Bị cáo ĐINH LA THĂNG

Khi ông Thăng nhận án kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương, ra khỏi Bộ Chính trị, thôi chức Bí thư Thành uỷ TP.HCM, tôi có viết vài note trên facebook. Ông gọi điện, nói gọn: “Anh đọc trên fb, cảm ơn chú. Nhưng mọi chuyện an bài rồi, chú đừng viết thêm gì nữa, người ta ngứa mắt rồi lại ảnh hưởng đến công việc của chú”.

Nay, ông đang là bị cáo trước Toà, không có cơ hội gọi điện cản tôi viết nữa. Và tôi viết những dòng này không chỉ cho riêng ông, mà cho Việt Nam quê hương tôi.

ĐƯỜNG ĐỜI & ĐƯỜNG ĐẤT NƯỚC

Ông Thăng “ngồi” vào ghế Bộ trưởng GTVT vào thời điểm mà nhiều ĐBQH đề nghị tuyên bố tình trạng tai nạn giao thông mức thảm hoạ, năm cao điểm có tới 13.000 tử nạn vì thảm hoạ này. Nhiều vụ tai nạn xe đối đầu, thương tâm, thảm khốc xảy ra trên những cung đường thổ tả.

Ông Thăng tiếp nhận dự án mở rộng Quốc lộ 1A (dài 1.887 km từ Hà Nội – Cần Thơ) với một núi công việc, đặc biệt là công tác bồi thường, thu hồi đất với 25.000 hộ dân (7.500 hộ phải tái định cư). Trưởng ban chỉ đạo công tác này thời đó, hiện nay là đương kim Thủ tướng, nhưng để dự án về đích đúng lệnh của Trung ương và Quốc hội, không ai có thể làm mờ được vai trò của “đốc công” Đinh La Thăng. Không ngại mưa nắng, không nghỉ thứ bảy chủ nhật, không nghĩ lễ, ông dành mọi thời gian đến công trường. Ở những điểm nóng, chắc hẳn đến nay nhiều lãnh đạo địa phương vẫn còn nhớ câu ông Thăng thường nói: “cố gắng vận dụng mọi cơ chế có thể để bồi thường mức cao nhất cho người dân”…

Tôi đã ở Thủ đô 18 năm để làm nghề viết lách, đã đi đủ mọi cung đường của đất nước, đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc với cảnh xe khách đấu đầu, những chiếc xe tải rùa bò, những chuyến phà mỏi mòn chờ sớm tối…

Khi ông Thăng kết thúc nhiệm kỳ “ngồi” (mà chẳng bao giờ được ngồi) ghế Bộ trưởng GTVT, thì Quốc lộ 1A đã thông toàn tuyến – tuyến huyết mạch rộng rãi khang trang nhất kể từ thời tổ tiên để lại. Tai nạn giao thông vẫn còn rất nặng nề, nhưng so với thời cao điểm thì đã giảm được 5.000 người chết.

Không quyết liệt, bạo liệt như Đinh La Thăng, không có kết quả ấy (cứ so sánh với những người tiền nhiệm, kế nhiệm của ông thì thấy rõ).

Khi vài “điểm nóng” BOT xảy ra, có nhiều người coi ông như tội đồ (tôi đã viết về việc này nên không viết lại. có những việc chúng ta cần hàng chục năm trải nghiệm mới nhận ra).

Quốc lộ 1A khang trang, giảm đi 5.000 ngàn nhân mạng chết oang uổng mỗi năm, và nhiều tuyến đường khác được hoàn thành, công lao là của “cả hệ thống chính trị”, còn những nguyền rủa nhằm vào ông Thăng.

TẬP ĐOÀN KINH TẾ VÀ NỖI ĐAU THỂ CHẾ

Bị cáo Đinh La Thăng đang đứng trước Toà với cáo buộc phạm tội thời ông làm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia VN. Báo chí đăng tin ông đã nhận trách nhiệm người đứng đầu và xin Toà xem xét cho cấp dưới.

Chắc chắn sẽ có án dành cho ông. Tôi không bàn chuyện này, vì đó là việc của các cơ quan tư pháp.

