang giao với Việt Nam lên một vị trí đặc biệt. Nhưng hiện tại nước Đức không có một chọn lựa nào khác, nước Đức bắt buộc phải phản ứng trước thái độ “ngỗ nghịch” của nhà nước Việt Nam, nếu không thì nước Đức sẽ làm trò cười cho thế giới.

Trong lời cuối trước khi chấm dứt buổi hội thảo, bà luật Sư Schlagenhauf cho biết, phiên tòa xét xử tại Berlin sẽ tiếp tục từ đầu tháng 6 sắp tới, và quốc gia Slovakei cũng sẽ phải cho người giải trình trước tòa. Nhà nước Việt Nam đã muốn ém nhẹm vụ bắt cóc bằng cách đưa nhanh tất cả các nhân vật tại hiện trường về Việt Nam kể cả cô nhân tình của Trịnh Xuân Thanh. Nhưng không may cho Việt Nam là đã có những nhân chứng và bằng cớ rõ ràng tại hiện trường. Bà kể lại sự kiểm soát an ninh gắt gao của cảnh sát đối với những người tham dự phiên tòa và cho đó là điều bắt buộc phải làm để bảo vệ sinh mạng các nhân chứng trước hiểm họa diệt khẩu của nhà nước Việt Nam. Có dư luận cho rằng chỉ cần trả Trịnh Xuân Thanh về Đức thì Hiệp Định Thương Mại Việt Nam và Liên Âu (EU) sẽ thành hình. Câu hỏi được đặt ra là nhà nước Việt Nam có thực tâm muốn giải quyết vấn đề hay không?

Trong lời cuối, nhà báo Marina Mai cũng kể lại sự kiểm soát nghiêm ngặt tại tòa án Berlin. Bà có nguồn tin là vị tướng hai sao Đường Minh Hưng chỉ huy vụ bắt cóc đã biến mất trên màn hình Việt Nam từ bấy lâu nay. Bà cho rằng nhà nước Việt Nam muốn cho chìm xuồng vụ này và có thể đưa tới hành động triệt tiêu nhân chứng.

Kết thúc buổi Hội thảo, tiến sĩ Gerhard Will cho rằng việc bắt cóc là một cơ hội để hai nước Việt và Đức có dịp hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Nước Đức biết thêm là Việt Nam không phải là một Nhà nước Pháp Quyền và nhà nước Việt Nam biết thêm là nước Đức rất tôn trọng sự thật.

Trong phần giao lưu với khán thính giả, đáng chú ý là phần phát biểu của ông Ullrich Delius, Giám đốc “Xã hội Dân sự cho những Dân tộc bị đàn áp”, nhấn mạnh về vai trò của Nhân quyền trong các cuộc đàm phán Đức – Việt và chính quyền Đức không nên đặt lợi ích kinh tế trên căn bản Nhân quyền.

Ông Sven Hansen (bên phải), Biên tập viên về châu Á của tờ TAZ. Và bà Petra Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh
Thảo luận
Việt kiều tại Đức thảo luận
Toàn cảnh Hội thảo.    >> Bấm vào đây để xem thêm các hình ảnh tại Hội thảo 

Kim My


Kasse animation 7.8.2023