Việt Nam: Xuất hiện những người tị nạn khí hậu đầu tiên

Việt Nam đang có một vấn đề khó khăn lớn, đó là vấn đề biến đổi khí hậu. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước này và cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân, nhưng lại bị đe dọa nghiêm trọng vì mực nước biển gia tăng, do chỉ cao hơn mặt nước biển hiện nay vài mét.

Theo Asia Times Online, hơn một nửa số lương thực cơ bản và một phần quan trọng trong ngư nghiệp, chủ yếu là nuôi thủy sản có xuất xứ từ khu vực này. 18 triệu trong tổng số gần 93 triệu người Việt Nam sinh sống tại đây. Nhưng trong thập kỷ qua, dân số đã giảm đi khoảng một triệu người.

Việc dân số ở vùng nông thôn giảm xuống, một phần cũng là bình thường có thể nhận thấy trên thế giới trong quá trình công nghiệp hóa. Nhưng theo kết quả một công trình nghiên cứu về hậu quả cũng như nguy cơ tiềm ẩn của việc biến đổi khí hậu đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì tỉ lệ di dân ở đây cao gấp đôi so với các khu vực khác ở Việt Nam. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy áp lực đặc biệt cao do biến đổi khí hậu dẫn tới việc di dân.

Một công trình nghiên cứu khác, được báo Asia Times Online trích dẫn, đã đi tới kết luận là 14,5% những người rời bỏ khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vì lý do biến đổi khí hậu.

Những diễn biến mới đây cho thấy mối nguy hiểm không chỉ xuất phát từ mực nước biển. Trong mùa đông 2015-2016, khu vực này đã phải gánh chịu một trận hạn hán thế kỷ. Mực nước sông thấp và nguồn nước ngầm giảm sút đã dẫn tới việc nước biển thâm nhập vào sâu trong đất liền và có thể làm đất canh tác bị nhiễm mặn lâu dài. Mùa màng đã bị phá hủy trên một diện tích ít nhất là 160.000 ha. Sau thời kỳ đó thì việc di dân tăng vọt.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ra tuyên bố, cảnh báo về hậu quả của việc biến đổi khí hậu đối với Việt Nam. IMF cũng lưu ý về nguy cơ bão nhiệt đới đe dọa nước này. Trong những thập kỷ qua, số lượng bão lụt, thiên tai đã tăng lên rõ rệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Việt Nam.

Trong năm 2017, Việt Nam đã phải gánh chịu 12 trận bão lớn, gây hậu quả nặng nề. Từ năm 1990 tới nay, các đợt thiên tai trung bình mỗi năm làm 500 người chết, gây thiệt hại 1% cho nền kinh tế.

Theo các công trình nghiên cứu khác nhau, từ số liệu thu được từ vệ tinh và các số liệu ghi được từ các bờ biển thì trong hai thập kỷ qua, mực nước biển gia tăng với tốc độ từ 2,2 tới 3,6 mm một năm. Các nhà khoa học về khí hậu cho rằng mực nước biển sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn với việc Trái đất ấm lên, có thể tăng lên từ một mét tới hai mét từ nay tới cuối thể kỷ này. Với hậu quả nghiêm trọng của mực nước gia tăng đối với khu vực này, số người chạy trốn khỏi khu vực đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ tăng mạnh.

Văn Long – Thoibao.de (Theo báo Telepolis)

Nguồn: https://www.heise.de/tp/news/Vietnam-Die-ersten-Klimafluechtlinge-3940283.html

—–

Kasse animation 7.8.2023