Tôi quay lại câu chuyện các tập đoàn kinh tế nhà nước của VN. Với tiền thân là các tổng công ty 91 được thành lập hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đến năm 2005 thì tập đoàn kinh tế đầu tiên được thành lập là Tập đoàn bưu chính viễn thông VN, một năm sau đó thì Tập đoàn dầu khí quốc gia VN được thành lập.

Tôi nhớ, trong suốt 2 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, TS Trần Du Lịch luôn ra rả đề nghị hoàn thiện thể chế kinh tế đối với các tập đoàn, ông nói thẳng rằng ở nước ngoài thì mỗi tập đoàn kinh tế nhà nước được quản lý bằng một đạo luật riêng. Nhưng đề nghị của ông Lịch không nhận được quan tâm đúng mức, hoặc là do vấn đề quá khó hoặc là do người ta không hiểu những gì vị TS kinh tế này cảnh báo.

Cũng như trước đó, năm 2010, đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra vụ việc ở Vinashin, thì có vị đại biểu Quốc hội đứng lên phản kích: “đừng vì Vinashin mà làm phức tạp tình hình”. Cái vị phản kích ấy đang giữ một chức vụ hàm bộ trưởng, còn GS Thuyết trở về với công việc viết sách giáo khoa thân thuộc của mình.

Kể từ khi Thủ tướng quyết định “thí điểm” thành lập mô hình tập đoàn kinh tế đến nay, chưa có ai chính thức tuyên bố kết thúc thí điểm mô hình này, mà chỉ có sự điều chỉnh (ví dụ từ chỗ cho kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và sau đó yêu cầu thoái vốn, tập trung cho lĩnh vực chính).

Trong quá trình “thí điểm”, chúng ta đã chứng kiến gần như tập đoàn nào cũng “có chuyện”. Vậy mà hơn 20 năm rồi, thể chế quản lý DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, vẫn chưa được hoàn thiện.

Hàng loạt các lãnh đạo tập đoàn bị kỷ luật, bị truy tố, xét xử, thụ án. Ông Đinh La Thăng không là ngoại lệ. Trong số những người bị kết án, có nhiều người đã tận hiến cả cuộc đời vì công việc, vì nghề mà họ yêu thích, có nhiều thành tích nổi bật làm lợi cho đất nước, quê hương. Tôi đơn cử trường hợp ông Phùng Đình Thực, một người con sinh ra từ vùng đất hiếu học Hoằng Hoá quê tôi, là một du học sinh giỏi nổi tiếng, bảo vệ luận án TSKH về dầu khí biển tại Liên Xô. Khi về nước, ông xuôi ngược Bắc – Nam, dặm trường từ đồng bằng đến biển cả, để tìm dầu. Ông có nhiều sáng kiến hết sức có giá trị đối với ngành kinh tế chủ lực – là cứu cánh của hầu bao ngân khố VN mấy chục năm nay.

Làm 100 dự án thành công, những chiếc bằng khen và thậm chí là danh hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN như ông Phùng Đình Thực, có thể không ai nhớ; nhưng chỉ một dự án thất bại, sai lầm, sai phạm, thì bị nguyền rủa suốt đời.

Hẳn nhiên là sẽ có người nói: không muốn bị đi tù thì khi đương chức đừng có sai phạm.

Hôm kia tôi đọc fb của một anh bạn nhà báo, đại ý rằng khi một lãnh đạo tập đoàn bị khởi tố thì đó là sai phạm của cá nhân, nhưng khi nhiều lãnh đạo tập đoàn và lãnh đạo ở nhiều tập đoàn bị khởi tố, thì phải xem lại cái thể chế ấy có lỗi gì không?

Nhìn ở góc độ này, không ít người vừa là tội nhân, lại vừa là nạn nhân.

ÔNG ĐINH LA THĂNG – NGƯỜI NHƯ TÔI BIẾT

Có những người ác ý, họ thường thêu dệt hình ảnh ông Thăng bên chai rượu Macallan 30. Và khi toà đang xét xử ông trước cáo buộc “cố ý làm trái”, thì họ mặc nhiên khẳng định chắc nịch: đó là tham nhũng.

Khi một số người có thiện cảm với ông Thăng công khai viết stt, thì có những người khác lấy vài ví dụ về một vài người oán thù làm dẫn chứng, rồi dẫn dắt theo các câu chuyện của riêng họ.

Những chuyện trên cũng bình thường. Cuộc đời là thế.

