Dự án thí điểm đào tạo điều dưỡng viên Việt Nam tiếp tục ở bang Sachsen

Một dự án thí điểm Đức – Việt đã được triển khai nhằm giảm thiểu việc thiếu hụt điều dưỡng viên ở Đức. Những học viên đầu tiên đã tốt nghiệp và bắt tay vào công việc, bang Sachsen dự kiến sẽ tuyển thêm học viên.

Nguyễn Hồng Nhung là một trong những học viên đầu tiên đã tốt nghiệp khóa bồi dưỡng để được công nhận là điều dưỡng viên theo tiêu chuẩn Đức ở bang Sachsen và đã bắt tay vào làm việc. Đối với Hồng Nhung, khóa bồi dưỡng này không khó, vì cô đã học để trở thành y tá ở Việt Nam và đã từng làm công việc này.

Ông Gerald Svarovsky, Giám đốc khu vực của tập đoàn DPFA có trụ sở ở Dresden, một trong những người cha tinh thần của một dự án thí điểm nhằm giảm thiểu việc thiếu hụt nhân lực chuyên môn trong ngành điều dưỡng cho biết: Khóa bồi dưỡng này nhằm bổ sung những kiến thức để học viên đã tốt nghiệp ở Việt Nam được công nhận có trình độ ngang với học viên được đào tạo ở Đức.

Ông Svarovsky cho rằng Sachsen đã làm nhiều cho việc đào tạo lực lượng chuyên môn trong ngành điều dưỡng, nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn nhân lực riêng thì trong những thập kỷ tới, cùng lắm chỉ có thể cung ứng được một nửa số điều dưỡng viên chuyên môn sẽ nghỉ việc vì tuổi tác, vì vậy họ cần có những ý tưởng mới. Và một trong những ý tưởng đó là tuyển thêm nhân lực từ nước ngoài, ví dụ như từ Việt Nam là nơi từng có quan hệ rất gần gũi với CHDC Đức trước đây.

Ông cũng cho biết, ban đầu cũng còn có sự hoài nghi và có phần áy náy. Ví dụ như về mặt đạo lý có ổn không, khi lấy những nhân lực chuyên môn sang Đức, trong khi ở nước họ cũng cần. Những khi sang thăm Việt Nam, ông thấy những lo ngại đó là không có cơ sở. Bởi vì ở Việt Nam, tình hình khác hẳn ở Đức. Ở đó có tới 2.000 người nộp đơn xin vào 200 chỗ học và thực tế chỉ có 30 người được nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn lại mối lo ngại là sự khác biệt về văn hóa và tinh thần có thể trở thành một trở ngại lớn hay không?

Ông Carsten Tietze, Giám đốc điều hành Bệnh viện Helios Pulsnitz cho biết, dĩ nhiên ban đầu thì cũng không dễ dàng làm quen, nhưng cuối cùng tất cả đều ổn thỏa. Cơ sở của ông là một trong ba đối tác thực hành của dự án, bên cạnh Nhà dưỡng lão Spreegasse GmbH Bautzen và Cultus gGmbH Dresden. Đây là ba cơ sở mà cho tới nay có 15 bạn trẻ Việt Nam học tập kỹ năng thực hành trong công việc điều dưỡng và sau khi tốt nghiệp họ cũng làm việc. Ông Tietze nhấn mạnh: „Nguyễn Hồng Nhung và một số đồng nghiệp của cô có hợp đồng lao động cố định và vô thời hạn ở chỗ chúng tôi. Họ là một phần của tập thể chúng tôi“.

Thời gian học tập và làm việc tối thiểu ở Đức là bốn năm, còn lại là không có hạn chế về thời gian. Hồng Nhung thì không có ý định lại nhanh chóng rời khỏi nước Đức. Cô cười vui vẻ nói: „Tôi rất thích công việc ở đây và tôi toàn tâm toàn ý với công việc“. Lĩnh vực điều dưỡng ở Đức phong phú hơn nhiều so với ở Việt Nam. Tuy nhiên, Hồng Nhung thú nhận là ban đầu cũng phải làm quen với thức ăn ở Đức, nhưng rồi bây giờ cô đã thấy rất ngon miệng.

Bà Barbara Klepsch, chính khách CDU, Bộ trưởng Quốc vụ về Xã hội và Bảo vệ người tiêu dùng bang tỏ ra phấn khởi với thông tin này, bởi vì bà mang trọng trách chính trị đối với công việc điều dưỡng trong bang. Bà cho rằng việc thu hút nhân lực chuyên môn từ nước ngoài là một trong những yếu tố góp phần giảm thiểu việc thiếu hụt nhân lực chuyên môn trong ngành điều dưỡng.

Ông Svarovsky cho biết, DPFA sẵn sàng đóng góp phần mình và dự kiến trong năm học 2018/19 sẽ nhận thêm 15 học viên Việt Nam nữa sang học khóa bồi dưỡng hoặc có thể sang học từ đầu ở Đức. Họ cũng sẵn sàng hợp tác với các đối tác mới trong việc hướng dẫn thực hành. Ông bày tỏ mong muốn chính quyền giảm thiểu những thủ tục hành chính, quan liêu làm cản trở các doanh nghiệp trong hoạt động của mình.

Văn Long – Thoibao.de (Theo báo chí Đức)

Kasse animation 7.8.2023