Ông Thăng dường như chẳng có bí mật gì. Ông là người sống thật, không giấu được cảm xúc. Cuộc sống cũng vậy. Từng là Chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn nhất nước, chắc chắn ông chủ trì nhiều cuộc tiệc tùng có rượu tây, với các món đặc sản. Những cuộc tiệc như vậy, nhiều lãnh đạo trong thể chế này từng chủ trì. Có khác, là trong khi có những lãnh đạo uống macallan 74 hoặc chivas 38 sau khi “sân khấu” đã đóng rèm, thì ông Thăng thích đông vui với bạn bè, anh em, không một chút cảnh giác.

Ông Thăng ở trong một căn chung cư, chưa chắc đã sang trọng bằng căn hộ của ông chủ tịch cấp huyện, còn so với căn penthouse cỡ như Bộ trưởng Y tế đang ở tạm thì nó nhỏ hơn rất nhiều. Ông không có biệt phủ. Ông không chơi golf. Ông cũng không đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài…

Ông Thăng uống rượu tây nhưng cũng vui vẻ dùng rượu đế. Kể từ khi ông ứng cử ĐBQH ở 6 huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá, năm 2011 đến nay, ông đã nhiệt tình dự hàng trăm cuộc rượu ngô, rượu sắn với quan chức cấp xã cấp huyện và cử tri vùng cao…

Lần gần đây nhất, sau kỳ họp Quốc hội, khi tình cảnh với cá nhân ông đã rất căng, có người khuyên ông thôi đừng đi tiếp xúc cử tri nữa. Nhưng ông vẫn quyết định đi tiếp xúc cử tri, đến xã Mường Chanh cao nhất ở vùng biên giới của huyện biên giới cao, xa nhất – Mường Lát, Thanh Hoá. Trong cuộc tiếp xúc cử tri cuối cùng ấy, cô con gái ông đã mua gần một ngàn chiếc áo khoác ấm để ông tặng các học sinh cấp 1, cấp 2. Tặng xong, khi đoàn chụp hình lưu niệm với nhà trường, ông đã xua tay, và lúc ấy tôi nhìn thấy trong mắt ông thấm đẫm nỗi buồn.

Đêm cuối cùng ở Mường Lát, cả đoàn uống rượu ngô, có 2 chai rượu tây vừa được tặng thì ông đem nó tặng lại trưởng công an huyện Mường Lát để chúc mừng một sỹ quan công an người dân tộc trẻ tuổi vừa được thăng quân hàm vì những chiến công đánh án ma tuý…

Ông Đinh La Thăng tiếp xúc cử tri lần cuối cùng hôm 1.12.2017 tại xã Mường Chanh ở vùng biên giới của huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hoá.

https://baomoi.com/doan-dbqh-thanh-hoa-tiep-xuc-cu-tri-huyen-muong-lat/c/24151052.epi 

Lê Kiên ( PV Báo Tuổi Trẻ )

Đinh La Thăng mắng “té tát” vào mặt nhà thầu Trung Quốc

Vụ xét xử Trịnh Xuân Thanh: ´´Đời vốn tàn nhẫn, chính trị thì còn tàn nhẫn hơn´´ (Luật sư: Lê Văn Thiệp)

http://thoibao.de/nguoi-viet-nam-chau/11629/vu-xet-xu-trinh-xuan-thanh%3A-%C2%B4%C2%B4doi-von-tan-nhan%252c-chinh-tri-thi-con-tan-nhan-hon%C2%B4%C2%B4-%28luat-su%3A-le-van-thiep%29-.htm

Đinh La Thăng: Tính cách và số phận (Luật sư. Lê Văn Thiệp)

http://thoibao.de/nguoi-viet-nam-chau/11628/dinh-la-thang%3A-tinh-cach-va-so-phan-%28luat-su.-le-van-thiep%29.htm

Chuyện không của riêng Thăng

http://thoibao.de/nguoi-viet-o-duc/11579/chuyen-khong-cua-rieng-thang.htm

Báo Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích Bộ trưởng Đinh La Thăng

https://news.zing.vn/bao-trung-quoc-lon-tieng-chi-trich-bo-truong-dinh-la-thang-post501952.html 

——–

Kasse animation 7.8.2023